Nén hương Xuân

DIỆP CÚC| 22/02/2015 06:55

Từ chiều 30 Tết, khi những lo toan đã tạm được gác lại, nhà nào cũng lo bày biện bàn thờ và mâm cơm cúng tổ tiên.

Nén hương Xuân

Từ chiều 30 Tết, khi những lo toan đã tạm được gác lại, nhà nào cũng lo bày biện bàn thờ và mâm cơm cúng tổ tiên.

Từng di ảnh, từng chân nến, lư đồng, bình hoa... được tỉ mẩn lau chùi tinh tươm, sắp đặt ngay ngắn. Mâm ngũ quả đủ sắc màu, đề huề ý nghĩa. Hoa thơm rực rỡ nắn nót cắm vào bình.

Chuẩn bị đâu đó xong xuôi, người nhỏ mới yên tâm đi nấu mâm cơm sum họp gia đình, người lớn thong thả ngồi uống chén trà đợi đến giờ khắc chuyển giao của đất trời sẽ khăn áo chỉnh tề thắp nén hương thơm đón ông bà về cùng ăn Tết.

Khoảnh khắc mùi hương ấm nhẹ lan trong đêm trừ tịch làm dấy lên xúc cảm thiêng liêng nhất của người con nước Việt trong năm mới.

Mùi của Tết

Không ai biết được chính xác việc đốt nhang (thắp hương) có từ khi nào, nhưng từ thời vua Trần Nhân Tông (vị vua xuất gia đi tu), Ngài đã dùng đến nhang mỗi khi lên chùa lễ Phật.

Trong tâm thức người Việt, đốt nhang là nghi thức tâm linh sâu đậm nhất. Họ tin rằng khi sợi khói và mùi hương từ nén nhang tỏa lan, sẽ có sự kết nối vô hình giữa mình và thế giới vô định, sẽ tìm được nơi nương náu khi tâm hồn mệt nhoài.

Bởi thế, mỗi khi đi xa về, người ta nhất định sẽ đốt một nén nhang, cho mùi hương ấm áp lan ra, như nhấn chuông báo rằng mình đã về nhà, rồi mới tính tiếp làm gì sau đó. Đốt nhang đã hiển nhiên trở thành nét văn hóa dân gian của người Việt, không phân biệt sang hèn, vùng miền hay tôn giáo.

Ngày Tết, trong những món sắm sửa thì người khó khăn cũng ráng mua ít nén quế hương, còn người khá giả phải có trầm hương mới thấy trong nhà có đủ mùi Tết. Theo nhu cầu đó, làng làm nhang vào những ngày trước Tết cũng tấp nập, rộn rã.

Người xay lá, người nhào bột, người se nhang, người hong nắng... Những đôi tay thoăn thoắt, miệng nhoẻn cười, ánh mắt nghiêm cẩn theo từng nén nhang thành phẩm đang chờ đến phút tỏa hương trên bàn thờ thành kính.

Ông bà ta ngày xưa làm nhang chỉ đơn giản là lá, vỏ cây thơm phơi khô, xay nhuyễn rồi trộn với bột keo cũng từ cây mà ra, sau đó se bột quanh tăm tre mà thành cây nhang. Mùi thơm cũng tùy thảm thực vật địa phương mà được chọn, nào hương bài, vỏ quế, đinh lăng, ngải diệp...

Chất keo kết dính cũng vậy, nơi thì chọn vỏ bời lời, ô dước, có nơi lấy lá cây gòn tán ra, hoặc như người dân tộc Giáy vùng Lào Cai còn dùng loại cây rừng gì đó mà chỉ họ mới biết. Những cây nhang thơm nhẹ mùi thiên nhiên, đốt lên thoảng hương theo sợi khói, nghe thanh tịnh tận cõi lòng.

Nét văn hóa dân gian trân quý mà giản dị như vậy lẽ ra phải được gìn giữ và coi trọng, thì buồn thay, vì nhu cầu tiêu dùng kỳ lạ mà những làng làm nhang truyền thống ngày nay lại dần chuyển sang làm nhang bằng mạt cưa hoặc rơm khô, xơ dừa... tẩm mùi hương hóa chất, kết dính cũng bằng keo hóa chất, lại thêm cả hóa chất tạo quăn tàn để... cầu may, đốt lên mùi sực nức, khó chịu. Một công nghệ như đầu độc cả người làm ra nhang và người sử dụng.

May thay, vẫn còn đâu đó những con người muốn giữ lại hương thơm truyền thống...

Nhang sạch - Lòng thành

Ở phía Bắc mấy năm nay nổi lên thương hiệu nhang Phụng Nghi. Đó là tâm huyết của một chàng trai còn rất trẻ, vì mê mùi hương thiên nhiên và quyết giữ lại nghề truyền thống của các tiền bối làng nhang mà đã bỏ công việc văn phòng, miệt mài học hỏi và lao động để làm ra bằng được sản phẩm.

Nhang Phụng Nghi đi theo hướng văn hóa dân tộc, bao bì được đầu tư thể hiện các hình ảnh về điển tích dân gian nước Việt, xưng tụng người làm nhang lên hàng nghệ nhân, có nhiều dòng, nhiều loại nhưng chú trọng tới khách hàng biết thưởng lãm văn hóa.

Ở miền Trung có vùng quế Trà My và quế Tiên Phước nổi tiếng, có thể làm ra loại nhang quế mùi nồng đậm đặc trưng, thế nên Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã hỗ trợ cho một chị có nghề nhang gia đình làm nên thương hiệu nhang quế Anh Vũ, với thành phần hoàn toàn từ lá và vỏ quế.

Ở miền Nam cũng có thương hiệu nhang quế Thiên Hương quyết nói không với hóa chất của anh Trường Quang. Gần đây thị trường còn có thêm nhang thảo mộc Núi Bà Đen, như là tín hiệu đáng mừng báo hiệu sự quay lại giá trị đích thực của nghề nhang sạch truyền thống.

Thương hiệu nhang thảo mộc này tuy còn khá mới nhưng sự giản dị, mộc mạc của sản phẩm từ bao bì tới nguyên liệu cây cỏ quen thuộc trong vườn nhà như ngũ trảo, hương nhu, ngải cứu... đã nhận được cảm tình đặc biệt của người dùng ngay từ lần đầu sử dụng.

Chị Thiên Bảo, chủ nhân và cũng là người nghiên cứu ra các công thức tạo mùi của nhang thảo mộc Núi Bà Đen, chia sẻ: “Nhang thảo mộc Núi Bà Đen tiếp nối truyền thống làm nhang giản dị của ông bà ngày xưa, cộng thêm giá trị dược liệu và mùi thơm thuần khiết của cỏ cây, như nén hương của lòng thành mà con cháu kính dâng ông bà, tổ tiên”.

Chị cho biết thêm, nhân dịp Xuân Ất Mùi sắp đến, nhang thảo mộc Núi Bà Đen còn cộng thêm giá trị cho sản phẩm bằng chiếc áo mới với nghệ thuật giấy Trúc Chỉ tinh tế và độc đáo. Đây là món quà với hương thơm chân thật từ cỏ cây xứ sở và nghệ thuật giấy thủ công đặc sắc. Sản phẩm xứng đáng dùng làm món quà quý thể hiện giá trị văn hóa truyền thống sâu đậm từ quê hương Việt Nam.

Với những tín hiệu vui này, hy vọng nén hương Xuân sẽ mãi là nét tâm linh thiêng liêng trong tận đáy lòng mỗi người con xứ Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nén hương Xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO