Ngân hàng xa dân, xa doanh nghiệp

PGS-TS. HOÀNG THỌ XUÂN - Viện Nghiên cứu Thương mại, Bộ Công Thương| 08/08/2012 04:04

Nhiều năm qua nước ta tập trung ưu tiên cải cách, đổi mới hệ thống ngân hàng, nhưng không hiểu sao càng cải cách, càng đổi mới thì ngân hàng lại càng xa dân, xa doanh nghiệp.

Ngân hàng xa dân, xa doanh nghiệp

Lâu nay có một câu hỏi lớn chưa có lời đáp, đó là nhiều năm qua nước ta tập trung ưu tiên cải cách, đổi mới hệ thống ngân hàng, nhưng không hiểu sao càng cải cách, càng đổi mới thì ngân hàng lại càng xa dân, xa doanh nghiệp.

Đọc E-paper

Sự thái quá và tuyệt đối hóa của liều thuốc “thắt chặt tiền tệ” áp dụng hơn một năm qua giờ mới thấy “ngấm”. Ngẫm lại, quả có điều đáng bàn.

Như một bậc hiền triết đã nói, nếu mọi thứ đều được định nghĩa rạch ròi thì nhân loại sẽ bớt được một nửa những lỗi lầm. Hình như chúng ta đồng nhất một cách tự nhiên lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI)? Lạm phát nào cũng đều có nguyên nhân tiền tệ của nó.

Nhưng ở Việt Nam, có phải vì quá nhiều tiền trong lưu thông mà làm cho giá cả hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng phổ thông và thiết yếu (lương thực, thực phẩm) tăng cao? Có phải vì “rủng rỉnh” tiền trong túi mà người ta chen nhau mua thêm rau cỏ, thịt thà? Nếu có, chắc gì đó đã là nguyên nhân duy nhất.

Vậy tại sao chỉ duy nhất và tuyệt đối hóa mỗi một chính sách thắt chặt tiền tệ, siết chặt tín dụng? Tại sao chỉ ra sức thu tiền về càng nhiều càng tốt, cung tiền ra càng ít càng tốt? Nếu đã đồng nhất lạm phát với CPI, sao không vạch ra CPI tăng cao còn do nguyên nhân gì khác?

Đúng lúc ấy, một vài tổ chức quốc tế và học giả, chuyên gia nước ngoài không biết có phải thấy cách điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cũng giống như ở một số nước hay không mà liên tục ngợi khen và khích lệ rằng đã đi đúng hướng, thắt chặt và thắt chặt hơn nữa. Đến lượt mình, không ít quan chức và nhà kinh tế Việt Nam đồng thanh nhắc lại điệp khúc ấy.

Giờ đây, lẽ ra phải tập trung khắc phục tác dụng phụ nặng nề của liều thuốc quá đà và tuyệt đối hóa nêu trên, thì NHNN lại đưa ra một thông điệp: Neo lãi suất cho vay 15% ít nhất một năm nữa, khiến người ta kinh ngạc. Liệu có lầm lẫn gì giữa các ngân hàng thương mại (NHTM) với NHNN? Bổn phận của NHNN, mà thống đốc cũng như các bộ trưởng khác, đều là thành viên Chính phủ, đâu phải chỉ là chăm bẵm cho các NHTM như con cháu trong nhà. Thử hỏi, nếu các bộ cũng chỉ lo cho lợi ích của các doanh nghiệp trong ngành thì đất nước sẽ ra sao?

Lạ kỳ ở chỗ, bao giờ NHNN cũng ra lệnh giảm lãi suất huy động trước, để một thời gian đủ dài cho các NHTM “múa gậy trong bị” kiếm lời rồi mới “đề nghị” và “kêu gọi” họ hạ lãi suất cho vay xuống.

Lạ kỳ còn ở chỗ, với chênh lệch lãi suất là 15% - 9% = 6% mà xem ra các ngân hàng còn chưa thỏa. Trong khi đó, sản xuất, kinh doanh toàn xã hội đang đình trệ, hàng hóa chất đống trong kho; hàng loạt doanh nghiệp “sống dở chết dở”, anh nào còn “túc tắc” được cũng phải thu hẹp quy mô, thải bớt công nhân..., bởi chi phí về vốn quá lớn, chịu không nổi, đang rất cần một chính sách tiền tệ phù hợp, tác động vào đúng khó khăn đó. Liệu NHNN có “động lòng trắc ẩn” hay vẫn tiếp tục vung tay “chém gió”?

NHNN hãy trung thực và dũng cảm lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để tập trung vào bổn phận chính của mình là ban hành một chính sách tiền tệ “đặc dụng” trong thời điểm nóng bỏng này. Đó là việc cần phải làm đầu tiên và làm ngay. NHNN hãy bằng chính tài năng quản trị của mình để với chênh lệch lãi suất khoảng 3% nhưng cả doanh nghiệp và hệ thống NHTM đều sống khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng xa dân, xa doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO