Mục tiêu GDP khó đạt

HẢI VÂN thực hiện| 03/07/2013 06:25

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, cho rằng, không có khả năng nửa cuối năm 2013 đạt 6% để cả năm đạt 5,5% GDP như mục tiêu đề ra.

Mục tiêu GDP khó đạt

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển, cho rằng, không có khả năng nửa cuối năm 2013 đạt 6% để cả năm đạt 5,5% GDP như mục tiêu đề ra.

Đọc E-paper

* Trong Chỉ thị triển khai xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, Thủ tướng yêu cầu phấn đấu GDP năm 2014 tăng 6%, lạm phát dưới 7%. Ông nhận định thế nào về mục tiêu này?

- Không bất ngờ, thậm chí như thế là tất yếu, bởi nền kinh tế vẫn trong vùng trũng, tăng trưởng lúc lên, lúc xuống; lạm phát lúc cao, lúc thấp ngay cả từng quý, từng tháng... Tất cả các dư địa của chính sách đều đã tới ngưỡng, nên chỉ có thể xử lý bằng cách này rồi để thời gian dần giải tỏa. Chẳng hạn, nợ xấu phải xử lý từng bước chứ không thể làm một lần là xong.

GDP 6 tháng đầu năm 2013 đạt 4,9%. Mục tiêu Thủ tướng đặt ra để phấn đấu cho 2014 là hợp lý. Đưa ra mục tiêu như vậy, người đứng đầu Chính phủ đã nhận thức rất rõ hậu quả của tăng trưởng nóng, không quan tâm đến ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian vừa qua.

* Mục tiêu GDP phải đạt 6% nhưng cái cách để đạt được mục tiêu đó không mới?

- Đúng vậy. Nhưng đưa ra cái mới trong bối cảnh hiện nay cũng khó cho người điều hành, bởi những cái cũ đặt ra cho 2013 chưa làm được bao nhiêu trong nửa đầu năm. Thủ tướng vẫn nói phải quyết liệt chống lạm phát, kiên trì ổn định vĩ mô. Những cái đó đều đúng, nhưng cái gì phải chú trọng hơn.

Nhìn vào nền kinh tế, lạm phát năm nay không đáng ngại, tất nhiên, vẫn có khả năng quay trở lại nếu điều hành không cẩn thận. Vấn đề chính hiện nay là vốn. Nhiều dự án đầu tư công triển khai chưa đúng tiến độ, đúng kế hoạch, thành ra giải ngân chậm. Ngân hàng thừa vốn, nhưng nền kinh tế và doanh nghiệp không tiếp cận được...

Như vậy, phải tính đến: Thứ nhất, làm thế nào để đẩy được tín dụng ra; Thứ hai, hiệu quả sử dụng vốn, nếu tình trạng sử dụng vốn vấn trì trệ như lâu nay thì không ăn thua; Thứ ba, còn nhiều tác động khác, trong đó có tác động ngoài kinh tế, như tâm lý kích lạm phát, mất lòng tin nên người dân vẫn thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp dè dặt đầu tư...

Một vấn đề nữa là điều hành. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, điều hành rất dễ mắc sai lầm. Chẳng hạn, điều chỉnh giá điện, giá xăng dầu. Nếu cần thiết phải tăng giá, nhưng tăng bao nhiêu, vào thời điểm nào phải tính toán để nền kinh tế và người dân có thể chịu được.

Giữ mục tiêu vừa ổn định nền kinh tế, vừa tăng trưởng là khó ở chỗ đấy. Cho nên, điều hành không chỉ là kỹ thuật mà còn là nghệ thuật, mà cái nghệ thuật ấy của chúng ta lại chưa tốt lắm. Với một nền kinh tế thị trường phức tạp, với tình hình khốn khó như hiện nay lại càng không dễ điều hành.

Đó là chưa nói đến trong quá trình điều hành còn gặp những khó khăn, vướng mắc lớn ngoài kinh tế, như tư duy, quan điểm... Chúng ta cũng không loại trừ yếu tố đến từ quốc tế, do chính trị nảy sinh ảnh hưởng đến kinh tế, mà nguy cơ bùng nổ cuộc chiến ở Syria là một ví dụ.

Tôi cho rằng, cái quan trọng nhất của năm nay là đi đôi với kiềm chế lạm phát, phải đẩy được tăng trưởng lên, thì mục tiêu đấy chưa làm được, dù con số tăng trưởng dịch vụ, nông nghiệp... được công bố đều đã khá hơn.

* Ông cho là 6 tháng cuối năm khó đạt mục tiêu đề ra, lý do tại sao, thưa ông?

- Tăng GDP lên 6% không phải là không làm được. Tìm mọi cách để bơm tiền ra không cần qua tín dụng, cứ để đầu tư nhà nước tràn lan... nhưng như vậy, sẽ lại trả giá. Thứ nhất, hiệu quả thấp, không đáng và không bõ. Thứ hai, nền kinh tế lại không giữ được ổn định, mà còn thúc đẩy lạm phát. Việc thoát khỏi trạng thái bùng nhùng hiện nay quả là không dễ!

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mục tiêu GDP khó đạt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO