Lạc quan sống cùng mưa lũ

PHAN HÒA BÌNH| 22/10/2016 06:18

Bạn bực mình vì một cơn mưa lớn chắn ngang đường về, và bạn nhân nó lên gấp mười, gấp trăm mà không hề thấy hả dạ.

Lạc quan sống cùng mưa lũ

Mùa này là mùa mưa. Trong quán cà phê vẫn nghe giọng Khánh Ly thật liêu trai: “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ...”, ngoài đường không khí rất khác khi những gương mặt người lướt qua nhanh chậm, mưa lớn, thành phố như sông dẫu mưa chỉ kéo dài vài giờ, và người thành phố sợ hãi như chưa từng một lần chạm mặt mưa lũ.  

Đọc E-paper

Ai nấy đều mang gương mặt nhẫn nại đứng chờ cơn mưa ngớt, chờ làn nước đen ngòm kia rút đi. Báo chí mang gương mặt đô thị khủng hoảng, bệnh viện ngập, sân bay ngập, những con đường về nhà đều ngập. Và sự lo lắng, phẫn nộ, chán nản ngập mạng xã hội khi người ta đứng dầm chân trong nước chờ cái rủi ro, bực bội của cơn mưa chiều đem lại đúng giờ tan tầm.

Cũng có một người không vào mạng xã hội để tìm thông tin, để hốt hoảng cùng một đám đông không thể về nhà đúng giờ và đang đứng trong mưa lạnh. Ngước mắt nhìn trời vần vũ mây, tầm mắt vượt qua nóc những tòa cao ốc, dường như bay xa hơn nữa về phía bầu trời xám chì trong cơn giông cuồng nộ.

Người ấy nhớ quê, nhớ cơn lũ miền Trung thủa ấu thơ, không phải cơn lũ của mạng xã hội chỉ toàn những cánh tay cầu cứu trên nóc ngôi nhà đang chìm dần trong nước, mà là cơn lũ với những tiếng reo cười của trẻ con, tiếng hỏi han ân cần của người lớn, gọi nhau từ nhà này sang nhà khác.

Bây giờ người ta mô tả vũng nước thành dòng sông và tự mình chìm vào dòng sông bực bội đó. Người quê đón lũ bình thường, gạo thóc, của nả quý cất trên gác xép, hạ cái xuồng nhỏ từ trên gác mái xuống hiên làm phương tiện giao thông qua hàng xóm làm chầu rượu với mớ cá vừa đón lõng ở ngay chân giường.

Nhớ sao là nhớ mâm bánh xèo hay tô mì ngày lũ về thiếu rau cải non nhưng có thể bơi ghe ra vườn cắt hoa chuối về xắt mỏng, thứ rau hạng sang ngày thường đã cắt đem bỏ cho sạp rau ở chợ bán chứ không dám ăn.

Thành ra giờ đứng ở thành phố ngập trong dòng nước bẩn, cứ da diết nhớ vị chát ngọt của hoa chuối trong miếng bánh xèo thơm ngậy mùi dầu phụng thủa thôn quê vẫn giữ nếp sống thanh bình trong mùa lũ về rửa phèn cho đồng ruộng, đem phù sa về ruộng chờ vào vụ cấy.

Lũ lụt cũng cực, cũng lắm hiểm nguy, cũng nhiều phen thành đại họa. Nhưng cuộc sống vẫn phải đi tới, và người ta biến cái bất thường thành bình thường, ấy là sự lạc quan của nhà nông mà bây giờ người phố thị dường như không có.

Người quê chèo thuyền đến lò xay bột đổ bánh xèo hoặc tráng mì Quảng thường kể chuyện vui. Người quê vẫn chèo thuyền đi chia nhau mớ tôm, mớ cá, vì quanh quanh trong xóm không bà con xa cũng láng giềng gần, cố gắng sẻ chia cho nhau chút vui vẻ trong cái cực nhọc của mùa mưa lũ.

Và những người quê đã không mang theo được cái tinh thần đó khi ra thành phố sống. Nước vừa dính chân, vừa lưng lưng nửa bánh xe là họ để mặc cho cái bực bội chiếm lĩnh tinh thần, là rút điện thoại ra chụp rồi đưa lên Facebook, là than vãn, là tìm cho ra những câu mỉa mai mới nhất về cái sự bất thường thành phố biến thành dòng sông trong cơn mưa.

Họ quên hết cái tinh thần lạc quan rất hay của làng quê, cái sự kiên nhẫn luôn giúp chúng ta giảm thiểu cái khó khăn đang đối mặt. Bởi bạn bực mình vì một cơn mưa lớn chắn ngang đường về, và bạn nhân nó lên gấp mười, gấp trăm mà không hề thấy hả dạ.

Chiều nay lại vấp phải cơn mưa lớn. Chỉ kịp điện thoại về cho vợ con: “Bố kẹt ở đường X, đường Y rồi nhé”. Kệ đi cơn mưa xối xả. Kệ đi dòng người đang tìm mọi cách thoát khỏi dòng sông giữa đô thị.

Tìm một quán cà phê nhỏ. Sài Gòn dễ tìm quán lắm. Vào đó, có wifi mạnh, tìm mấy món ngon đồng quê, mỉm cười đi, nhớ lại đi, lũ ở quê ngày nhỏ vui lắm. Và đúng là tự mỉm cười thật, thấy mình đang le lói nhớ món bánh xèo ngã tư nào đó, bánh xèo vô danh thôi, nhưng mùi vị giông giống bánh quê.

Và tâm trạng bực bội không có cơ hội chiếm lĩnh mình, đó cũng là một cách sống chung với lũ.

>Lợi ích của sự lạc quan

>6 bí quyết tư duy tích cực của người thành công

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lạc quan sống cùng mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO