Hồng rực làng sen

PHƯƠNG HÀ| 24/07/2017 00:34

Từ xa bỗng thấy làng Phương Sơn hồng rực trong nắng chiều hè. Với tôi, đó là "chuyện lạ”. Lạ bởi...

Hồng rực làng sen

Từ xa bỗng thấy làng Phương  Sơn hồng rực trong nắng chiều hè. Với tôi, đó là "chuyện lạ”. Lạ bởi những năm trước, mỗi lần về làng, tôi chỉ thấy màu xanh của lúa đương thì hay màu vàng của lúa mùa gặt. 

Đọc E-paper

Càng lạ hơn, giữa không gian thoáng đãng của miền quê cứ thoang thoảng mùi hương nồng nàn. Thì ra cái màu hồng rực ấy, cái mùi hương nồng nàn ấy là từ những đồng sen đang trong thời kỳ cho hạt.

Đồng sen làng Phương Sơn mùa thu hoạch

Đã nhiều năm, hôm nay tôi mới lại được ngồi giữa sân nhà, dưới trăng rằm tháng 6 át ánh sáng điện. Kêu anh kêu chú theo thứ bậc bà con, nhưng tôi là người lớn tuổi nhất trong cuộc sum vầy với mấy dân làng.

Làng Phương Sơn chưa bị bê tông hóa quá mức nên hai bên ngõ xóm vẫn nở tím hoa chua me đất, vườn nhà vẫn bò lan những đốt rau má. Chua me đất nấu canh cá rô bắt trong ruộng sen, rau má tự mọc, tự lớn là hai món nhậu không thể kiếm được ở thành phố, dù ở Sài Gòn, nơi nổi tiếng hai ba giờ sáng muốn thứ gì cũng có.

Đêm, hoa sen tạm khép cánh để chờ mặt trời ló dạng là bung nở, vậy mà sao càng về khuya, hương sen càng phảng phất. Có lẽ làng Phương Sơn đã được ướp hương suốt mùa sen nở, sen kết hạt.

Chuyện trò xoay quanh sự tò mò vốn có của một người viết báo chuyên nghiệp. Tôi quả là "quan liêu", bởi gần cuối xuân hai năm trước, tôi ghé qua làng trong chuyến đi chụp ảnh Bình - Trị - Thiên nhưng không hề có khái niệm quê hương mình đã có một đặc sản là sen.

Lúc ấy, ngay cả ruộng nhất (ruộng loại 1, còn gọi là ruộng sâu) chỉ thấy cạn nước, lơ thơ những cây thủy sinh. Cũng chẳng ai nói với tôi làng mình bây giờ đã là "làng sen".

Tôi đâu có biết, dưới đáy ruộng nhất và những thửa ruộng bên những con rạch, những mầm sen bắt đầu cựa quậy để cuối xuân đầu hè, chỉ trong vài ba ngày là đội bùn xòe nở những lá non phơn phớt trắng trải đều trên mặt nước. Khi sen chuẩn bị ra hoa, những chiếc lá ấy nhấc bổng mình lên cao, xanh thẩm, gọi là lá dù, để tăng độ quang hợp.

Mãi đến bây giờ tôi mới biết, 15 năm trước, người đầu tiên đem sen về trồng trên đồng làng là chú Trần Lô - một người bà con, mấy chục năm làm chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp của làng.

Chú Lô kể, từ thuở lập làng hơn 700 năm trước, làng Phương Sơn chỉ có cây lúa, cây khoai lang. Sau cuộc chiến tranh giữ nước lần thứ hai, cũng như nhiều làng kháng chiến khác của huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, làng Phương Sơn không còn một ngôi nhà, bao trùm khắp làng là cỏ dại, dưới đất dày đặc bom mìn.

Mấy chục năm vừa rà phá bom mìn, vừa dọn cỏ dựng nhà tạm rồi nhà kiên cố, dù làm lụng vất vả mà chẳng có gia đình nào khá giả. Làm chủ nhiệm hợp tác xã, chú Lô trăn trở, nếu độc canh cây lúa thì bà con chỉ đủ ăn đủ mặc, nhưng diện tích tự nhiên của làng chưa đầy 300 hécta, đất ruộng chia cho đầu người chỉ 750 mét vuông, biết trồng cây gì, nuôi con gì để tăng thu nhập?

Gia đình chú Lô đã tiên phong trồng nấm rơm nhưng không mấy nhà làm theo, bởi không phải ai cũng đủ điều kiện, dù tiền kiếm được cao hơn nhiều so với làm lúa. Một hôm chú Lô chợt nghĩ, thi thoảng nhà nấu chè hạt sen mua từ Huế.

Có người mua hạt sen tức có người trồng sen. Biết đồng làng có nhiều ruộng trũng thích hợp với cây sen, chú Lô tìm mua giống sen hồng cho năng suất và chất lượng cao nhất, trồng thử 2.000 mét vuông ruộng đấu giá của làng, năm đầu lãi 10 triệu đồng. Thời giá lúc đó, 10 triệu đồng đã là khoản tiền không nhỏ.

Không cần vận động, nhiều nhà thấy ông chủ nhiệm trồng sen có ăn, đã đấu thầu ruộng công của làng với thời gian 10 năm, giá mỗi hécta một năm 6 triệu đồng, hay cải tạo ruộng được chia để trồng sen. Cứ thế, sen lấn dần cây lúa, một năm 6 tháng, nhất là mùa thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 9, hoa sen hồng rực cánh đồng, đài sen vun cao từng sân nhà, cả làng rộn rả bóc hạt sen để kịp cung cấp cho thị trường luôn khát hàng.

Những người làng sum vầy cùng tôi - một người con tập kết ra Bắc lúc 9 tuổi, sau Hiệp định Paris 1954 chia cắt đất nước thành hai miền Nam Bắc, thi thoảng mới về thăm quê,  ngồi bên mâm xôi gạo nếp nấu hạt sen tươi tính toán hiệu quả của việc trồng sen, nuôi vịt đàn, nuôi heo công nghiệp.

Chủ nhiệm hợp tác xã Trần Văn Sáu - một người trồng khá nhiều sen, khẳng định, một mùa sen 6 tháng, mỗi hécta cho 3,5 tấn hạt, bóc vỏ sẽ có 1,8 tấn nhân tươi, bán được 100 triệu đồng, trừ chi phí thuê ruộng khoán, công xá, lãi trên dưới 60 triệu đồng. Vùng quê, bấy nhiêu tiền có thể nuôi con học đại học, cộng với làm lúa, chăn nuôi nhỏ, năm bảy năm có thể xây một căn nhà khang trang.

Đàn vịt của anh nông dân Trần Quang Vinh

Nếu bắt đầu gầy dựng ruộng sen thì phải có cây giống gồm một đoạn thân có ba lá. Nền ruộng và mực nước thích hợp, sen phát triển rất nhanh, cũng rất nhanh cho hoa và kết trái.

Hết mùa thu hoạch, sen lặng lẽ ẩn mình trong bùn, trong nước chờ mùa sau. Dân làng Phương Sơn giờ mới biết có loại cây "trồng một lần ăn ba năm" như cây sen. Tức trồng một lần, thu hoạch ba năm sen mới cỗi, mới phải trồng lại và mới phải bón phân. Dân làng Phương Sơn chỉ bón phân hữu cơ vi sinh cho sen, vừa để có hạt sen sạch thị trường ưa chuộng, vừa để mỗi vụ một hécta còn có thêm ít nhất 300 kilôgam cá các loại. 

Nghe những nông dân mở lòng, tôi lại nghĩ, hiệu quả của việc chú Trần Lô đem cây sen về trồng trên ruộng làng, ngoài cho thu nhập cao, còn mở ra một hướng làm ăn mới, trả lời được câu hỏi trồng cây gì, nuôi con gì để thoát khỏi độc canh cây lúa, mở hướng làm giàu.

Không những thế, làm theo làng Phương Sơn, lấy giống sen từ làng Phương Sơn, mấy năm nay, các làng, các xã lân cận cũng đã trồng hàng trăm hécta sen ở đồng trũng, ruộng sâu, có nhà còn chuyển ruộng lúa được chia sang trồng sen.

Mùa sen đã đem lại việc làm thêm cho mọi người trong làng. Người không có sen thì được thuê hái đài sen nửa ngày công giá 200 ngàn đồng, mấy tháng hè sinh viên của làng không còn phải ở lại nơi trọ học để làm thêm mà về quê cùng đàn em học trò bóc hạt sen tươi, mỗi ngày có thể kiếm 100 ngàn đồng. Có thể nói mùa sen là mùa vui nhất, mùa làm ra nhiều tiền nhất của làng Phương Sơn.

Thao thức với làng quê giữa đêm trăng thoang thoảng hương sen, tôi lại thêm một ngạc nhiên: không có nhà nào phải đóng cửa khi ngủ, xe máy đắt tiền vẫn để giữa sân. Không những làng tôi mà cả xã Triệu Sơn không có người nghiện ma túy, không có trộm cắp, không có quán xá dập dìu em út câu khách.

Trong nhiều nguyên nhân, phải chăng có nguyên nhân người dân đã có công ăn việc làm ổn định, hai phần ba số hộ có con học đại học, hộ nghèo rất ít, có chăng là người già neo đơn. Nông thôn, lại là vùng kháng chiến, nay điện đã thắp sáng từng ngõ xóm, hầu hết là nhà xây, nhà tầng, nhưng nhờ quen nếp sống giản dị giữa lòng thiên nhiên, làng Phương Sơn rất khó bị đô thị hóa. Với tôi đó là điều rất đáng mừng.

Nghĩ đến dân làng đã bước đầu biết "làm ăn lớn", tôi lại cảm phục chú Trần Lô, cảm phục anh nông dân Lê Hào dám đầu tư trồng đến 5 hécta sen hồng, cảm phục anh nông dân Trần Quang Vinh nhiều năm qua nuôi đến một vạn con vịt mỗi lứa, dù năm nay do giá quá thấp, lỗ đến 600 triệu đồng vẫn vui vẻ chấp nhận "lúc được bù lúc mất"...

>Mùa sen nở sớm

>Duyên nợ với sen

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồng rực làng sen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO