Kỳ 3: Nhóm Thứ Sáu: Gắn cuộc đời với thời vận dân tộc

16/04/2010 06:55

Với Nhóm chuyên viên kinh tế Thứ Sáu, sự gắn bó như một duyên phận không cần một hợp đồng hay một hẹn ước. Tuy mỗi người có những cảnh ngộ trong cuộc đời khác nhau, nhưng đều có cùng tâm tư, đó là những băn khoăn trăn trở, lo âu cho vận mệnh và tương lai của dân tộc.

Kỳ 3: Nhóm Thứ Sáu: Gắn cuộc đời với thời vận dân tộc

Với Nhóm chuyên viên kinh tế Thứ Sáu, sự gắn bó như một duyên phận không cần một hợp đồng hay một hẹn ước. Tuy mỗi người có những cảnh ngộ trong cuộc đời khác nhau, nhưng đều có cùng tâm tư, đó là những băn khoăn trăn trở, lo âu cho vận mệnh và tương lai của dân tộc.

Sự hình thành Nhóm nghiên cứu kinh tế chuyên đề đối với anh em trong Nhóm có thể là một câu lạc bộ xả hơi vui vẻ, nhưng đối với chúng tôi thì hết sức có ý nghĩa. Nó không những cung cấp cho tôi những kiến thức cũng như lý luận về kinh tế vĩ mô, đồng thời đã giúp tôi tự tin để tham gia xây dựng các chương trình phát triển kinh tế cụ thể như Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu công nghiệp Hiệp Phước sau này.

Sau Nghị quyết VI- nghị quyết về Đổi Mới - nền kinh tế chuyển động từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, trong đó cải cách giá là vấn đề then chốt, kế đến là việc giải toả tình trạng ngăn sông cấm chợ lâu nay làm cản trở sự lưu thông hàng hoá tự do trên thị trường; đồng thời phải để quy luật cung cầu được vận hành đưa hàng hoá từ nơi thừa đến nơi thiếu. Nhà nước cũng kịp thời đề ra chính sách mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài. Kinh tế bắt đầu khởi sắc.

Và anh em chuyên viên trong Nhóm đã tích cực hơn nữa, từ việc nghiên cứu các chuyên đề kinh tế, tiến lên phát biểu ý kiến của mình qua các báo cáo, góp phần cho việc xoá cơ chế bao cấp, xây dựng nền kinh tế thị trường. Và tôi cũng một lần nữa với sự khuyến khích của anh em tham gia vào việc phát biểu trên báo những vấn đề mà mình quan tâm. 

Ông Phan Chánh Dưỡng (người ngoài cùng phía bên phải)

Nói đến viết báo, viết những đề tài về kinh tế xã hội, ít ai biết rằng các bài viết của tôi luôn phải nhờ anh Phan Thành Chánh, các anh chuyên viên trong công ty đọc qua để sửa cho tôi các lỗi chính tả, hay có thể sửa một đoạn văn tối nghĩa. Quả thật hình như trong suốt 20 năm qua, khi từ ngành giáo dục chuyển qua ngành kinh tế, từ quản lý một công ty, xí nghiệp cho đến tiến hành xây dựng những chương trình phát triển kinh tế cấp quốc gia từ Khu chế xuất Tân Thuận, Khu đô thị mới Nam Sài Gòn, tôi luôn luôn được Nhóm chuyên viên ủng hộ, trong đó có người cộng tác liên tục gần 20 năm như anh Chánh, và trên 10 năm như anh Tước, anh Khanh, anh Sáng, anh Minh. Nhóm chuyên viên đã đóng góp vô cùng to lớn cho tất cả chương trình kinh tế tôi đảm nhận. Nếu không có các anh, chắc là các chương trình kinh tế đó không thể có được và sự nghiệp và cuộc đời tôi sẽ vô cùng khác so với hôm nay.

Nói đến mối quan hệ giữa người với người, tôi không chỉ có những người bạn có kiến thức nhiều hơn tôi như Nhóm chuyên viên nghiên cứu chuyên đề Thứ Sáu, mà còn có các nhóm bạn có kiến thức ít hơn tôi nhiều lần, những đứa bạn học từ tiểu học, những người bạn hàng xóm trước kia ở quê.

Điều lạ lùng là dù rằng gặp lại nhau, tôi nói - các anh bạn nghe là chủ yếu, nhưng khi các anh kể các câu chuyện về cuộc sống quanh họ thì nơi đó cũng có những bài học rất đáng quí cho tôi. Do đó chúng tôi luôn giữ mối quan hệ gắn bó nhau cả mấy chục năm qua, những kiến thức, thông tin của họ cho tôi lúc nào cũng thật cụ thể, nói lên trạng thái thật của xã hội.

Một quan hệ khác liên quan với Nhóm Thứ Sáu và có ảnh hưởng lớn đến tôi đó là những người lãnh đạo tôi hay cấp cao hơn, xin trân trọng ghi lại:

- Anh Hồng Tôn Như, Giám đốc công ty Cholimex đầu tiên, cũng là người sáng lập công ty. Tôi quen với anh từ năm 1976 và anh đã chọn tôi làm cán bộ phụ tá giúp việc xây dựng Cholimex.

Trong quá trình làm việc chung, anh luôn là người lãnh đạo chuẩn mực, bản lĩnh, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm. Anh đã "dám" sử dụng anh em trí thức được đào tạo trước năm 1975 một cách thật sự, đó là sự khởi đầu một điểm tựa đầu tiên của anh em.

- Anh Võ Trần Chí, tôi biết anh lúc anh làm Bí thư Quận uỷ Quận 5. Vào năm 1979, gia đình tôi có người vượt biên, tôi vô cùng lo lắng nên đã tìm đến anh nói rõ sự việc trên. Anh đã tiếp tôi và nói một câu làm tôi vô cùng cảm kích: "Mỗi người có hoàn cảnh và có ý chí riêng, không có gì phải buồn, tôi cũng có bà con gặp phải tình cảnh đó".

Không biết có phải anh nói có phải để an ủi tôi hay không nhưng câu nói anh cũng có bàn con có cùng cảnh ngộ với tôi làm tôi cảm thấy gần gũi, ấm lòng. Và chính từ sự việc này, về sau, bất cứ vấn đề gì tôi đều trình bày với anh một cách chân thật và thẳng thắn, cái nào thấy đúng thì nói đúng, cái nào thấy sai thì nói sai, không có một chút dè dặt giữ kẽ gì cả.

Chính vì thế khi anh giữ chức Bí thư Thành uỷ, tôi luôn mạnh dạn nghĩ ra những gì có thể đóng góp cho thành phố (trong tâm tôi nghĩ là đóng góp với anh nghĩa là đóng góp cho thành phố). Rõ ràng chính anh là người khai sinh ra Nhóm nghiên cứu chuyên đề.

- Anh Nguyễn Vĩnh Nghiệp. Anh Sáu cũng thường xuyên thăm Nhóm chuyên viên sinh hoạt khi Nhóm còn ở Cholimex. Anh cũng rất trọng anh em trí thức. Tôi lại có dịp cùng anh đi khảo sát thị trường nước ngoài từ năm 1987.

Trong chuyến xuất ngoại đầu tiên, tôi có dịp trình bày hết tất cả gia cảnh thân thế cũng như những suy nghĩ của tôi về kinh tế, về tình hình thành phố và những điều tôi ước muốn làm cho thành phố, như xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, tạo điều kiện thu hút đầu tư từ Đài Loan.

Ý kiến đóng góp của Nhóm chuyên viên luôn được tôi trình bày lại với anh. Và chính anh đã quyết đoán: kiến nghị với Trung ương cho thành lập Khu chế xuất Tân Thuận và sau đó với sự lãnh đạo của anh Hai Chí và sự chỉ đạo trực tiếp của anh Phạm Chánh Trực, Khu chế xuất Tân Thuận đã từng bước phát triển như ngày hôm nay.

Đề án này được xem như nhóm chuyên viên đã đóng góp một chương trình cụ thể cho thành phố Hồ Chí Minh.

- Chú Võ Văn Kiệt. Lần đầu tiên tôi được gặp mặt là năm 1987 khi ông với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách về kế hoạch có buổi nói chuyện với anh em trí thức (cũ).

Cuộc họp diễn ra hai ngày trong phạm vi khoảng ba chục người, do đó mọi người đều có cơ hội phát biểu ý kiến của mình. Buổi chiều đến lượt tôi phát biểu, tôi còn nhớ rất rõ là đầu tiên tôi xin đặt câu hỏi với đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng: "Vì sao nói kế hoạch từ dưới lên?". Ông đã hỏi ngược lại: "Thế thì anh hiểu nó như thế nào?"

Tôi mạnh dạn nói: "Kế hoạch luôn phải từ trên xuống, nhưng phải trên cơ sở số liệu thống kê chính xác, trung thực từ dưới lên". Ông bật cười lớn và cho phép tôi phát biểu luôn trên nửa giờ, một thời gian gấp đôi các anh em khác. Sự thẳng thắn của tôi ắt đã được đồng chí lãnh đạo ghi nhận.

Từ đó trong những lần gặp mặt khác trong các buổi họp, mọi vấn đề bức xúc trong xã hội, trong kinh tế đều được tôi phát biểu mạnh đạn không còn e dè gì nữa. Nhưng cũng có nhiều anh em can tôi không nên nói quá thẳng thừng như vậy, phải nhớ ta đang ở xã hội gì và đang nói với ai, nói có đúng quan điểm của lãnh đạo hay không?

Trong tình hình xã hội lúc bấy giờ lời khuyên đó không phải sai, nhưng tôi nghĩ rằng những dịp gặp được lãnh đạo Trung ương là rất hiếm, tại sao ta không tranh thủ nói nhưng sự thật đã xảy ra trong xã hội, những gì mà mình suy nghĩ để lãnh đạo biết? Còn nói theo quan điểm, theo ý của lãnh đạo thì đã có nhiều người chung quanh các vị ấy nói rồi và nói còn hay hơn ta nhiều, do đó lãnh đạo chắc cũng không cần nghe thêm.

Tiếp theo là chương trình xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận. Lúc bấy giờ thành phố đã xin Trung ương cho xây dựng khu chế xuất ở Cát Lái (Saigon Sepzone), nhưng không tiến triển được nên đề nghị Trung ương cho thành lập thêm Khu chế xuất Tân Thuận. Do đó việc thông qua quyết định của Trung ương vô cùng gian nan, nhưng cuối cùng chúng tôi đã cố gắng giải trình thành công.

Khu chế xuất Tân Thuận được Thủ tướng phê duyệt, cấp giấy phép và trở thành Khu chế xuất đầu tiên của Việt Nam. Từ đó một loạt các đề án khác do tôi phụ trách được triển khai bên khu vực Nhà bè - Bình Chánh, tạo nên một hệ thống các dự án đầu tư ở phía Nam thành phố Hồ Chí Minh, làm thay đổi cả bộ mặt nghèo khổ của vùng đất ngập mặn. Các đề án này đã tạo ra tiền đề quan trọng nhất cho việc phát triển thành phố ra biển Đông.

Trong thời gian này, tôi có thêm cơ hội làm việc trong Tổ tư vấn Thủ tướng trong suốt nhiệm kỳ chú Sáu Dân làm Thủ tướng. Điều tôi cảm thấy tự hào nhất là luôn được dịp bày tỏ tấm lòng, ý chí đóng góp sức mình cho đất nước bằng những lời nói thẳng thắn nhất với Thủ tướng. Và cũng được Thủ tướng cho phép thực hiện các đề án phát triển kinh tế quốc gia lớn như các chương trình phát triển thành phố Hồ Chí Minh ra biển Đông như đã diễn ra.

Người ca sĩ hạnh phúc nhất là được hát cho thính giả mình nghe, người cán bộ luôn mong được làm việc hết mình với người thủ trưởng, người lãnh đạo anh minh luôn lo cho dân cho nước. Người trí thức luôn muốn trí tuệ và tri thức của mình được sử dụng có ích cho xã hội.

Nhưng giới trí thức khó có thể tự sử dụng khả năng của mình mà phải cần một môi trường, một điểm tựa, một minh chúa mới có thể thi thố tài năng. Khi xưa, Khổng Minh ra giúp Lưu Bị vì gặp người tri ngộ nên dù cãi lại mệnh trời nhưng cũng quyết thử một phen.

Gắn cuộc đời với thời vận đất nước

Đã hơn hai chục năm trôi qua, điều đáng băn khoăn khi nhìn lại anh em trong Nhóm, kẻ đã đi xa, người đã theo ông bà, anh em còn lại và bổ sung sau này khoảng 15, 16 người, những tuổi đời cũng đã xế chiều. Tôi thuộc loại trẻ trong Nhóm cũng đã quá sáu mươi. Làm thế nào để trí tuệ và kiến thức của anh em được đóng góp cho đất nước này thêm nữa, làm gì để có người nối sự nghiệp "nghiệp dư" này, một sự nghiệp "ăn cơm nhà vác ngà cho vua"?

Bước qua thế kỷ mới, Nhà nước ta đang đề ra chủ trương mới quyết tâm tiến vào nền kinh tế tri thức, để theo kịp bạn bè năm châu bốn biển; để xứng danh con Rồng cháu Lạc. Nhà nước đã bỏ ra nhiều tiền của đưa người ra nước ngoài để truy lùng tri thức, nhưng thật trớ trêu, cái gì bỏ tiền ra mua thì có giá trị, và giá càng cao càng quí, nhưng cái tri thức có sẵn trong nước vì không bỏ tiền mua nên không quí trọng! Nhưng thôi, anh em ta cứ làm nghiệp dư, miễn tri thức ta hữu dụng cho xã hội là được, không cần phải định giá làm gì!

Cuộc đời con người tuy ngắn ngủi, nhưng nếu chúng ta lạc quan tích cực đem một phần sức mình đóng góp cho xã hội như Nhóm nghiên cứu kinh tế Thứ Sáu làm trong 24 năm, thì ít ra cũng có một số sự kiện đáng được ghi lại như các anh em đang làm.

Nhớ lại năm 1983, khi tôi nhận được giấy của anh tôi bảo lãnh gia đình đi định cư ở nước ngoài, tôi có do dự một vài ngày, sau đó đã quyết định ở lại. Quyết định đó tôi xem như một sự cá cược cả cuộc đời, tôi đã gắn cuộc đời mình với thời vận của đất nước.

Đối với Nhóm chuyên viên kinh tế Thứ Sáu, sự gắn bó như một duyên phận không cần một hợp đồng hay một hẹn ước. Tuy mỗi người có những cảnh ngộ trong cuộc đời rất khác nhau, nhưng tôi nhận ra anh em đều có cùng một tâm tư, đó là những băn khoăn trăn trở, lo âu cho vận mệnh và tương lai của đất nước. Phải chăng đây mới là lý do tại sao Nhóm anh em chuyên viên có thể ngồi với nhau trong mỗi buổi tối thứ Sáu và có mặt trong các chương trình kinh tế do Công ty tôi đảm trách suốt hơn hai chục năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Kỳ 3: Nhóm Thứ Sáu: Gắn cuộc đời với thời vận dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO