![]() |
Tháng 2/2007, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng đã có nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”. Chân dung và mục tiêu khai thác kinh tế biển vậy là rõ. Vấn đề là với những động thái của các nước trên biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc đã đi trước một bước trong xây dựng những khu kinh tế biển lớn ở Quảng Tây, đã ngày càng chứng tỏ vai trò cường quốc kinh tế biển đối với thế giới và với khối ASEAN, đẩy cuộc cạnh tranh kinh tế biển ngày càng khốc liệt.
Mới đây, diễn đàn “Thương hiệu biển Việt Nam” tổ chức tại Quảng Ngãi đã xem xét lại các vấn đề về phát triển kinh tế biển trong điều kiện hiện nay. TS. Vũ Sĩ Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý và Khai thác biển và hải đảo nhận định, phát triển đồng bộ nhanh chóng 5 lĩnh vực nói trên sẽ tạo ra những giá trị mới về thương hiệu biển Việt Nam.
![]() |
Các sản phẩm dầu khí, du lịch, hải sản đóng góp đến 48% GDP và tạo ra hàng triệu việc làm, nhưng sản phẩm, dịch vụ liên quan đến biển chưa thành thương hiệu lớn. Điểm đặc biệt là lần này, các nhà nghiên cứu kinh tế chính trị đều chứng minh lộ trình tiến ra biển đảo Việt Nam: hình thành ngay các khu kinh tế tự do ở một số vùng biển thích hợp để tạo sự đột phá về kinh tế. Giáo sư Bùi Tất Thắng, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ví dụ các quốc gia trong khu vực châu Á đều có mô hình này.
Hàn Quốc trao quyền cho khu kinh tế tự do Incheon quy chế tự trị đặc biệt. Indonesia đang xây dựng 7 khu kinh tế tự do ven biển. Một quốc gia có nền kinh tế tự do vào loại hàng đầu thế giới như Singapore cũng xây dựng mô hình khu kinh tế tự do Jurong.
Trong ba thập kỷ qua phát triển, kinh tế Trung Quốc chủ yếu là nhờ đóng góp của khu vực ven biển, mà một động lực chính là các khu kinh tế tự do thành công Thâm Quyến, Phòng Thành, Sán Dầu, Hải Nam.
Sự chi phối của các khu kinh tế này đối với khu vực biển Đông và ASEAN đã rõ. Còn Việt Nam đến nay đã cho xây dựng tổng cộng 15 khu kinh tế như Chu Lai, Dung Quất nhưng lại đặt vào các vùng xa xôi đô thị, nghèo, xa trung tâm kinh tế phát triển nên không phát huy được tác dụng. Thực tế cạnh tranh quốc tế đòi hỏi một quyết tâm xây dựng các đặc khu kinh tế tự do tạo đà cho Việt Nam tiến ra biển Đông.
Đặc điểm của khu kinh tế tự do ở Việt Nam, theo GS. Bùi Tất Thắng, sẽ nhằm tạo thuận lợi cho các tập đoàn kinh tế lớn thế giới hội tụ và hoạt động trong điều kiện toàn cầu hóa, tạo ra những đột phá lớn cả về quy mô kinh tế lẫn bố trí không gian lãnh thổ. Trong tư duy phát triển kinh tế biển đảo, có thể nghiên cứu lựa chọn một vài khu như Dung Quất, Vân Phong hay Phú Quốc xây dựng thành các khu kinh tế tự do ven biển, nhằm tạo ra sự đột phá đủ lớn.
Các khu kinh tế ven biển ở Việt Nam cũng cần nghiên cứu sâu hơn các thế mạnh đặc thù để hướng sự phát triển của mỗi khu vào một số lĩnh vực được chuyên môn hóa, tránh tình trạng các khu kinh tế này chẳng có điểm khác nhau đáng kể nào. Các khu kinh tế tự do thành công đều có chung những điểm sau: thể chế hiện đại, áp dụng luật pháp quốc tế, nguồn lực phát triển đa dạng và mức độ tập trung cao, thời gian xây dựng ngắn, trở thành nơi hội tụ của đông đảo các công ty hàng đầu thế giới.
Các nhà nghiên cứu đã kiến nghị cho phép chọn một trong những khu kinh tế ven biển nêu trên thí điểm áp dụng kinh nghiệm của các khu kinh tế tự do của các nước Đông Nam Á, xây dựng thành đặc khu kinh tế tự do của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2020. Cuối tháng 12/2009, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo tạm thời chưa thành lập Đặc khu kinh tế - hành chính Phú Quốc. Mặc dù nếu sớm trở thành đặc khu kinh tế, Phú Quốc sẽ nhanh chóng hút nguồn đầu tư theo các chế độ ưu đãi tối đa của nền kinh tế tự do.
Tuy nhiên, thành lập một đặc khu như vậy, để được chấp nhận, cần phải xây dựng thương hiệu cho kinh tế biển đảo, cần phải tuyên truyền để thấy rằng tiến ra biển với những mũi đột phá là con đường tất yếu, dù những khu vực đi đầu có thể phải trả giá để đổi lấy kinh nghiệm thực tế!