Liêm chính trong kinh doanh - tiền đề của một chính phủ liêm chính

HẢI VÂN thực hiện| 10/11/2016 06:14

Chính phủ đang đi đúng hướng khi lấy kiến tạo và liêm chính làm kim chỉ nam cho các nỗ lực cải cách nền kinh tế. Song những hành động của riêng Chính phủ là chưa đủ để tạo lập môi trường kinh doanh liêm chính.

Liêm chính trong kinh doanh - tiền đề của một chính phủ liêm chính

Chính phủ đang đi đúng hướng khi lấy kiến tạo và liêm chính làm kim chỉ nam cho các nỗ lực cải cách nền kinh tế. Song những hành động của riêng Chính phủ là chưa đủ để tạo lập môi trường kinh doanh liêm chính, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - LS. Trần Hữu Huỳnh nhận định.

Đọc E-paper

* Ông đánh giá thế nào về tình trạng sau nhiều cải cách, bất bình đẳng trong kinh doanh vẫn hiện hữu?

- Điều này cần nhìn từ 2 giác độ. Thứ nhất, một số bộ, ngành, địa phương phải thực hiện chức năng về quản lý doanh nghiệp (DN), quản lý phần vốn nhà nước tại các DN, nên dù muốn hay không vẫn phải làm cho DN sinh lợi. Do đó, có những quyết định được ban hành đôi khi là do "tự vệ", bởi được luật pháp giao quyền, đôi khi là do không ý thức được, đôi khi do bị chi phối bởi các lợi ích, để từ đó nghiêng về phía có lợi cho một nhóm DN, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Thứ hai, tâm lý ưu tiên DNNN hoặc tạo điều kiện cho DNNN là làm hại môi trường kinh doanh và gây bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Ví dụ, trong các lĩnh vực cho vay vốn, đấu thầu dự án vẫn dành ưu ái cho các mối quan hệ, trước là một nhóm DNNN hay một nhóm DN lớn, sau này có cả DN nhỏ. Ở đây có sự không tách bạch, không rõ ràng giữa chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý DN, đại diện chủ sở hữu phần vốn của DN.

* Theo ông, những sự lạm quyền đó tác động như thế nào đến môi trường kinh doanh?

- Pháp luật có những quy định cấm và không được phép làm. Ví dụ, trong lĩnh vực cạnh tranh, Điều 6 Luật Cạnh tranh quy định rõ việc các cơ quan quản lý không được can thiệp vào thị trường, hay ra các quyết định không đúng chức năng, nhiệm vụ, cũng như không gây ảnh hưởng đối với DN hay chủ đầu tư này để làm lợi cho một DN hay chủ đầu tư khác.

Lạm quyền thể hiện ở rất nhiều khía cạnh, có lạm quyền trong ban hành chính sách, thậm chí cả trong thực thi chính sách. Việc dùng các chiêu bài bảo vệ người tiêu dùng để dựng lên những rào cản để DN nhỏ và vừa không gia nhập được thị trường là một ví dụ.

Lạm quyền cũng diễn ra trong các quyết định cụ thể, chẳng hạn chỉ định mua bia của công ty này, mua xi măng của công ty kia hay vận động sử dụng một dịch vụ cụ thể đều tác động lên thị trường. Việc loại bỏ một số giấy phép con, tháo gỡ rào cản về vốn hay quy định các ngành nghề kinh doanh có điều kiện gần đây có thể giúp DN đã yên vị trên thị trường có được lợi thế nhất định, nhưng các DN mới thành lập vẫn gặp khó khăn.

* Thực trạng này đang cản trở thế nào đến việc hiện thực hóa mục tiêu chính phủ liêm chính?

- Sẽ rất khó liêm chính nếu cán bộ, công chức các cơ quan nhà nước vẫn có người tay này ký quyết định, tay kia kinh doanh. Chính phủ đang thực hiện kiến tạo và liêm chính. Ở đây, kiến tạo là Nhà nước không làm những việc DN, người dân làm và chỉ khi đó mới làm cho nó không bị dính vào những cái không liêm chính.

Kết quả một khảo sát chỉ rõ có 68% DN tư nhân thừa nhận phải chi trả hoa hồng để có hợp đồng với DNNN. Trong số 68% DN đó, có tới 70% DN thừa nhận hành động hối lộ là do tự nguyện, chủ động, 60% số DN được hỏi cho rằng, chi phí không chính thức khá tốn kém và 57% số DN cho rằng chi phí không chính thức tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng giữa các DN.

(Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam)

Phải xác định như vậy để giải phóng cho cán bộ, công chức cơ quan nhà nước ra khỏi những nghĩa vụ, những công việc dễ đặt ra những câu hỏi về tính liêm chính. Các chính sách kiến tạo của Nhà nước phải thể hiện được tính minh bạch, phải hợp lý. Muốn vậy, quy trình làm chính sách phải "trong suốt" và có sự tham gia của các giới, chỉ có như vậy mới không bị hoặc hạn chế được sự chi phối bởi các nhóm lợi ích, nhất là các nhóm lợi ích cục bộ.

Một điểm nữa, chính sách tốt vẫn có thể bị lạm dụng trong quá trình thực thi. Cho nên liêm chính trong thực thi chính sách phải dựa trên 3 nguyên tắc:

Một là, phải xây dựng được các văn bản quy phạm pháp luật hướng cán bộ, công chức đến việc chỉ làm những gì luật cho phép. Như vậy, nhiệm vụ để kiến thiết hệ thống pháp luật, minh định rõ vai trò của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi chính sách phải rất minh bạch, liên quan đến việc thiết kế các quy định của pháp luật phải rõ ràng, chi tiết, không nước đôi, không để hiểu lầm.

Hai là, phải có hệ thống tổ chức giám sát những công việc này để tránh cán bộ, công chức lạm dụng.

Ba là, phải có mối quan hệ tương tác giữa cộng đồng kinh doanh cũng như giám sát, phản biện của cộng đồng DN và báo chí, đặt Chính phủ trong tình trạng được giám sát, được phản biện và giải quyết khiếu nại, tố cáo một cách công bằng.

* Trước khi tính đến một chính phủ liêm chính phải thực hiện được liêm chính trong môi trường kinh doanh, phải thế không, thưa ông?

- Giảm bớt điều kiện kinh doanh vẫn chưa đủ để người dân, DN nhỏ và vừa có thể tham gia thị trường một cách bình đẳng, thuận lợi. Do đó, cần tự do hóa hơn nữa việc gia nhập thị trường, giảm thiểu số lượng các quy định hành chính đến mức thấp nhất và minh bạch đến mức cao nhất cũng như giảm chi phí và thời gian xuống mức thấp nhất, để người dân và DN kinh doanh thuận lợi.

* Cám ơn ông!

>Dai dẳng bất bình đẳng trong cạnh tranh

>Bán những “con bò sữa” của nền kinh tế

>Đầu tư lĩnh vực hạ tầng: Cơ hội cho khu vực tư nhân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Liêm chính trong kinh doanh - tiền đề của một chính phủ liêm chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO