Hướng tới "thể chế kinh tế bao dung"

23/12/2014 05:02

Tăng trưởng kinh tế và năng suất của Việt Nam đang chậm lại trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việt Nam cần xây dựng "thể chế kinh tế bao dung" nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế công bằng và bền vững.

Hướng tới

Tăng trưởng kinh tế và năng suất của Việt Nam đang chậm lại trong những năm gần đây, đặc biệt từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Việt Nam cần xây dựng "thể chế kinh tế bao dung" nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế công bằng và bền vững.

Ngày 22/12, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo "Xây dựng thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh kinh tế hội nhập: Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý đối với Việt Nam". Hội thảo nhằm tìm kiếm những giải pháp hợp lý, bài học kinh nghiệm quốc tế vận dụng vào phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Theo ông Raymond Mallon, Cố vấn cao cấp Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam, hiện các tranh luận của giới chuyên gia vẫn mơ hồ về vai trò của nhà nước, sự thiếu sáng tạo, đổi mới trong phát triển kinh doanh, bên cạnh đó là sự tăng trưởng chậm đối với các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa và khu vực DN nói chung.

Đặc biệt, kinh tế tăng trưởng khá ở giai đoạn trước khủng hoảng tài chính toàn cầu dường như là lý do cho các nhóm lợi ích (như bộ phận các nhà quản lý có quan hệ với chính quyền, các quan chức có đặc quyền, những người thực thi quyền sở hữu DN nhà nước, các DN tư nhân có quan hệ với chính quyền) chống lại áp lực cải cách.

Việc tham gia các thỏa thuận hợp tác khu vực theo lộ trình sẽ giúp Việt Nam có thêm cơ hội mới để đẩy nhanh quá trình "bắt kịp" với các nước trong khu vực. Do đó, Việt Nam cần xây dựng thể chế kinh tế và môi trường kinh doanh thuận lợi phù hợp để thu hút đầu tư.

Theo ông Raymond Mallon, những nghiên cứu phát triển gần đây đã nhấn mạnh tới vai trò xây dựng "thể chế kinh tế bao dung" nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế công bằng và bền vững.

Bởi, các "thể chế kinh tế bao dung" đảm bảo thực thi quyền sở hữu, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và khuyến khích đầu tư vào các công nghệ, kỹ năng mới tạo nhiều thuận lợi cho phát triển kinh tế hơn so với các thể chế kinh tế tước đoạt được hình thành để khai thác tài nguyên xã hội bởi thiểu số.

Vấn đề này trở nên ngày càng quan trọng ở Việt Nam, khi các nhóm lợi ích đang ngày càng lớn mạnh và có nhiều ảnh hưởng. Nếu Việt Nam thiếu các "thể chế kinh tế bao dung", các DN và cá nhân có quan hệ gần gũi với giới chức chính trị sẽ có xu hướng tích tụ của cải một cách dễ dàng (do có đặc quyền tiếp cận vốn, đất đai và thị trường). Điều này góp phần vào sự bất bình đẳng và có thể dẫn đến bất ổn xã hội.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cải cách thể chế ở Việt Nam cần đề cập quyền giám sát của người dân trực tiếp và gián tiếp thông qua cơ quan dân cử đại điện, báo chí, hiệp hội, quyền được tiếp cận thông tin; trách nhiệm giải trình, quyền chất vấn, bãi miễn các chức danh được bổ nhiệm.

"Nếu Việt Nam không giải quyết được những vấn đề cơ bản này thì rất khó đạt được tiến bộ thực sự trong cải cách thể chế kinh tế, đồng thời không thể có cạnh tranh lành mạnh theo pháp luật, chênh lệch giàu nghèo tiếp tục mở rộng, ô nhiễm môi trường tăng lên..., sẽ gây ra thiệt hại lớn cho nền kinh tế và kìm hãm quá trình phát triển bền vững", ông Doanh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hướng tới "thể chế kinh tế bao dung"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO