![]() |
1.
![]() |
Ông Lê Quốc Phong (đeo cà vạt) giới thiệu sản phẩm mới của Bình Điền |
Tôi theo cha đi kháng chiến từ nhỏ, nhưng hơn mười năm sau, trở lại quê nhà, tôi vẫn còn nguyên vẹn những kỷ niệm ngày thơ ấu. Làng Mai Xá của tôi thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nằm ven biển miền Trung vốn nổi tiếng về cảnh đẹp. Ở đó có cồn nổi, có dòng sông xanh ngắt nằm vắt ngang giữa làng, vào những buổi trưa hè, đám trẻ con chúng tôi thường kéo nhau ra sông ngụp lặn, ngắm nhìn những chiếc đò xuôi ngược; hoặc đu mình dưới những tán cây đầm Hà Cộc thơ mộng, hay đuổi nhau chạy vòng quanh dưới những vòm tre làng xanh ngắt.
Song, ký ức đẹp nhất trong tôi vẫn là ngôi đình làng mà vào những ngày cúng đình, tôi vẫn cùng đám trẻ trang lứa ngồi chầu chực hàng giờ để được các cụ cho xôi và thịt heo luộc. Những ngày cúng đình, làng tôi vui như trẩy hội, không một nhà nào phải nấu cơm vì ai cũng được chia phần ăn. Những ngày xa quê, tôi nhớ đến cồn cào cái vị ngọt ngào của canh nấu bằng con chắt chắt, nhớ mái đình làng, nhớ tiếng ầu ơ trong khuya vắng và tiếng võng kẽo kẹt buổi trưa hè...
Quảng Trị bị bom đạn Mỹ tàn phá nặng nề, đến mức tre cũng không còn. Hòa bình trở về, tôi ngậm ngùi tiếc nuối ngôi đình làng đã tan hoang, cái chợ làng dù vẫn có người mua bán nhưng xiêu vẹo, thưa thớt. Với hai bàn tay trắng, người dân Quảng Trị sau chiến tranh phải lam lũ cày bừa, khốn khó chạy từng bữa ăn, phải chống chọi với cái nắng khô người trong gió lào khắc nghiệt và cái rét cắt da của mùa. Nhìn quê hương nghèo đói mà quặn thắt lòng, nhưng lúc đó, lực bất tòng tâm, tôi chưa biết phải làm gì để giúp đỡ bà con.
2.
Năm 1978, chiến tranh biên giới nổ ra, tôi tình nguyện ra chiến trường, sau khi hoàn thành nghĩa vụ thì xin về làm việc tại Công ty Phân bón Miền Nam. Một thời gian sau, tôi được phân công về tiếp quản Xí nghiệp Phân bón Bình Điền đang bên bờ vực phá sản. Vượt qua không biết bao khó khăn, chúng tôi đã vực được Bình Điền sống dậy, năm 1990 sản xuất được 17 ngàn tấn phân bón vi sinh, năm 1992 tăng thêm 30.000 tấn, doanh thu hơn 41 tỷ đồng. Và những năm sau, kết quả càng khả quan hơn.
Khi Bình Điền bắt đầu có chỗ đứng vững chắc trên thương trường, tôi lại trở về quê nhà, lòng vẫn trĩu nặng khi thấy cuộc sống của bà con chòm xóm vẫn chẳng đổi thay bao nhiêu. Cái giàu có duy nhất của quê tôi là chữ nghĩa, ai cũng mê học và rất nhiều người học giỏi, nhưng ngặt nỗi nghèo quá nên sự học của nhiều học sinh đành dang dở. Tôi từng chứng kiến một gia đình có con đậu đại học mà cả họ hàng hùn nhau vẫn không có đủ một triệu đồng cho cháu nhập học. Cũng vì “sự học” của con cái mà làng tôi còn được gắn thêm một tên gọi mới, đó là “Làng Vẫy”.
Chẳng là vào những sáng sớm, bất kể trời rét mướt, hàng chục phụ nữ đã chờ bên vệ đường vẫy xe máy xin đi nhờ lên thị xã Đông Hà buôn đồng nát, bán hàng rong để chắt bóp từng đồng gửi cho con ăn học.
Từ thực tế vừa buồn vừa đáng trân trọng đó, thôi thúc tôi lên chương trình hỗ trợ kinh phí dài hạn cho sinh viên người Quảng Trị và tham gia quỹ học bổng Tiếp sức đến trường. Sự thôi thúc đó còn bởi Nhà máy Phân bón Bình Điền có được như ngày hôm nay là nhờ nông dân, cán bộ kỹ thuật của nhà máy giỏi chuyên môn như hôm nay cũng nhờ sống cùng nông dân, cùng nông dân thí điểm từng loại phân bón Bình Điền trên cây trồng để từ đó có được những công thức sản xuất hoàn hảo nhất. Đỡ được chút vất vả cho con em nông dân là tôi đã trả ơn những người đã nuôi sống mình.
Nhưng ngẫm ra, làm như thế chẳng khác nào muối bỏ biển nên tôi nghĩ thêm cách khác. Quảng Trị cũng có nhiều doanh nhân thành đạt đang làm việc ở khắp cả nước nên chúng tôi vân động nhau thành lập Câu lạc bộ Nghĩa tình Quảng Trị để anh chị, cả những người quê nơi khác nhưng có lòng mến thương Quảng Trị cùng chung tay đóng góp. Vào mỗi mùa thi, mở báo ra, đọc chuyện em này đạp xe 100km đến trường thi, em kia nhịn đói đến ngất xỉu..., tôi rất sốt ruột.
Nhớ lại bản thân mình cũng từng đi bộ 10 km đến trường, vừa đi vừa bỏ mối quần áo để kiếm tiền mua sách bút, rồi những bữa chỉ có nắm ngô rang bỏ bụng, tôi càng muốn giúp các em đồng cảnh, để các em có thể đi nhanh hơn đến ước mơ. Để có thêm kinh phí, năm ngoái tôi đã tổ chức thêm giải golf và tiền thu được đã tiếp sức cho nhiều sinh viên ở Việt Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay, tôi cố gắng vận động anh em bạn bè, đối tác để trao học bổng cho sinh viên nghèo ở sáu tỉnh Tây Bắc và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
3.
Giúp con em quê mình đến trường, đó mới chỉ là một phần tâm nguyện của tôi, một trăn trở nữa là làm sao cho bà con quê mình có việc làm với thu nhập ổn định. Dẫu biết xây dựng nhà máy phân bón ở Quảng Trị có nhiều bất lợi, như việc vận chuyển nguyên liệu quá xa, nhưng tôi vẫn quyết định tiếp quản nhà máy sản xuất phân bón NPK của Công ty Đông Trường Sơn và đầu tư 30 tỷ đồng mở rộng các dây chuyền sản xuất các loại phân bón NPK tại đây. Hiện nhà máy đã giải quyết việc làm cho gần 200 lao động tại quê nhà và cung cấp phân bón cho các tỉnh miền Trung.
Nhà máy làm ăn phát đạt, giúp đỡ được một phần cho quê nhà, nhiều lúc tôi như một nông dân sau mỗi vụ mùa, thanh thản ngân nga bài hát “Hương bùn” do mình sáng tác để tri ân nơi mình sinh ra, để tri ân bà con cô bác chân lấm tay bùn. Chính “mùi hương bình dị mà thân thương, chỉ một mùi hương đi xa gây nỗi nhớ” ấy là một phần hồn của đời tôi.