Khi Thủ tướng phải cứu dòng sông

THIÊN THANH| 20/06/2015 06:30

Một trong những kỳ vọng của người dân những ngày này là Thủ tướng "cứu lấy số phận sông Đồng Nai".

Khi Thủ tướng phải cứu dòng sông

Một trong những kỳ vọng của người dân những ngày này là Thủ tướng "cứu lấy số phận sông Đồng Nai". Một vài tuần trước, chúng ta đọc báo thấy Phó thủ tướng kiêm Trưởng ban An toàn Giao thông Quốc gia đến thăm một gia đình có 6 người tử vong vì tai nạn giao thông tại Đà Nẵng.

Đọc E-paper

Nhưng sau đó, báo chí tiếp tục đưa tin Phó Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng khởi tố, điều tra vụ tai nạn đó, và ngay trong ngày, tài xế xe khách bị bắt giam khẩn cấp. Nhiều kênh truyền hình phát đi phát lại cảnh người tài xế xe khách bị còng tay đưa đi.

Thực tế, quy trình lãnh đạo chỉ đạo từ các cấp cao nhất của Chính phủ có thể diễn ra khác, nhưng trên mặt báo, trước công luận, chúng ta đang nhìn thấy hình ảnh lãnh đạo phải xông xáo vào những việc từ phức tạp nhất như xem xét vụ lấp sông Đồng Nai xây dự án đến khởi tố, bắt giam một tài xế gây tai nạn nhưng không hề bỏ trốn.

Liệu đó là lỗi tường thuật về chuyên môn báo chí, hay thực tế đúng là lãnh đạo cao nhất của Chính phủ đang ngày ngày làm việc sự vụ của các ngành, các cấp?

Tôi nhớ lại vụ động đất ở công trình thủy điện sông Tranh 3 mấy năm trước. Cũng hàng chục đoàn chuyên gia bộ, ngành vào ra nghiên cứu, phán đoán hàng chục nguyên nhân gây động đất liên tục ở lòng hồ công trình thủy điện.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đưa cả vấn đề ra diễn đàn Quốc hội, cứ như là công trình khổng lồ đó bỗng nhiên mọc lên, cần phải nghiên cứu xem nó sẽ thế nào.

Rồi Phó thủ tướng phụ trách công nghiệp phải vào tận nơi thị sát và nghe báo cáo! Dư luận lo sợ một dòng sông bị bức tử, ảnh hưởng đến môi trường sống của TP.HCM và vùng phụ cận.

Vấn đề lớn như vậy nhưng không được kiểm soát bằng nhiều bộ luật, và hóa ra không có câu trả lời nào đủ sức nặng bằng chuyên môn của các chuyên gia đúng lĩnh vực chuyên môn, cũng không phải các quy định trong Luật Tài nguyên Môi trường ràng buộc chặt chẽ một dự án sẽ cứu con sông này, và tất cả xã hội ngước mắt chờ mong Thủ tướng cứu lấy sông Đồng Nai.

Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Tư vấn Phát triển bền vững tài nguyên nước và Thích nghi biến đổi khí hậu - nói: "Có hẳn một ủy ban với tên gọi đầy đủ là "Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai", vậy mà hết lần này đến lần khác, dòng sông lâm vào hoàn cảnh vô cùng nguy hiểm".

Khi dự án đã đi được đoạn đường dài, bị dư luận phản đối, thì bây giờ Bộ Tài nguyên Môi trường bắt đầu đề nghị Thủ tướng giao Bộ đánh giá tác động môi trường sông Đồng Nai.

Một dự án lớn như vậy mà đến nay vẫn không ngã ngũ về tính pháp lý và vẫn được triển khai. Nếu như dự án dừng, dòng sông cũng đã bị tác động, và thiệt hại của doanh nghiệp là quá lớn.

Tất cả các diễn biến đó cho chúng ta cái nhìn thiếu tin tưởng vào bộ máy thực thi pháp luật của địa phương hoặc bộ, ngành tùy theo quy mô dự án, vào độ hiệu nghiệm của luật và các quy định dưới luật nhằm đảm bảo cho xã hội vận hành đúng và phát triển. Môi trường sống của chúng ta chưa được bảo vệ theo nghĩa rộng nhất của từ này.

Số phận một dòng sông rất quan trọng. Chúng ta không nghĩ rằng nó xứng đáng hay không với sự quan tâm của người đứng đầu Chính phủ. Một dòng sông cũng như một con người, nó cần được luật pháp bảo vệ, và Chính phủ cùng các bộ, ngành địa phương chỉ cần thực thi đúng luật.

Ai cũng nghĩ đến môi trường sống, điều đó rất đúng, nhưng có bao nhiêu người nghĩ đến các doanh nghiệp đang "chiến đấu" để tồn tại trong một môi trường thiếu minh bạch.

Tương tự với dự án lấp sông Đồng Nai xây đô thị, tại Đà Nẵng có dự án cao ốc trên lòng sông Hàn, khi các nhà chuyên môn lên tiếng trong quá trình chính quyền phê duyệt, những người lãnh đạo ở đây đã lắng nghe, sớm thẩm định và bác bỏ dự án. Dòng sông được cứu, doanh nghiệp được bảo vệ khỏi phải tiếp tục chi phí tốn kém vì một dự án dang dở.

Tôi từng nghe chuyện kể một doanh nghiệp có cái dự án nhỏ khoảng 4 triệu đô la. Để đảm bảo dự án thông đường, lãnh đạo doanh nghiệp ấy không quá vất vả trong quá trình huy động vốn đầu tư, mà mệt mỏi vì phải đi thăm khoảng "bốn mươi cửa", quà cáp tình cảm. Vì vậy, nếu lần này Thủ tướng phải ra tay "cứu" sông Đồng Nai, niềm vui không thể trọn vẹn!

>"Nụ hôn đắng" của bằng đại học

>Thành phố của những người già

>Giá trị của hòa bình!

>Mùa Hè thách thức

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Khi Thủ tướng phải cứu dòng sông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO