Muôn mặt nghề ôsin

THU NGÂN - Ảnh: SƠN VŨ - ĐỨC HƯNG/DNSGCT| 19/11/2012 00:46

Khái niệm “ôsin” xuất phát từ bộ phim truyền hình cùng tên nổi tiếng của Nhật Bản chiếu ở Việt Nam vào năm 1994, từ đó du nhập vào đời sống ngôn ngữ Việt và trở nên quen thuộc để chỉ người làm nghề giúp việc nhà, ngắn gọn và dễ gọi chứ không phải “kỳ thị” như một số người nghĩ.

Muôn mặt nghề ôsin

Khái niệm “ôsin” xuất phát từ bộ phim truyền hình cùng tên nổi tiếng của Nhật Bản chiếu ở Việt Nam vào năm 1994, từ đó du nhập vào đời sống ngôn ngữ Việt và trở nên quen thuộc để chỉ người làm nghề giúp việc nhà, ngắn gọn và dễ gọi chứ không phải “kỳ thị” như một số người nghĩ. Đã có từ lâu đời, cùng với sự phát triển của xã hội, ngày nay nghề này đang có nhu cầu khá cao ở các đô thị. Tuy nhiên, do đa số người nhận làm ôsin ở tỉnh lên thành phố nên có những cách biệt về văn hóa, ứng xử, thói quen…, từ đó xảy ra những chuyện dở khóc dở cười, thật mà như đùa giữa ôsin và gia chủ.

Đọc E-paper

Trong phạm vi bài viết này, người viết chỉ góp nhặt, ghi nhận lại những câu chuyện do những người trong cuộc kể lại với hy vọng, theo sự phân công lao động của xã hội, dù có chọn nghề nào để kiếm sống thì ai cũng phải đổ mồ hôi, chấp nhận nhọc nhằn, nhưng đồng tiền kiếm được mới đáng quý và đáng trân trọng. Tuy nhiên, đã là “nghề” thì người lao động cần phải chuyên nghiệp, có kỹ năng, được pháp luật bảo vệ như những ngành nghề được xã hội thừa nhận.

Nỗi niềm gia chủ

Làm ôsin không phân biệt tuổi tác, từ những em gái 14-15 tuổi nghỉ học giữa chừng đến phụ nữ 30-40, thậm chí cỡ U60. Với mức thu nhập khoảng trên dưới ba triệu đồng một tháng, ôsin lo dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt giũ, giữ trẻ…, được chủ nuôi ăn ở, xem ra nhẹ nhàng hơn công việc đồng áng nặng nhọc ở quê.

Vì vậy nhiều phụ nữ nông thôn đã chọn nghề này khi lên thành phố. Giúp việc nhà là một việc khá nhạy cảm, vì dù muốn hay không người lao động cũng trở thành một thành viên của gia đình. Để mối quan hệ ấy được lâu dài, hai bên phải có sự tin cậy lẫn nhau.

Tất nhiên, ôsin phải có những phẩm chất như tư cách tốt, tôn trọng việc riêng của gia chủ, thật thà, không tham lam, siêng năng, tự giác làm việc… Về kỹ năng làm việc, ôsin phải biết sử dụng thành thạo, bảo quản an toàn những thiết bị hiện đại, từ bếp gas, bàn ủi, máy giặt, máy rửa chén, máy hút bụi… cùng nhiều thiết bị tiện nghi phục vụ sinh hoạt khác của người thành phố.

Đối với gia chủ, để tuyển được ôsin ở lại nhà, đa số đều nhờ sự giới thiệu của người quen. Cũng có thể nhờ các trung tâm môi giới lao động, nhưng nguồn cung này mang tính “hên xui”, có khi gia chủ phải chi không ít tiền nhưng vẫn không tìm được người vừa ý.

Chủ kén ôsin đã đành, nhưng thời buổi này ôsin cũng kén chủ. Chị Tâm ở quận 1 mang bụng bầu vượt mặt đến một trung tâm tìm người giúp việc. Sau khi nêu rõ điều kiện với nhà cung ứng lao động, sau một tuần chị được mời đến nhận người.

Trước khi nhận việc, người lao động được Công ty TKT huấn luyện các kỹ năng làm việc, từ ủi đồ, lau cửa kính, lau nhà…

Chị đi taxi đến đón ôsin, nhưng khi về đến nhà, vừa vào ngôi nhà ba tầng lầu, ôsin lập tức từ chối, nói rằng không quen… leo lầu cao! Trung tâm hứa tìm người khác, chị lại chờ đợi và lại tiếp tục bị ôsin từ chối.

Lý do là không nhận chăm sóc… bà đẻ! Đến lần thứ ba, vì ngày “nằm ổ” đã cận kề, chị đành “nhận đại” một người giúp việc, nhưng chỉ được vài tháng thì phải cho nghỉ vì người ấy không tự giác làm việc, thứ gì cũng phải nhắc nhở, lại hay “than nghèo kể khổ” để mượn tiền.

Anh Quang – nhân viên một trung tâm môi giới người giúp việc nhìn nhận: “Nhu cầu ôsin hiện nay rất cao, có gia chủ sẵn sàng chi nhiều tiền để có được ôsin chuyên nghiệp nhưng cũng không dễ kiếm được người thỏa mãn mọi tiêu chuẩn. Điều chủ nhà phiền nhất chính là việc ôsin “nhiều chuyện”, đem chuyện nhà kể với hàng xóm láng giềng, khiến nhiều việc “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường”.

Chủ đề ôsin trên các diễn đàn trên mạng luôn là một đề tài thu hút rất nhiều người quan tâm, tham gia bình luận, chia sẻ, cả ngàn lẻ một nỗi niềm của cả gia chủ lẫn ôsin. Có chủ nhà than thở ôsin xài sang hơn mình, sau đó mới hay ôsin có lắm chiêu, thỉnh thoảng lại phù phép cho đồ đạc trong nhà không cánh mà bay.

Chị Hồng ở quận 3 đã không dưới chục lần tuyển ôsin, những ôsin trẻ thì chị đành tặc lưỡi trả tiền công và mời “một đi không trở lại” để đỡ bực mình. Chị chỉ tiếc bà ôsin phải tốn công sức hướng dẫn mới được việc thì đã xin nghỉ.

Với người giúp việc chuyên nghiệp, những chi tiết nhỏ như đọc hướng dẫn sử dụng các vật dụng cũng phải chú ý để tránh sai sót

Chị than thở: “Thời này ôsin có giá lắm, tôi chiều ôsin còn hơn chiều chồng mà cũng không giữ được. Lúc đầu bà giúp việc của tôi không quen việc, làm chậm chạp, nhưng được cái hiền lành, kỹ tính, chăm cu Bin sạch sẽ nên tôi cũng yên tâm. Bà ấy đã ở với chúng tôi hai năm, năm nào tôi cũng tăng lương, tết về quê cũng không quên tặng quà, vậy mà vừa rồi về quê xong đột ngột gọi điện lên xin nghỉ việc. Tôi phải năn nỉ bà làm thêm ít tháng để tìm người khác, nhưng bà nói con bà không cho đi làm nữa. Thiếu người giúp việc làm mọi thứ trong nhà bị đảo lộn, nhất là việc phải đưa đón con đi học đúng giờ”.

Anh Minh – người làm công việc tuyển dụng ôsin phân tích vì sao nghề giúp việc nhà chưa chuyên nghiệp: “Trong việc tuyển dụng ôsin, khó nhất là làm thế nào để thay đổi được tư tưởng, quan niệm của người lao động. Từ trước đến nay, trong suy nghĩ của nhiều người, giúp việc nhà không phải là một nghề chính thức, không được tôn trọng và không đáng hãnh diện. Vì vậy, bản thân người giúp việc và cả người thân của họ đều cảm thấy xấu hổ. Chính tâm lý ấy khiến họ mặc cảm, tự ti, không yêu thích và tận tâm với công việc, kết quả là không đáp ứng được yêu cầu của gia chủ. Về phía gia chủ cũng có người chưa tôn trọng người giúp việc, có trường hợp còn xúc phạm, bạo hành người giúp việc. Nếu chưa giải quyết được khúc mắc trên, cái vòng lẩn quẩn của việc ôsin đổi chủ, chủ đổi ôsin cứ lặp đi lặp lại”.

Với gia chủ khó tính, việc lau cầu thang, bàn ghế cũng phải làm thật sạch sẽ

Cùng tâm sự của ôsin

Nỗi niềm gia chủ là thế, nhưng có làm ôsin mới biết nghề này cũng lắm nỗi khổ mà chẳng biết tỏ cùng ai. Anh Quang cho biết, khi giới thiệu ôsin, công ty anh cũng phải xem xét kỹ mong muốn của cả hai bên để cố gắng lựa chọn người giúp việc tương đối phù hợp với tính cách của gia chủ, vậy mà không ít lần đã gặp những trường hợp oái oăm.

Chẳng hạn, khi vợ đưa ôsin về nhà, ông chồng không chịu vì ôsin… xấu, gọi đến trung tâm yêu cầu đổi người! Có trường hợp trung tâm giới thiệu được người có ngoại hình sáng sủa, nhưng nữ gia chủ lại không chịu, chưa thử tay nghề ôsin đã giãy nảy: “Ôsin gì mà như người mẫu vậy, tui cần người biết làm việc chứ không phải cần người tới để… cưa cẩm chồng”. Trước những đòi hỏi tế nhị như vậy, trung tâm cung ứng dịch vụ không nói lại với người lao động và đành khéo léo từ chối khách hàng.

Có những gia chủ khó tính, khắt khe, đổi ba, bốn người giúp việc mà vẫn không hài lòng. Mỹ Anh là cô ôsin đến giúp việc theo giờ cho ông bà gia chủ đã ngoài bảy mươi tuổi, con cái đều ở riêng.

Mỗi lần cô đến làm việc là cả ông bà thay nhau kể chuyện, từ chuyện xa xưa đến chuyện thời sự. Mới đầu cô còn vâng dạ, nhưng do phải tập trung làm, có khi cô không lắng nghe hết và đáp chuyện. Thế là cô bị ông chủ mắng “Ôsin gì mà vô phép thế!”.

Trường hợp chị Loan cũng không giống ai. Ngày đầu tiên đến nhận việc, thấy chị đi chiếc xe máy mới, gia chủ hỏi xe của ai, chị nói của chị mới mua. Chủ không nói gì, nhưng hôm sau gọi điện bảo chị không cần đến giúp nữa.

Chị ngạc nhiên, không biết mình làm điều gì sai để chủ nhà không hài lòng. Hỏi ra mới biết gia chủ cho rằng chị đi xe mới toanh, giàu thế sao phải đi làm ôsin? Họ có biết đâu đó là tiền bao năm chị chắt bóp, vay mượn thêm mới mua nổi chiếc xe để đi làm đúng giờ, làm xong chỗ này còn chạy sô chỗ khác.

Chị Như cũng giúp việc theo giờ, khi làm cho một gia đình ở quận 2, chỉ sau ít ngày chị phải nghỉ vì chủ nhà đa nghi, có thái độ không tin tưởng, không tôn trọng người làm thuê. Chị dọn dẹp đến đâu là bà chủ nhà cứ đi theo dòm ngó đến đó, nhiều lần lại còn nói bóng nói gió đến việc mất mát đồ đạc.

Đeo bên chị, bà chủ còn dò hỏi chuyện đời tư, vì sao chị lại ly dị chồng, có phải ly dị hay chồng bỏ… “Chủ nhà cũng có người này người khác. Người khó tính thì nhiều lắm, nhưng mình phải biết ý, làm họ vừa lòng thì họ cũng đối xử tốt với mình. Có khi mua đồ đạc mới, chủ nhà cho đồ cũ vẫn còn tốt cho mình xài nữa, từ quần áo cho đến tivi, tủ lạnh… Chỉ khi gặp chủ nhà xúc phạm mình thì tôi mới nghỉ việc” – chị Như nói.

Giúp việc theo giờ đang là xu hướng được người thành phố lựa chọn. Người giúp việc cũng có lợi hơn vì có thể nhận làm nhiều ca trong ngày

Chuyện ôsin từ quê lên phố

Anh Sơn làm nghề xây dựng, mỗi chiều hay lai rai làm vài chai bia. Anh sửa lời nhạc Trịnh để lý giải cho sự la cà của mình “Thôi về chi, về nhà đâu có gì…”. Vậy mà trong một lần nâng ly “Dzô” cùng các chiến hữu, anh xin phép về sớm.

Ai cũng ngạc nhiên vì trước nay trong hội “uống có ý thức”, anh có khi nào bỏ cuộc vui giữa chừng đâu. Anh gãi đầu gãi tai rồi phân trần, nhà mới có bà giúp việc, khổ nỗi lại là “điệp viên” do bà già ở quê đưa lên.

Hôm ấy anh không cắt cơm nhà, vợ lại đi công tác, về trễ mà nhậu thì không yên cái lỗ tai do bị… “khủng bố tầm xa”. Lạ thật, ai đời chủ nhà lại sợ ôsin, nhưng rồi các “chiến hữu” cũng phải thông cảm: Vợ không dám bỏ ta, chứ ôsin thì có gì mà không dám!

Sau đó nỗi niềm riêng được anh giãi bày. Số là trước đây trong lần ngà ngà say , anh bị “đo ván” trên đường về nhà, tuy không nguy hiểm nhưng cũng phải bó bột chân gần hai tháng. Má anh ở quê khăn gói lên chăm sóc con cháu.

Sau đợt làm ôsin bất đắc dĩ đó, bà về quê và tìm cho nhà anh một người giúp việc. Bà ôsin nấu ăn ngon, lại sạch sẽ, vợ chồng anh không chỉ trút được gánh nặng mà còn mừng vì má đã “thay đổi tư duy”.

Giữ trẻ cũng là việc làm phổ biến của người giúp việc gia đình

Trước đây bà không ủng hộ việc thuê ôsin ở trong nhà, cho rằng không khéo lại “nuôi ong tay áo”. Nhưng rồi không lâu sau anh phát hiện ra, ngoài việc cơm nước thì nhiệm vụ quan trọng của bà ôsin mà má anh yêu cầu chính là… giám sát anh!

Cứ thấy anh nhậu là có tín hiệu báo ngay cho má anh biết, sau đó chính ôsin lại “ca” bài khuyên can bớt nhậu, nghe muốn thủng lỗ tai. Đau hơn là vợ anh biết được nhà có điệp viên lại rất hể hả.

Ở tình cảnh thân cô thế cô, một mình phải chống “bộ kiềng ba chân”, mà uống ít hay nhiều, không cần biết lý do, anh luôn bị “bộ ba” ấy quy cho tội “nhậu”. Nhiều lúc bực quá, anh chỉ muốn cho ôsin nghỉ việc, nhưng lập tức vợ anh phản đối “Cho nghỉ thì anh đi tìm người khác thay đi!”.

Câu “nhập gia tùy tục” không phải lúc nào cũng được ôsin thực hiện, bởi “giang san dễ đổi, bản tính khó dời”. Gia đình chị Phương người gốc Bắc, bà ôsin lại là người Nam nên dăm ba bữa lại có chuyện về việc nấu ăn.

Chị Phương phàn nàn: “Bà Năm đâu già đến độ lẩm cẩm mà mỗi ngày nấu ăn đều phải dặn. Bữa nào quên dặn là món nào bà cũng cho đường vào, ăn không được”.

Bà Năm tròm trèm sáu mươi, dù vâng dạ nhưng bụng vẫn không phục, cái lý của bà là phải tùy món, canh chua, cá kho không nêm đường thì làm sao mà ngon được, ít nhiều phải có một chút chứ!

Tìm việc qua công ty cung ứng dịch vụ lao động

Chị Liên là kế toán của một công ty nước ngoài, nhà ở quận 7. Qua người quen ở quê, chị nhờ tìm một ôsin để trông con và giúp việc nhà. Cô gái tên Thúy, 17 tuổi, nghỉ học từ năm lớp 8, được giới thiệu là rất nhanh nhẹn, giúp việc khỏi chê.

Thúy thích đọc báo, nhất là báo Công an, báo ra là cô đều mua đọc, tối kể lại cho cả nhà nghe đủ chuyện vụ án tình, tiền. Có hôm bận việc, chị Liên bảo Thúy ngừng kể thì cô nói: “Chị đã không đọc báo, em mất công kể cho chị nghe mà còn không chịu. Chị lạc hậu vậy, ra đường dễ bị lừa gạt lắm đó!”.

Nhưng nếu chỉ “bình luận” như vậy thì cũng chưa có gì phải nói. Mẹ chồng của chị Liên là người gốc miền Trung, thích món mì Quảng, mỗi lần bà vào chơi là chị em nhà chồng chị lại nấu món ấy để đãi bà.

Một lần, Thúy bỗng lên tiếng: “Thôi đừng nấu món đó, ăn lựt sựt có gì ngon đâu. Nhà mình nấu hủ tiếu đi, em làm đầu bếp cho. Em nấu là số 1!”. Trong khi chị Liên chưa kịp đỡ lời, nhìn vẻ “ngỡ ngàng” của mọi người, Thúy tiếp tục: “Không phải mình em không thích, chị Liên cũng có thích đâu. Em nói giùm chị luôn mà!”.

Cầm cự được bốn tháng, chị Liên phải cho cô gái trẻ nghỉ việc. “Con bé chỉ được cái miệng là nhanh nhẩu, còn làm thì mọi việc phải chỉ đến nơi đến chốn, vậy mà nhiều khi chỉ một đằng, nó lại làm một nẻo, đã thế còn hay quên. Vào nhà tắm mở nước xong lên nhà trên bật tivi, mở quạt… nằm ngủ! Xuống nhà bếp bật gas nấu ấm nước, sôi sùng sục vẫn không hay vì còn mải đọc báo! Mấy tháng có ôsin, tiền điện, tiền nước tăng vọt. Muốn có ôsin để đỡ một tay mà như vậy thì còn mệt hơn” – chị cười khổ khi kể về ôsin nhà mình.

Nhưng không phải mối quan hệ gia chủ và ôsin nào cũng chỉ có màu xám. Trước khi là ôsin cho nhà vợ chồng anh Đức, chị Huyền ở Gò Vấp, Linh là cô thợ may ở Chợ Gạo (Tiền Giang). Tiệm may gặp thời khó khăn nên ếẩm, Linh lên thành phố tìm việc, thuê nhà trọ gần nhà chị Huyền.

Nhằm lúc ôsin cũ nghỉ việc, Linh lại chưa xin việc được nên sang hỏi chị xin làm. Lúc đầu chị Huyền hơi e dè vì Linh chưa từng làm ôsin, chưa có kinh nghiệm, lại có ý định làm tạm thời chứ không lâu dài.

Nhưng rồi bí quá, chị đành gật đầu. Làm rồi chị mới biết Linh không chỉ nhanh nhẹn, giỏi giang việc nhà, nội trợ, mà còn có khiếu thẩm mỹ thời trang. Nhiều lần Linh tư vấn giúp chị chọn những bộ cánh đẹp khiến đồng nghiệp, bạn bè đều khen.

Hai chị em vì vậy thân nhau hơn, Linh từ chỗ làm tạm thời đã gắn bó với nhà chị hơn bốn năm. Khi cô em bước sang tuổi 28, chị Huyền nhắm nhiều chỗ quen biết để mai mối cho Linh.

Trong số đó, anh chàng Dũng, thợ sửa xe quen thuộc của gia đình là người mà chị thấy “xứng đôi vừa lứa” với Linh nhất. Giờ thì gia đình nhỏ của Dũng – Linh đã có một chú nhóc kháu khỉnh. Linh vẫn tới lui thăm gia đình chị Huyền và xem chị như ân nhân.

Chuyên nghiệp hóa ôsin: Việc làm cần thiết

Trước đây, phần lớn các trung tâm đào tạo người giúp việc chỉ giới thiệu công việc, thỏa thuận mức lương giữa các bên, nhưng sau đó không theo sát quản lý họ. Nói về sự chuyên nghiệp nửa vời này, phía trung tâm cho rằng “tiền nào của đó”, tức là với vài trăm ngàn đồng môi giới, họ không thể huấn luyện người lao động thành ôsin cao cấp, sau đó còn phải theo dõi hoạt động của ôsin…

Tình trạng “khát” ôsin dẫn đến việc không ít ôsin “làm giá” với gia chủ. Họ đưa ra nhiều lý do để nghỉ việc như công việc nhàm chán, chủ nhà khó tính, tìm được công việc tốt hơn, nhớ gia đình… để gia chủ phải tăng lương.

Trong tình hình đó, hình thức giúp việc nhà theo giờ do các công ty cung cấp đang được nhiều gia đình lựa chọn. Công việc này có xu hướng phát triển vì hai bên cùng có lợi.

Hình ảnh ôsin qua đó dần chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp với nhịp sống của người đô thị hơn. Nắm bắt nhu cầu của xã hội, tại TP.HCM đã có một số các tổ chức môi giới, đào tạo, cung cấp ôsin theo giờ được tổ chức khá bài bản.

Theo đó, người lao động đến đăng ký với công ty, được công ty huấn luyện và sau đó lựa chọn để làm việc phù hợp với nhiều hoàn cảnh gia đình khác nhau. Hiện ở TP.HCM có khoảng 30 công ty lớn, nhỏ tại các quận Bình Thạnh, Tân Bình, Phú Nhuận, quận 3, 7, 10… có dịch vụ cung cấp giúp việc theo giờ cho gia đình và làm tạp vụ cho các tòa nhà văn phòng.

Chi phí dao động từ 25 ngàn đến 40 ngàn đồng cho mỗi giờ làm việc. Một người giúp việc theo giờ có thể làm từ ba đến bốn ca mỗi ngày (mỗi ca từ hai đến ba giờ), thu nhập có thể dao động từ 3 triệu đến 5-7 triệu đồng một tháng.

Hiện nay, ôsin giúp việc theo giờ chuộng làm việc tại các khu chung cư cao cấp, vì họ có thể làm việc liên tục cho nhiều nhà, đỡ mất công di chuyển. Ngược lại, gia chủ các biệt thự lại kêu khổ vì khó tìm được ôsin. Bởi làm việc ở biệt thự, ôsin phải kiêm nhiệm như một quản gia, vừa việc nhà thêm cả chăm sóc vườn tược, thú cưng… vất vả hơn mà thu nhập không nhiều hơn.

Người giúp việc làm đầu bếp, đảm nhiệm việc nấu ăn cho gia chủ

Anh Vũ Trường Sơn – Giám đốc Công ty Tiết kiệm thời gian (TKT), nơi chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc theo giờ đưa ra những ưu điểm của loại hình này. Thứ nhất, người lao động được tham gia vào môi trường công ty, doanh nghiệp, mặc áo đồng phục khi đi làm giúp họ nâng cao hình ảnh nghề nghiệp.

Đa số người giúp việc theo giờ là người thành phố, dễ xác định nhân thân, nơi ở thực tế. Họ được trang bị những kỹ năng làm việc và ứng xử những tình huống phổ biến trong gia đình chủ, không hỏi, tiết lộ việc riêng. Họ cũng không có thời gian rảnh để “tám” do chủ nhà thường yêu cầu họ làm việc với cường độ và năng suất cao.

Thứ hai, họ thường đi làm cho nhiều nhà nên có tính chuyên nghiệp cao, có nhiều kinh nghiệm, biết thu xếp công việc nhanh nhẹn, hợp lý, đáp ứng yêu cầu của gia chủ. Chủ nhà không phải bao cơm, ăn mặc, chi phí về quê, nghỉ bệnh… cùng nhiều thứ phát sinh khác. Nếu người giúp việc có nghỉ, gia đình cũng không phải lo lắng vì công ty có trách nhiệm tìm người thay thế.

Trong xã hội, lao động phổ thông chiếm số lượng khá đông và thường tụ tập về thành phố để phục vụ cho nhu cầu của người thành thị. Những người làm nghề giúp việc nhà cần được đào tạo để trở nên chuyên nghiệp hơn, trở thành một nghề chính thức của xã hội.

Nhưng hiện tại, công tác quản lý về lực lượng lao động phổ thông làm nghề giúp việc nói chung chưa được quan tâm đúng mức. Một số cơ quan có liên quan như Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ… đều chưa có số liệu thống kê chính xác số lượng lao động này.

Pháp luật cũng chưa có những quy định cụ thể về quyền lợi, trách nhiệm của người giúp việc. Vì vậy, giao dịch giữa ôsin và gia chủ thường là hợp đồng miệng, không ký kết hợp đồng lao động và ôsin cũng không được hưởng các quyền lợi chính đáng của người lao động như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội…

Trong những trường hợp có phát sinh bất đồng, mâu thuẫn với chủ nhà, ôsin là người chịu thiệt thòi. Được biết, Luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã có đề cập đến người giúp việc, đề nghị đưa vào các nghị định nghề giúp việc gia đình vào danh mục nghề nghiệp chính thức.

Hướng đến chuyên nghiệp hóa nghề ôsin là việc làm có ích cho xã hội, giúp cho việc áp dụng luật lao động dễ dàng hơn, giảm bớt nạn thất nghiệp của lao động phổ thông, nâng cao đời sống của người lao động, đảm bảo an ninh xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Muôn mặt nghề ôsin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO