Ngân hàng Việt Nam trong mắt doanh nghiệp nước ngoài

AJAY BHAGAT - Giám đốc Công ty Công nghiệp Dutchply| 13/11/2012 05:20

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, cả ngân hàng và doanh nghiệp vẫn phải duy trì sản xuất, kinh doanh...

Ngân hàng Việt Nam trong mắt doanh nghiệp nước ngoài

Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, cả ngân hàng (NH) và doanh nghiệp (DN) vẫn phải duy trì sản xuất, kinh doanh. Từ hoạt động kinh doanh của một công ty xuất khẩu ván ép, hầu hết các giao dịch thanh toán thông qua NH, chúng tôi thấy rõ vai trò quan trọng của các NH cũng như rào cản để DN tiếp cận được các hoạt động của NH.

Đọc E-paper

Để đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung gian tài chính như NH, khách hàng phải nắm được tính phổ biến, tính kinh tế và các tiêu chuẩn đặt ra của NH. Tính phổ biến bao gồm cả sản phẩm dịch vụ đa dạng của NH và số lượng chi nhánh.

Tính kinh tế là nói đến số dư tài khoản tối thiểu và phí mà khách hàng cần phải trả để sử dụng dịch vụ tài chính, ví dụ, khoản vay dành cho DN nhỏ và vừa, hoặc các giao dịch thanh toán quốc tế.

Các tiêu chuẩn mà NH đưa ra như hồ sơ vay vốn hoặc những yêu cầu khác để cho phép hoặc không cho phép DN tiếp cận dịch vụ tài chính. Chẳng hạn, số ngày thẩm định hồ sơ và giải ngân có thể hạn chế khách hàng tiềm năng đang cần vốn gấp và biết rằng sẽ mất thời gian dài để có được quyết định vay vốn từ NH.

Gia nhập thị trường thương mại quốc tế đồng nghĩa với việc thể hiện vai trò vô cùng quan trọng của tín dụng NH. Khách hàng luôn cần được hàng hóa như đã thỏa thuận và người bán tin tưởng nhận được lợi nhuận.

Do vậy, tín dụng thư (L/C) là lựa chọn thích hợp và tín dụng thư 180 ngày là giải pháp phù hợp nhất cho cả người mua và người bán trong giai đoạn khủng hoảng này.

Đầu năm 2011, trong tất cả các NH tại Hà Nội, chỉ có Techcombank chấp nhận yêu cầu thanh toán bằng L/C 180 ngày. DN phải đợi 2-3 ngày cho quyết định về tỷ lệ chiết khấu. Chuyện DN phải đợi vài ngày để có câu trả lời về việc được vay hay không cũng diễn ra thường xuyên.

Trong khi đó, tỷ lệ chiết khấu của các NH Việt Nam là 6,37%/năm, cao hơn các nước đang phát triển khác. Ngoài ra, các doanh nhân nước ngoài cần sự tư vấn bằng tiếng Anh từ cán bộ tín dụng, nhưng thực tế lại không có được điều này.

Trong giai đoạn khó khăn, việc chấp nhận lãi suất 23%/năm cho khoản vay trung hạn trong năm 2011 và 15%/năm cho khoản vay ở thời điểm hiện tại, đồng nghĩa với việc DN chấp nhận mạo hiểm. Tuy nhiên, thật không dễ để có được khoản vay chỉ bằng một nửa giá trị của tài sản thế chấp sau các vòng loại về hồ sơ, định giá và giải ngân.

Thêm vào đó, DN còn phải hoàn thành rất nhiều thủ tục không cần thiết. Qui trình cho vay theo quy định chỉ từ 3-5 ngày kể từ khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ. Nhưng trên thực tế, khách hàng phải mất gần một tháng kể từ khi chuẩn bị hồ sơ.

Theo một báo cáo được tổng hợp từ 193 NH tại 58 quốc gia đại diện cho khối các nước đang và chậm phát triển, do NH Thế giới thực hiện năm 2006, đã chỉ ra quy trình cho DN vay vốn mất trung bình 10,45 ngày và phí cho vay chiếm 2,55% khoản vay tối thiểu. Những con số này thấp hơn ở Việt Nam rất nhiều.

Cũng trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã chỉ ra các rào cản NH có mối tương quan nghịch với sự phát triển kinh tế. Các loại phí để duy trì tài khoản, số lượng các giấy tờ cần để mở tài khoản, thời gian cấp vốn tỷ lệ nghịch rõ rệt với GDP trên đầu người.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy, số chi nhánh để nộp hồ sơ vay vốn và thực hiện giao dịch, mức rào cản để DN tìm đến NH thấp hơn, có tỷ lệ thuận rõ nét với GDP trên đầu người. Thêm vào đó, mức rào cản cao hơn thì vẫn giữ tỷ lệ nghịch với sự phát triển tài chính.

Khi nền kinh tế phát triển, các hoạt động thanh toán chủ yếu thông qua NH. Mối liên hệ giữa NH và DN càng chặt chẽ. Nhưng khi rào cản quá lớn, chi phí dịch vụ cao, phải chuẩn bị quá nhiều giấy tờ, mất nhiều thời gian, NH sẽ bỏ qua rất nhiều DN do DN không thể cung cấp thủ tục đó hoặc cần vay vốn gấp.

Trong bối cảnh kinh tế suy giảm, các nhà hoạch định chính sách nên sửa đổi, bổ sung các điều luật cần thiết để tạo ra những thay đổi tích cực từ phía các NH cũng như thúc đẩy các DN vừa và nhỏ hoạt động tốt hơn, năng động hơn.

Việc cắt giảm số lượng giấy tờ và thời gian chờ đợi, chính sách khuyến khích cho các DN xuất khẩu trên 2 triệu USD mỗi năm hay hỗ trợ phí giao dịch, nhận L/C, phí giấy tờ hoặc sự chia sẻ thông tin sẵn có tại NH như L/C, bảo hiểm NH, sự biến động tiền tệ... sẽ giúp cho cả NH và DN vượt qua khó khăn hiện nay.

Hải Vân ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngân hàng Việt Nam trong mắt doanh nghiệp nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO