Mùa Thu ở lại

THU HƯỜNG| 19/09/2011 09:23

Chiều Thu, mưa rơi nhẹ. Từng giọt mưa nhanh dần, nhanh dần làm cho núi đồi mát dịu bởi cái nắng hạn đã lâu.

Mùa Thu ở lại

Chiều Thu, mưa rơi nhẹ. Từng giọt mưa nhanh dần, nhanh dần làm cho núi đồi mát dịu bởi cái nắng hạn đã lâu.

Tôi muốn nhoà người theo mưa, cho trôi đi nỗi niềm buồn tủi. Và tôi lao ra phố, đi lang thang như người mất hồn.

Bất chợt, tôi va phải xe của một ông lão cụt cả hai chân. Ông ngồi trên một tấm ván nhỏ có gắn bánh xe, hai tay chống hai khúc gỗ nhỏ để đẩy.

Khi ông vừa “băng” qua đường và đang cố nhấc người lên trên vỉa hè cao chừng vài centimet để tìm chỗ trú mưa thì ông va phải tôi. Tôi cuống quýt xin lỗi.

Tưởng sẽ phải hứng chịu những lời mắng té tát, nhưng không, ông nhìn tôi cười vui vẻ, bảo: “Đường đi khó!” rồi tiếp tục “lái” xe.

Giúp ông đẩy xe vào một mái hiên nhà vắng chủ, tôi và ông đã trở nên thân thiết hơn. Ông bắt đầu kể cho tôi nghe về mùa Thu kỷ niệm và đáng nhớ nhất trong đời...

Thời ấy, ông được cán bộ tuyên truyền, các anh chị giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Qua những lá truyền đơn gối đầu giường của chị gái và mẩu chuyện về những vị anh hùng của dân tộc qua lời kể của bố mẹ đã dần đưa ông đến với cách mạng, dù rằng lúc ấy nhận thức về hoạt động cách mạng còn rất hạn chế, chỉ cố gắng làm sao hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được tổ chức giao.

Mười ba tuổi ông đã cùng các chị em ở địa phương bí mật tham gia rải truyền đơn chống Pháp - Nhật và làm liên lạc cho cán bộ dân quân tự vệ làm nhiệm vụ bảo vệ, nuôi giấu các cán bộ cách mạng.

Khi lực lượng cách mạng chủ trương lật đổ cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức của chính phủ Trần Trọng Kim để đề cao vai trò của chính quyền thân Nhật tại Nhà hát Lớn vào ngày 17/8, nhằm biến nó thành một dịp để Việt Minh ra mắt đồng bào. Ông vinh dự được cùng các cán bộ đi vận động mọi người tham gia, đến từng nhà vận động, tất nhiên vẫn là bí mật.

Vì được tin tưởng nên ông hào hứng lắm. Ông để ý trong đám bạn bè, ai có vẻ có cảm tình, thích Việt Minh rồi thì ông đưa báo Cứu Quốc cho đọc, tất nhiên dặn họ giữ bí mật. Rồi thuyết phục, vận động họ ủng hộ Việt Minh hoặc tham gia các đoàn thể của Việt Minh.

Một ngày trời đầuThu, mát mẻ. Nắng dìu dịu cả ngày, đến chiều lại mưa lất phất. Khi ông đang ở ngoài chợ làm nhiệm vụ bí mật rải truyền đơn thì thấy dòng người chạy rầm rập ngoài đường. Chưa bao giờ người kéo ra phố lại đông đến thế. Họ vừa đi vừa vẫy cờ, vung tay hô khẩu hiệu vang trời.

Cứ sau một tiếng hô: “Ủng hộ Việt Minh!”. Mọi người lại reo: “Ủng hộ! Ủng hộ! Ủng hộ!”. Rồi hát. Diệt phát xít, Du kích ca, nhất là Tiến quân ca. Ông vội vớ lấy cây gậy hòa vào đoàn người. Hăng hái vô cùng, hô khẩu hiệu đến khản đặc cả cổ.

Từ sau hôm 17/8 thì có thể nói là Việt Minh ra công khai rồi, các hoạt động tuyên truyền của các ông không còn phải bí mật nữa. Mọi người hăm hở chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa tại Hà Nội ngày 19/8: may cờ, dán cờ giấy, đến từng gia đình vận động đi dự, lên kế hoạch đội nào đi chiếm cơ quan chính quyền nào trong tỉnh. Không khí sôi sục. Bây giờ thì không còn ai sợ nữa, mọi người đều tham gia rất nhiệt tình.

Tham gia vào phá kho thóc Nhật, thấy chúng có súng, thì cũng hơi ghê ghê. Nhưng nói chung, mọi người đều không sợ, vì lúc đó lực lượng quần chúng mạnh lắm, mà phát xít Nhật thì đã yếu thế, đầu hàng Đồng minh rồi.

“Khi ấy ông chỉ nghĩ, bọn chúng có bắn thì cũng chết vài người, nhưng ngần này người sẽ lao vào chúng, sống mái với chúng, chúng phải sợ. Khí thế cách mạng lên rất cao. Thế mà ông cũng “ẵm” trọn vài viên đạn của chúng”.

Ông nói mà giọng hào khí khác thường. Khuôn mặt in hằn những vết ngang dọc của hơn tám mươi năm qua như giãn ra. Dường như, năm tháng ngày càng khắc sâu vào lòng ông kỷ niệm đẹp đẽ và ý nghĩa ấy, dù quá khứ đã lùi xa.

Qua giọng kể của ông, tôi tin rằng, ông đã vô cùng hạnh phúc trên con đường hướng mãi về quá khứ. Ông đã giúp cho quá khứ không bị quên lãng, xói mòn.

Bởi vì thế mà ông vẫn sống với niềm cảm hứng, lạc quan trên sự đau thương mà chiến tranh gây cho ông. Ông bảo, đau thương mà huy hoàng thì việc gì phải buồn rầu hay than phiền chỉ vì mình tàn tật?.

Chợt nhìn lại, phiền não đã khiến tôi không biết mình có hai chân để bước cho vững trên đường, trong khi một cụ già gần đất xa trời phải gắn bó với cái xe lăn gần bẩy mươi năm mà vẫn vui vẻ và tự tin đi lại ngắm phố phường. Thật đáng tủi hổ cho tuổi trẻ của tôi!

Chiều nay, đã rất lâu mới có một cơn mưa Thu da diết đến như thế. Ngồi nghe mưa rơi và nghe một người mình vô tình gặp trên đường kể chuyện, tôi chợt thấy mình đã phí phạm thời giờ cho buồn bã một cách vô trách nhiệm với cuộc sống. Thấy sao thấm thía lời ông nói: “Cuộc đời không phải là một đường chạy mà nó là một lộ trình, hãy thưởng thức từng chặng đường mình đi qua”...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Mùa Thu ở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO