Ngăn chặn lũng đoạn

ANH THƯ| 23/12/2009 08:22

Vài năm trở lại đây, thị trường đã làm quen với khái niệm “lũng đoạn”, hiểu theo nghĩa một nhóm kết hợp đặc quyền, đặc lợi, đã dùng nhiều cách thức để tác động tới thị trường theo hướng vì lợi ích riêng.

Ngăn chặn lũng đoạn

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức cuộc họp về việc phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh ngoại hối với đại diện Bộ Công Thương, Bộ Công an, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội và TP.HCM nhằm đẩy mạnh các giải pháp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh ngoại hối trong thời gian tới. Theo đánh giá của NHNN, diễn biến phức tạp, bất ổn của thị trường ngoại tệ và vàng trong thời gian qua có nguyên nhân một số tổ chức, cá nhân có hành vi thu gom ngoại tệ, mua, bán ngoại tệ trái phép, làm lũng đoạn thị trường.

Các cơ quan chức năng đã từng cảnh báo về hiện tượng “lũng đoạn” thị trường gạo, thép, vàng...

Vài năm trở lại đây, thị trường đã làm quen với khái niệm “lũng đoạn”, hiểu theo nghĩa một nhóm kết hợp đặc quyền, đặc lợi, đã dùng nhiều cách thức để tác động tới thị trường theo hướng vì lợi ích riêng. Các cơ quan chức năng cũng đã từng cảnh báo về hiện tượng “lũng đoạn” thị trường gạo, thép, vàng...

Trước đây, có nhiều ý kiến từ nhiều phía cho rằng, các quỹ đầu tư nước ngoài với tiềm lực vượt trội về vốn, kinh nghiệm, kiến thức đang lũng đoạn thị trường chứng khoán Việt Nam. Thế nhưng trong khi chưa đủ cơ sở khẳng định về hiện tượng này, cũng có thể đặt vấn đề ngược lại, rằng, chính các nhà đầu tư trong nước, với tỷ lệ nắm giữ sở hữu áp đảo trên thị trường, được dẫn dắt bởi tâm lý bầy đàn, mới chi phối và quy định diễn biến của thị trường.

Diễn biến trên thị trường vàng cũng vậy. Các nhà đầu tư ban đầu đều tỏ ra không thể hiểu nổi biến động của thị trường vàng trong nước. Sau đó, họ móc nối với nhân viên giao dịch trên sàn rồi không còn quan tâm đến những thông tin thị trường quốc tế nữa, mà chỉ cần biết nhân viên giao dịch trên sàn bảo bán ra hay mua vào. Bão giá vàng vừa qua đã cuốn phăng tài sản của không ít nhà đầu tư. Sự thua thiệt này một phần vì diễn biến thị trường khôn lường, phần khác vì bị không ít doanh nghiệp kinh doanh vàng “ép giá". Điều đó cho thấy xu hướng phân chia quyền lợi đã thu nhỏ hơn nhưng quy mô lớn hơn của những “nhóm đầu cơ" có thể thao túng cả thị trường.

Lạm phát của Việt Nam khiến các nhà đầu tư quốc tế cảm thấy hoang mang. Không ít thông tin đưa ra cho rằng các “tay trong” ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ Việt Nam. Các "tay trong", hay như ở Việt Nam gọi là “nội gián” (insider) mà người ta nói đến là những người kinh doanh ở Việt Nam làm chủ các công ty xuất nhập khẩu lớn, cũng nên hiểu là các công ty quốc doanh... Họ nhập khẩu nhiều loại hàng bằng đồng USD và dĩ nhiên đổi tiền đồng Việt Nam, qua NHNN thành USD thông qua các công ty xuất nhập khẩu của họ. Rồi họ dùng USD để nhập các loại hàng hóa. Cách đó, họ làm cho đồng tiền Việt Nam “teo lại” và đồng USD “nở ra”. Đó cũng là vấn đề mà NHNN quan tâm khi nói tới khả năng “lũng đoạn” thị trường ngoại tệ tại Việt Nam.

Gần đây, tại Việt Nam cũng đã dấy lên mối quan ngại về nguy cơ lũng đoạn nền kinh tế của các tập đoàn nhà nước. Không ít tập đoàn đã đầu tư dàn trải sang nhiều ngành khác, trong khi vẫn chưa đủ sức cạnh tranh trong lĩnh vực chính. Theo con số của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, trong số tập đoàn và tổng công ty đầu tư vào chứng khoán, ngân hàng, bất động sản, thì có 13 đơn vị đã đầu tư vào chứng khoán, 19 đơn vị góp vốn thành lập ngân hàng thương mại cổ phần và 13 đơn vị thành lập 15 công ty chứng khoán. Một số tập đoàn đã đi xa hơn mục đích ban đầu khi được thành lập, chạy đua đầu tư theo phong trào, thay vì góp phần bình ổn giá cả, tạo ra sức mạnh và sự cân đối ở cấp vĩ mô đối với một số ngành hàng chiến lược.

Điều đáng nói, các tập đoàn này được dành nhiều đặc quyền và có nguy cơ độc quyền cạnh tranh đè bẹp những đối thủ nhỏ. Có rất nhiều ví dụ đã chứng minh điều này. Chẳng hạn như cuộc tranh chấp giữa VNPT và Viettel đã phải đưa lên đến Thủ tướng Chính phủ giải quyết. Vì vậy, vấn đề là các tập đoàn kinh tế Việt Nam hiện nay đang hoạt động không có khung pháp lý nào để giám sát; và các tập đoàn này có tuân thủ luật mà Quốc hội đã ban hành, như Luật Cạnh tranh, Luật Tài nguyên khoáng sản, Luật Môi trường, hay không. Bởi vì họ trở nên quá lớn, rất có nguy cơ có thể ảnh hưởng đến các quyết định, chính sách, thậm chí gây ảnh hưởng để có thể nhận được rất nhiều đất đai, rất nhiều ưu đãi khác, đặc lợi cho một nhóm nhỏ, là hiện thực. Hiện nay ở Việt Nam chưa có luật về vận động hành lang. Vì vậy, các tập đoàn này có thể can thiệp vào chính sách là hoàn toàn có thể. Đó cũng là nguy cơ “lũng đoạn” khác cần cân nhắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngăn chặn lũng đoạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO