Lang thang trên hoang tàn di sản

PHƯƠNG QUYÊN (DNSG cuối tháng)| 28/09/2009 05:11

Chưa có một thống kê cụ thể nào về hiện trạng di sản Việt Nam, nhưng theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, sau hơn 100 năm chiến tranh, loạn lạc, 70% di sản của nước ta đã biến mất...

Lang thang trên hoang tàn di sản

Chưa có một thống kê cụ thể nào về hiện trạng di sản Việt Nam, nhưng theo nghiên cứu của các nhà chuyên môn, sau hơn 100 năm chiến tranh, loạn lạc, 70% di sản của nước ta đã biến mất. Trong số 30% còn lại, đến nay chỉ một phần ba còn tương đối nguyên vẹn; phần lớn kia đã què quặt, chắp vá. Vì đâu?

Trùng tu vô tội vạ

Xuất phát từ cái nôi văn hóa Việt Nam là thủ đô Hà Nội, chúng tôi có mặt tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, di tích được bảo vệ tương đối kỹ. Xây dựng từ năm 1070, đây là nơi dạy học cho các thái tử và con cái của những bậc quyền quí và thường dân có học lực xuất sắc.
Ngay tại khu vực ghi công tiến sĩ của Văn Miếu, bên cạnh những chú rùa đá, sự hiện diện của rùa xi măng khiến không gian cổ xưa của khu vực văn bia như bị… vá. Bị “rùa bê tông” chiếm chỗ, những phần thân, đầu rùa sứt sẹo thay vì được sửa chữa lại nằm chỏng chơ dưới những gốc cây, trở thành vật chứa nước đọng. Tiến sâu vào trong, bên phải tòa nhà Bái đường, chen giữa các dãy nhà gỗ bán quà lưu niệm là một… phòng máy ATM (?!).

Máy ATM trong Văn Miếu Quốc Tử Giám

Có lẽ, chính các du khách cũng không ngờ trong quần thể di tích hàng đầu của Hà Nội lại có thể “đính kèm” một phương tiện hiện đại như thế, nên rất ít người sử dụng. Thay vào đó, họ tập trung chụp ảnh chiếc máy quá “chỏi” so với không gian chung, chỉ trỏ rồi… cười. Yoshio Hanada, anh bạn đồng hành người Nhật của chúng tôi tỏ vẻ tiếc nuối: “Chúng tôi đến đây để chiêm ngưỡng thành quả kiến trúc mà tổ tiên các bạn tạo nên, chứ đâu phải để tận hưởng sự phát triển của dịch vụ rút tiền”. Tận dụng làm nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, hội họp, vài gian phòng của Quốc Tử Giám đã được trang bị máy lạnh. Dù đã được đóng khung bên ngoài bởi những kệ gỗ giả cổ, nhưng sự hiện diện của các thiết bị hiện đại ấy đã khiến di tích này trở nên… nửa mùa.

Hẩm hiu hơn Quốc Tử Giám, cơn lốc trùng tu khiến Chùa Phật Tích (Bắc Ninh), một di tích quý giá của lịch sử kiến trúc Việt Nam, do vua Lý Thánh Tông cho xây từ năm 1057 suýt chút nữa cũng bị chết tức tưởi dưới tay những nhà điều hành công trình mang tên Trùng tu tôn tạo di tích lịch sử văn hóa đặc biệt quốc gia chùa Phật Tích, khi họ dùng xe ủi san phẳng và xây mới toàn bộ chùa.
Xuôi vào Nam, đến làng An Ninh, xã Hương Hồ, Hương Trà, Huế, thấy công tác trùng tu di sản nơi này còn khủng khiếp hơn. Võ Miếu, một di tích văn hóa quan trọng nằm trong quần thể di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới tại Huế đang ngày một xuống cấp và có nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn. Hiện nay di tích này chỉ con trơ vài tấm bia, nằm khuất lấp trong cỏ dại. Tất cả những công trình xây dựng trong khu vực Võ Miếu đều chẳng còn dấu vết.

Tàn phá danh thắng

Dừng chân tại Phú Yên, trải qua hàng giờ dằn xóc trên xe từ trung tâm TP mới đến được Ghềnh Đá Dĩa, một kì quan được tạo thành từ hiện tượng phun trào, lắng đọng của núi lửa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì vẻ đẹp hùng vỹ, tạo nên từ hàng ngàn viên đá cùng kích cỡ, được sắp xếp khéo léo của nơi này. Thế nhưng, ngạc nhiên hơn là hầu như trước nhà các hộ dân trong vùng đều có sự hiện diện của đá dĩa. “Dân xúc đá của ghềnh, đem về làm chuồng gà, chuồng heo hết trọi” - anh Khánh, hướng dẫn viên của khách sạn Thuận Thảo (Phú Yên) cho biết. Đây chính là lý do khiến diện tích của Ghềnh Đá Dĩa đang ngày càng bị thu hẹp. Đáng tiếc, đường đi khó khăn, du khách chưa nhiều nên công tác bảo vệ kì quan thiên nhiên này cũng chưa được chú ý.

Sở hữu khối tài sản "trời cho" lên đến 19 danh thắng, trong đó có 14 danh thắng được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia nên Lâm Đồng nhanh chóng trở thành “vua” của ngành du lịch. Theo báo cáo kết quả điều tra của Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008, doanh thu của các khu, điểm du lịch của tỉnh lên đến 130 tỷ đồng. Tổng lượng khách tham quan, du lịch 6 tháng đầu năm 2008 là gần 2 triệu lượt.

Đáng tiếc, những cảnh quan mang về nguồn lợi bạc tỉ ấy lại đang đứng trước nguy cơ bị đột tử, có những di tích xuống cấp đến mức báo động nhưng không được tôn tạo, nâng cấp. Khủng khiếp nhất là khu vực thác Camly. Là thác nước nằm gần trung tâm TP Đà Lạt nhất lên mọi nguồn xả thải của TP đều đổ ra đây. Hậu quả, địa danh từng đi vào thi ca này giờ không khác gì một bãi rác của TP. Đến Camly vào một ngày mưa, chúng tôi không thể không nhăn mặt vì mùi hôi bao trùm cả khu vực. Dòng nước mạnh mẽ, trắng xóa ngày nào giờ chỉ là những dòng phun trào bọt hóa chất nặng mùi. Theo dân địa phương, nhờ cơn mưa suốt hai ngày trước đã làm mùi hôi ở nơi này giảm khá nhiều. Những ngày nắng, không gian còn khủng khiếp hơn!

Thác Prenn, thác Bobla, thác Voi, thác Pongour, thác Gougah, thác Hang Cọp… cũng lâm vào tình trạng tương tự: Đường lên xuống thác bong tróc đá, cây dại lấn lối đi, thành vịn an toàn gãy đổ, các bức tượng, tiểu cảnh bị sứt mẻ đến tội nghiệp… Chưa đến mức bị ô nhiễm nhưng khu vực hồ Than Thở đang dần bị thu hẹp bởi hoạt động lấn chiếm đất rừng thông làm đất nông nghiệp đã khiến đất tràn xuống lòng hồ, nay trông chẳng khác gì cái ao! Di tích kiến trúc nhà ga Đà Lạt gần như hoang phế. Đối lập với sự xuống cấp, thu hẹp của không gian di tích, danh thắng là sự phát triển của các công trình tạm như hàng quán, ki-ốt kinh doanh đặc sản…

Luật, ý thức, hay cả hai?

Theo Sở Văn hoá - Thể thao – Du lịch Lâm Đồng, dù được giao quyền quản lý, khai thác theo chủ trương xã hội hóa, nhưng chủ đầu tư những danh thắng tại Lâm Đồng rất ít chịu đầu tư cải tạo. Họ chủ yếu chỉ làm rào chắn, trồng vài bụi hoa rồi bán vé cho du khách nên không gian các địa danh này xuống cấp cũng là điều dễ hiểu. Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đồng chia sẻ, việc giao các danh thắng của Đà Lạt cho các chủ đầu tư là cách nhà quản lý kêu gọi nguồn vốn xã hội trong việc bảo vệ, tôn tạo các di sản của thiên nhiên. Nếu các nhà đầu tư có ý tưởng và ý thức tốt, những di sản của thiên nhiên đã không lâm vào tình trạng thảm hại như hiện nay. Ông tiết lộ, hiện Đà Lạt có đến hơn 200 dự án “giấy” đầu tư cho cảnh quan với kinh phí lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng, nhưng thực tế thì rất ít dự án được thực hiện. “Chẳng cần dự án này nọ, chỉ cần bản thân mỗi người tự ý thức và trân trọng không gian chung thì các di sản Việt Nam sẽ không đến mức bị tàn phá nặng nề như hiện nay” - ông trầm ngâm.

Sự tàn phá thời gian không đáng sợ bằng sự phá hoại của con người. Sự tài phai của những danh thắng một thời chứng minh rõ điều này. Luật Di sản đã có, nhưng cho đến nay vẫn chưa có hành vi làm hại đến di sản nào bị xử lý. Chứng kiến sự tồn tại “nửa nạc nửa mỡ” của di sản Việt Nam, khách tham quan không khỏi chạnh lòng. Sau khủng hoảng kinh tế, cơn lốc đầu tư sẽ tràn về, nếu không có biện pháp kịp thời, có lẽ, chỉ vài năm nữa thôi, những cái tên từng làm nên niềm tự hào của một Việt Nam gấm hoa sẽ chỉ còn là dĩ vãng…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lang thang trên hoang tàn di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO