Làm được gì trong không gian du lịch vùng?

BÍCH HỒNG| 12/08/2016 06:39

Việt Nam đang có mặt trong rất nhiều quan hệ hợp tác kinh tế du lịch vùng và đang khai thác gì từ những hiệp ước hợp tác đã ký kết?

Làm được gì trong không gian du lịch vùng?

Ngày 31/7, tại Myanmar, tài liệu công bố tại "Diễn đàn kết nối không gian du lịch - Bốn quốc gia, một điểm đến" bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar cho biết, năm 2015, 4 quốc gia này đã đón 22,08 triệu lượt khách quốc tế, tăng 12,7% so với năm 2014. Trong đó, ước tính lượng khách du lịch nội vùng đạt trên 3 triệu lượt. Đặc biệt khách du lịch Việt Nam đi Lào và Campuchia chiếm khoảng 2/3 tổng lượng khách nội vùng (khoảng 1,19 triệu lượt đi Lào và 0,99 triệu lượt đi Campuchia).  

Đọc E-paper

Việt Nam đang có mặt trong rất nhiều quan hệ hợp tác kinh tế du lịch vùng và đang khai thác gì từ những hiệp ước hợp tác đã ký kết?

1. Có mặt trong một chuyến bay nối đảo Phú Quốc và Siêm Riệp của Vietnam Airline, tôi nhìn những gương mặt háo hức xung quanh mình và nhận ra một điều, Việt Nam đang tham gia vào không gian du lịch bao gồm nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Hầu hết khách trong chuyến đi nhập cảnh vào Việt Nam bằng chuyến bay thuê bao trực tiếp để đến Phú Quốc nghỉ dưỡng, sau đó lên máy bay đi một trong ba điểm khác là Kuala Lumpur (Malaysia), Siêm Riệp (Campuchia), Bangkok (Thái Lan). Khách cũng chia ra khá nhiều loại, dòng khách nhiều tiền đổ đến Thái Lan và Malaysia, dòng khách có mức chi trung bình đến Việt Nam và Campuchia.

Ông Giang Minh Phi - một nhà điều hành tour đến từ Trung Quốc cho biết, khách của công ty ông thường yêu cầu khách sạn 4 sao tại Phú Quốc, hoặc Đà Nẵng, Hội An, sau đó bay thẳng đến Siêm Riệp để thưởng lãm kỳ quan thế giới Angkor Wat.

Ông Giang Minh Phi đang xúc tiến các chuyến đi dài hơn đến Myanmar - một thị trường du lịch mới nổi, nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan lịch sử và văn hóa của đất nước mới mở cửa này.

Như vậy, những công ty như của ông Giang Minh Phi đang nóng lòng đưa khách từ thị trường Trung Quốc sang Đông Nam Á và có một sự lựa chọn khá thoải mái giữa các không gian du lịch như "Bốn quốc gia một điểm đến" gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, hoặc "Năm quốc gia một điểm đến", trong đó gồm 4 quốc gia nói trên và Thái Lan, hay "Ba quốc gia một điểm đến" gồm Việt Nam, Thái Lan, Campuchia.

Mỗi chương trình bao gồm các sản phẩm du lịch tùy từng vùng chứ không chồng chéo.

Ví dụ, tại không gian du lịch "Bốn quốc gia một điểm đến" đang được hoạch định các tuyến điểm để khai thác như Du lịch di sản Thái Lan - Lào - Việt Nam (Lampang - Sayabouly - LuangPrabang - Viengxay - Oudomxay - Điện Biên). Các sản phẩm du lịch trên tuyến dọc sông Me Kông Việt Nam - Campuchia (Tiền Giang - An Giang - Siem Riep - PhnomPenh). Tuyến du lịch sinh thái theo tuyến đường 8 gồm Thái Lan - Lào - Việt Nam (Nakorn Phanom - Thakhek - Lak Xao - Cầu Treo - Hà Tĩnh) và một tuyến hành lang phía Nam Thái Lan - Campuchia - Việt Nam - Myanmar. Đây là các chương trình nhắm vào đầu tư cho các tuyến du lịch chưa phát triển.

Bà Nguyễn Thị Sinh - Giám đốc Truyền thông Sinh Thái Tour (một công ty đã dày công mở đường đưa khách du lịch nước ngoài nối tuyến từ Đà Nẵng đi theo đường 9 sang Lào, Thái Lan và Myanmar trong bốn năm qua) nhận xét: "Khách nước ngoài chưa hài lòng với tour này do hạ tầng du lịch tại Lào và Myanmar chưa đáp ứng tốt nhu cầu, chi phí thị thực vào từng nước khá cao. Nhưng khách trong nước đi tuyến đường bộ này đang tăng nhanh nhờ giá rẻ và Myanmar đang thu hút khách Việt Nam. Tuy nhiên, các công ty lữ hành cũng chưa hào hứng với tuyến du lịch này do hạ tầng yếu, khách không có nhiều lựa chọn để chi tiêu nên mức thu nhập khá thấp".

Vì vậy, trong hầu hết các tour xuất phát từ miền Trung, tuyến du lịch nội vùng đến Myanmar vẫn chỉ là tuyến phụ trong tổng doanh thu của các công ty.

Angkor Wat (Campuchia)

2. Dọc hành trình từ TP.HCM sang Siêm Riệp, anh Philipe S. đến từ Pháp cho biết, Đông Dương là chuyến đi mơ ước của những người nặng lòng với lịch sử, vì Đông Dương từng là thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, các công ty lữ hành ở châu Âu thường chọn điểm nhấn là Siêm Riệp để quảng cáo cho hành trình đến Đông Dương của du khách Pháp. Khi đến Việt Nam, gia đình anh Philipe S. rất thú vị khi thăm TP.HCM với nhiều di tích kiến trúc Pháp và thích thú khi nghe giới thiệu về thành tựu kiến trúc của người Pháp ở Sài Gòn trước đây.

Khi tôi hỏi anh cảm thấy Việt Nam thế nào trong chuyến du lịch Đông Dương, Philipe S. nhận xét: "Việt Nam là nơi đọng lại những ấn tượng sâu sắc, bởi tôi thấy nhiều hình ảnh của văn hóa Pháp. Siêm Riệp là nơi sở hữu kỳ quan văn hóa thế giới Angkor Wat rất nên đến. Và Lào giữ được nét văn hóa Phật giáo nguyên sơ. Như vậy các nhà lữ hành đã nhầm lẫn khi quảng cáo Siêm Riệp là điểm nhấn của chuyến đi và không tính đến cảm nhận lịch sử văn hóa của du khách Pháp".

Điều đó cho thấy với một số thị trường, chưa hẳn du lịch Việt Nam kém hấp dẫn so với Campuchia đang lọt vào top 10 điểm đến có mức tăng trưởng du khách mạnh nhất thế giới nhờ sở hữu kỳ quan văn hóa thế giới và có chính sách phát triển du lịch tốt trong thời gian gần đây.

Vấn đề là dòng khách có mức chi tiêu cao dồn về Thái Lan và Malaysia - 2 thị trường có thế mạnh về mua sắm và tham quan. Và vấn đề thời sự của Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á là sự tăng đột ngột của dòng khách Trung Quốc, như có đến 1,2 triệu lượt đến Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2016. Đây cũng là vấn đề của du lịch Thái Lan khi dòng khách Ấn Độ và Trung Quốc tăng đột biến.

Công viên quốc gia Doi Inthanon (Thái Lan)

3.

Những chuyến bay giá rẻ nối tuyến một số tỉnh - thành Trung Quốc đến miền Trung Việt Nam đêm đêm đổ một lượng khách khá lớn xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Bên cạnh đó là dòng khách Hàn Quốc cũng có mức tăng trưởng vượt bậc. Với thế mạnh du lịch giá rẻ, nghỉ dưỡng biển, ẩm thực hải sản, nhưng chuỗi hạ tầng du lịch đón khách Trung Quốc đang dần lộ diện những bất cập.

Các công ty lữ hành giỏi xoay xở trong cung ứng dịch vụ của Trung Quốc đã nhanh chóng đến Việt Nam và chủ động tạo ra chuỗi dịch vụ chuyên phục vụ người Trung Quốc. Với thế mạnh mỗi ngày có thể đưa đến 500 - 1.000 khách Trung Quốc vào nhà hàng hoặc điểm tham quan, mua sắm, các công ty này đã ép các chủ nhà hàng, khách sạn Việt Nam với giá thấp nhất, buộc họ phải tìm cách rút bớt chất lượng để có lãi. 

Đã xuất hiện mô hình công ty Trung Quốc liên kết với người Việt Nam mở các điểm mua sắm, bán hàng cao cấp của Trung Quốc cho chính du khách Trung Quốc.

Nếu cứ phát triển du lịch theo lối bị động và để các công ty Trung Quốc thao túng chuỗi dịch vụ du lịch giá rẻ, sau một thời gian, từ nhà hàng đến khách sạn sẽ bị sa sút về chất lượng phục vụ, nhân sự kém, không có lợi gì khi du lịch phát triển.

Phải xác định dòng khách Trung Quốc đổ vào Việt Nam và các nước trong nội vùng Đông Nam Á là một tất yếu. Nhưng nếu các nước không liên kết được để đón dòng khách có mức chi tiêu tốt này mà để cho các công ty Trung Quốc đến tận nơi thao túng giá cả và chất lượng phục vụ thì lợi bất cập hại, các dòng khách châu Âu và Mỹ, Nhật Bản sẽ chuyển dịch sang các khu vực khác.

Campuchia đang đề nghị hỗ trợ mở đường bay giá rẻ nối tuyến từ Việt Nam sang PhnomPenh và Siêm Riệp. Đó là sự hợp tác mở đầu. Ngược lại, Campuchia cam kết hỗ trợ cho nhà đầu tư Việt Nam đến mở nhà hàng, khách sạn dọc tuyến sông Me Kông. Cung cách hợp tác đó dừng lại ở mục tiêu đón dòng khách có mức chi tiêu thấp, chủ yếu là khách nội vùng, mà du khách Việt Nam đứng đầu. Đó chỉ là cách người nghèo làm du lịch, ở đây là của mấy quốc gia nghèo sống cạnh nhau!

>Bị động trước làn sóng du khách Trung Quốc

>Du khách nên hạn chế di chuyển ở 10 thành phố này

>4 điểm check in không thể bỏ qua cho du khách đi Malaysia

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Làm được gì trong không gian du lịch vùng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO