"Làm thầy"

ĐỖ HỒNG NGỌC| 22/11/2010 00:28

Buổi sáng hôm đó cả bọn bốn người đàn ông trung niên kéo ghế ngồi quây quần bên tách cà phê cạnh bờ hồ hiếm hoi giữa lòng thành phố.

Buổi sáng hôm đó cả bọn bốn người đàn ông trung niên kéo ghế ngồi quây quần bên tách cà phê cạnh bờ hồ hiếm hoi giữa lòng thành phố. Người trẻ tuổi nhất trong bọn họ cũng đã 50, một nhà giáo, trắng trẻo, nghiêm nghị; người thứ hai là nhà nghiên cứu văn học, chuyên cổ văn, tóc điểm sương, khắc khổ; người thứ ba là một nhà thơ, từng là giáo viên dạy văn cấp ba, đã về hưu và người thứ tư là… tôi.

Bọn tôi người thì vừa đưa con tựu trường, người thì dẫn cháu đến lớp… giờ rảnh tay tụ lại uống cà phê, rôm rả nói cười, thấy mình như trẻ lại, nhắc cái thuở còn thơ “ngày hai buổi tới trường”.

Bỗng một người cảm khái đọc ro ro một bài học thuộc lòng ngày đó: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh…”.

Trời ạ, như khơi trúng mạch, cả bọn không ai bảo ai cùng “rống” lên như ca bè: …“Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường
làng dài và hẹp… con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ…Hôm nay tôi đi học
!” (Thanh Tịnh).

Rồi hình như thấy trong quán cà phê còn có nhiều người mà cả bọn “hợp xướng” như vậy coi hổng được bèn ngưng bặt. Nhìn nhau cười lỏn lẻn.

Cả bọn như chìm lắng trong một ký vãng mờ xa, ở đó là những cậu bé “khét nắng hôi trâu thèm đi học” (Trang Thế Hy), rồi “Ai bảo chăn trâu là khổ… Em bé không quên học đâu…” (Phạm Duy).

Cái thuở đó sao người ta ham học vậy không biết! Im ắng hồi lâu để nghe cho rõ tiếng lách cách quậy cà phê, bỗng một người trầm ngâm như sực nhớ: “Hằng năm cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc lòng tôi lại hoang mang nao nức…”.

Rồi ai đó bỗng đọc tiếp “Je vais vous dire ce que me rappellent, tous les ans, le ciel agité de l’automne, les premiers dîners à la lampe et les feuilles qui jaunissent dans les arbres qui frissonent…” cả bọn lại bèn “hợp xướng” cái đoạn văn về ngày khai trường đó của Anatole France mà cùng nhớ lại những bữa cơm dưới ngọn đèn tù mù…, cảnh cha ngồi xem báo, mẹ ngồi khâu áo, bên cây đèn dầu hao…

Rồi một người nhảy qua quốc văn giáo khoa thư hồi nào không hay “Chân bước đi mặt còn ngoảnh lại, từ cái mái nhà, cái thềm nhà, cái lối đi, cho đến bụi cây, đám cỏ, cái gì cũng làm cho tôi quyến luyến khác thường…!”... của một kẻ rời quê lên tỉnh, học xa.

Nhận ra cả bọn hình như hơi vô duyên, lãng mạn một cách lãng xẹt, ai đó bèn chuyển gam về chuyện bây giờ, chuyện chạy trường, chuyện học phí, quốc tế quốc nội, chuyện You and I của bọn trẻ bây giờ không biết cả những tiếng thầy trò, cô cậu, chú bác, thím mợ...

Ông bạn nhà giáo kể một hôm, trong một lớp học, thầy dạy văn ra câu đố kiểu Truyền hình vẫn hay làm. Một câu tục ngữ nói về tình thầy trò gồm sáu từ, thầy cho hai từ để học trò đoán tiếp. Em nào đoán trúng được thưởng. Hai từ đó là “thầy” và “mày”.

Học trò ngơ ngác. Một em xin cho thêm hai từ nữa mới đoán được. Thầy đồng ý: hai từ nữa là: “đố” và “nên”. Cả lớp im lặng nhìn nhau.

Thầy chán ngán nói: Thôi được, để thầy cho nốt hai từ nữa rồi các em xếp thành câu tục ngữ nhé: Đó là “không” và “làm”. Đến đây thì có một cánh tay nhanh nhẹn đưa lên: Thưa thầy, có phải câu tục ngữ đó là “Làm thầy mày không nên đố” không ạ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
"Làm thầy"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO