Lạm phát tăng, giá lại giảm!?

23/04/2011 00:04

Mỗi khi xăng tăng, nguyên liệu tăng… thì DN, tiểu thương cùng “té nước theo mưa”. Tuy nhiên, điều này sẽ phải thay đổi khi người tiêu dùng dùng quyền lựa chọn của mình một cách mạnh mẽ và quay lưng lại với những sản phẩm tăng giá vô lý.

Lạm phát tăng, giá lại giảm!?

Mỗi khi xăng tăng, nguyên liệu tăng… thì DN, tiểu thương cùng “té nước theo mưa”. Tuy nhiên, điều này sẽ phải thay đổi khi người tiêu dùng dùng quyền lựa chọn của mình một cách mạnh mẽ và quay lưng lại với những sản phẩm tăng giá vô lý.

Trong mấy năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam dường như đã quen dần với sự tăng giá liên tiếp của hàng hóa. Năm 2011, kinh tế tiếp tục khó khăn khi đối mặt với lạm phát và bất ổn. Giá cả tăng lên khiến nhu cầu giảm xuống, người dân và DN phải điều chỉnh theo hướng tiết kiệm để có được hiệu quả cao nhất. Điều đó khiến cho nhu cầu bị giảm mạnh, hàng hóa khó bán dẫn đến tồn đọng thì việc giảm giá sẽ được tính đến.

Buộc phải giảm giá

Sau đợt tăng giá xăng dầu mới đây, rau quả ở Hà Nội đã tăng giá theo một cách mạnh mẽ. Tuy nhiên, nghịch lý đã được chỉ ra là khi thời tiết đang thuận lợi, nguồn cung rau đang dồi dào, giá rau của nông dân rất rẻ nhưng tiểu thương lại tăng giá bất hợp lý. Rau đắt, người tiêu dùng kêu ca và hơn thế họ buộc phải giảm lượng tiêu dùng hay tìm những cách để có được nguồn hàng giá rẻ hơn.

Điều này có hiệu quả ngay lập tức, tiểu thương khó bán hàng buộc phải giảm giá rau để tìm khách. Đây có lẽ là một trong số lần ít ỏi, các tiểu thương bán rau quả ở Hà Nội hứng chịu những phản ứng mạnh mẽ từ khách hàng và buộc họ phải nghĩ lại thói quen tăng giá với bất cứ lý do nào.

Trong khi đó, hồi đầu năm 2011, khi mọi thứ chưa tăng thì giá thép xây dựng đã nhiều lần thay đổi với mức tăng rất mạnh. Tuy nhiên, đến đầu tháng trước, khi giá tất cả các mặt hàng vật liệu xây dựng khác tăng giá thì thép lại giảm. Đây là một hiện tượng lạ vì từ trước tới nay thép luôn đi đầu và khởi động cho mọi làn sóng tăng giá vật liệu xây dựng. Lạ hơn, nguyên nhân giảm giá không phải do chi phí giảm mà do khó bán hàng, buộc các nhà sản xuất thép phải giảm giá.

Còn nhớ những năm trước đây, đã nhiều lần bị dư luận phản hứng vì việc việc tăng giá liên tiếp, thậm chí các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra cũng không hề làm các nhà sản xuất thép lo ngại để có những điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên, khi người tiêu dùng giảm mua, hàng tồn kho, dây chuyền ngừng chạy thì DN thép buộc phải nghĩ lại để cứu mình trước hết

Mới đây, trên thị trường, rất nhiều ngân hàng đã đưa ra nhiều chương trình vay vốn ưu đãi vốn dành cho các DN với lãi suất thấp và nhiều hỗ trợ đi kèm. Đây có thể là điều hơi ngược khi lãi suất huy động trên thị trường đang tăng cao, nguồn vốn cho vay bị hạn chế, các ngân hàng cũng có những khó khăn về thanh khoản...

Thời buổi siết chặt tiền tệ, ngân hàng khó khăn buộc phải đẩy cao lãi suất. Nhưng như một phản ứng tự nhiên, lãi suất cao, DN thà tạm ngừng sản xuất chứ không thể vay vốn với giá cắt cổ nên rất nhiều ngân hàng đã từ chối vay vốn. Không thể để mất khách hàng và nguồn sống của mình là các DN nên dù khó khăn, các ngân hàng vẫn phải tìm cách ưu đãi và tiếp cận với DN hay nói đúng hơn là tìm cách nuôi dưỡng nguồn sống của mình.

Tương tự, các ngân hàng dù mong muốn có lãi suất cao và lợi nhuận lớn nhưng khi DN khó khăn, hạn chế vay vốn ngân hàng vì lãi suất quá cao thì các ngân hàng cũng không giải ngân được và không có lợi nhuận, buộc họ phải có những ưu đãi để kéo khách hàng đến với mình.

Trong điều kiện đó, khách hàng, với đồng tiền và quyền lựa chọn của mình có quyền lực của mình đối với các nhà sản xuất. Khi giá tăng đến một ngưỡng khó chấp nhận, khách hàng thể hiện quyền lực của mình bằng cách đơn giản nhất là từ chối mua thì DN đã phải nghĩ lại. Thay vì tăng giá họ buộc phải giảm giá và tìm mọi cách để điều chỉnh để giữ lấy khách hàng của mình.

Lo cho khách để cứu mình

Còn nhớ, sau đợt tăng giá xăng cuối tháng 2, nhiều hãng taxi đã tăng giá cước trung bình 12 - 15%. Nhưng sau đó gần một tháng, sau đợt tăng giá cuối tháng 3, chúng ta không thấy một sự điều chỉnh ồ ạt như trước đó mà thay vào đó là những toan tính để làm sao tăng giá nhưng không mất khách.

Một lãnh đạo DN vận tải ở Hà Nội cho biết, lần điều chỉnh trước (24/2) các DN vận tải Hà Nội thống nhất tăng thêm gần 20% nhưng nhiều khách hàng không chịu chấp nhận mức cước mới. Cho nên, xăng tăng giá vào cuối tháng 3, các DN đã không dám tự ý tăng giá mà mỗi DN buộc phải tìm cách thương thảo với từng khách hàng qua từng hợp đồng.

Kinh nghiệm cho thấy, mỗi lần tăng giá cước, lượng khách hàng lại giảm, điều này thấy rõ ở các DN vận tải hành khách và taxi nên bây giờ tăng giá cũng rất khó.

Thậm chí một DN vận tải taxi cho biết, một nhóm các DN đã chấp nhận bù lỗ để giữ giá trong thời gian đầu sau đó tìm biện pháp phù hợp chứ không dám tính chuyện tăng giá ngay. Ngay cả, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam: khuyến cáo khi giá xăng dầu điều chỉnh tăng thêm khoảng 10%, các DN hãy tính đến phương án điều chỉnh giá với mức phù hợp để khách hàng có thể chấp nhận được.

Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho rằng, việc tăng giá xăng kéo theo cước vận tải tăng là tất yếu. Tuy nhiên, DN cần phải tính toán để đưa ra giá phù hợp để phù hợp với việc tăng chi phí đầu vào và khách hàng chấp nhận được, đồng thời đảm bảo việc tăng đúng quy trình, quy định của Nhà nước.

Thị trường được thiết lập ổn định dựa trên quan hệ cung - cầu. Một khi một trong hai yếu tố biến động thì buộc phần còn lại cũng phải tự điều chỉnh để biến đổi cho phù hợp. Cạnh tranh của các nhà kinh doanh chính là một quá trình điều chỉnh và tự điều chỉnh sao cho phù hợp với đòi hỏi của thị trường. Một thị trường phát triển luôn tạo điều kiện và khuyến khích cạnh tranh để thị trường ngày càng hoàn hảo hơn và người tiêu dùng có được nhiều lợi ích hơn.

Tuy nhiên, dường như ở Việt Nam, từ trước đến nay, các DN thường quen với việc tăng giá mà chưa chú ý nhiều đến phản ứng của khách hàng. Mỗi khi có biến động đầu vào, các DN luôn nghĩ đến tăng giá bán sản phẩm đầu tiên nhằm đạt mức lợi nhuận kỳ vọng mà ít nghĩ đến việc điều chỉnh và cắt giảm các chi phí, đầu tư công nghệ tiết kiệm hay thậm chí là giảm lợi nhuận của mình.

Nhưng tình hình hiện nay đã khác, khi giá cả đã tăng quá mức chịu đựng của khách hàng thì như một phản ứng tự nhiên, khách hàng sẽ co hợp chi tiêu của mình để tiết kiệm. Họ sẽ khó tính hơn trong các hoạt động chi tiền và tất nhiêm sẽ dễ dàng ra lời từ chối với những khoản chi hay những mặt hàng giá cả không hợp lý. Quyền lực của khách hàng đã thể hiện rất rõ qua điều đơn giản nhất là quyền lựa chọn hay từ chối.

Thực tế trên đây đã cho các DN thấy rõ nhất điều họ vẫn thường nói, khách hàng là thượng đế. Nhưng có lẽ DN phải thấy rằng, khách hàng và nguồn sống của DN, khi khách hàng từ chối, DN sẽ phá sản. Chính vì vậy, tăng giá khiến người tiêu dùng thông minh hơn và chặt chẽ hơn và điều đó buộc các DN phải điều chỉnh và tôn trọng khách hàng hơn. Đó là cách để tồn tại lâu bền trong thị trường cạnh trạnh.

Trên đây là ý kiến của các chuyên gia, còn ý kiến của các bạn ra sao? Mời các bạn tham gia gửi ý kiến phản hồi ở phần dưới đây

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lạm phát tăng, giá lại giảm!?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO