Hồi hương lính thợ Đông Dương

ĐOÀN HỒNG LÊ| 14/01/2018 08:12

Khi xem những thước phim anh Lê Hoàn Nam quay về chuyến đi Pháp tìm ông nội, tôi không nén nổi xúc động về những phận người bị lãng quên. Tôi nói với anh, chuyện này đáng được kể với mọi người, và giờ tôi thay mặt anh, xin kể...

Hồi hương lính thợ Đông Dương

Thị trấn La Voulte (Pháp)

Ông Lê Cao Phương là đại tá về hưu, hiện sống ở Hà Nội. Tôi tình cờ gặp ông khi ông đến thăm cha tôi. Họ vốn là bạn chiến đấu cùng chiến trường Khu V trước năm 1975. Từ đó ông dẫn dắt chúng tôi vào một hành trình vô cùng kỳ lạ, ấy là tìm kiếm những người lính thợ Đông Dương mà nhà nước thuộc địa Pháp đã đưa họ đi phục vụ nhiều nơi trên thế giới, tin tức thất lạc, thân thể trôi lạc đất người, và con cháu đau đáu nỗi niềm chưa tìm được để đưa về quê hương.

Những người lính thợ là một phần lịch sử rất nhỏ trong số phận hàng chục ngàn người thất lạc thân thế trong thế chiến thứ hai ở xứ thuộc địa Đông Dương này. Và chúng tôi không thể ngờ bác Phương, bạn của cha mình có một gia đình kỳ lạ như vậy, đau đớn như vậy!

Ông Phương sinh năm 1930 ở làng Thi Thại, Duy Xuyên, Quảng Nam. Cha ông là Lê Cao Phan, biết chữ Hán và chữ Quốc ngữ, đi lính khố xanh cho nhà nước thuộc địa Pháp. Nhờ có chữ nghĩa, ông Phan được Tây đào tạo vài tháng về nghề xây dựng rồi làm đốc công tại các công trình xây dựng của Pháp ở Đà Lạt và Bà Nà.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Pháp cần rất nhiều nhân công phục vụ chiến tranh, 20.000 người Đông Dương đã lần lượt bị đưa xuống tàu sang Pháp, họ được gọi là lính thợ. Năm 1939, ông Phan lúc đó đã đến tuổi về hưu, cũng đã xuống một chiếc tàu như thế.

Ông đã có nửa năm làm công việc giã và nhồi thuốc súng phục vụ quân Đồng minh trong cuộc chiến chống phát xít, và giám sát các lính thợ khác. Sau đó ông được đưa đến xây dựng thị trấn La Vulte ở vùng Rhône, nơi có ngành công nghiệp dệt. Năm 1943, gia đình ở Việt Nam nhận được một khoản tiền lương của ông từ Pháp gửi về, sau đó biệt tăm.

Từ khi ông Lê Cao Phan ra đi, gia đình gồm vợ và 11 đứa con rơi vào cảnh khốn khó và bắt đầu ly tán. Năm đó ông Lê Cao Phương mới 9 tuổi, đang từ đứa bé được nuôi dưỡng trong gia đình êm ấm, được học hành, phải chuyển đến sống với bà ngoại, rồi đi ở đợ cho nhà người.

Hiền lành, chăm chỉ, gia đình ông ở đợ vốn là một cán bộ Việt minh đã yêu thương ông, đưa ông gia nhập thiếu sinh quân năm 15 tuổi. Đến 1954, ông tập kết ra Bắc và sau đó vào chiến đấu tại chiến trường Khu V, rồi về hưu với quân hàm đại tá.

Đối với ông Phương, sự ra đi của người cha mãi mãi là một bí ẩn: Cha ra đi vì bị bắt hay tình nguyện xuống tàu sang Pháp để thỏa chí tang bồng mà đành bỏ lại 11 đứa con không nơi dựa dẫm ở vùng quê thời chiến tranh? Về mặt đạo lý, ông mong muốn tìm kiếm cha mình mà có lẽ đã chết, để đưa về quê an táng.

Anh Lê Hoàn Nam gọi ông Phương bằng chú ruột, anh Nam là cháu đích tôn của cụ Lê Cao Phan. Cha anh tập kết, anh sinh trên đất Bắc, và được đặt tên Hoàn Nam, nghĩa là "trở lại miền Nam". Lớn lên trong cảnh nhớ thương quê hương miền Nam tha thiết của cha mẹ, anh nói rằng năm 1975, khi 18 tuổi, vừa qua vĩ tuyến 17, anh đã có cảm giác thiêng liêng máu thịt. Chính điều đó dẫn dắt anh tìm kiếm lịch sử dòng tộc, và đặc biệt, về ông nội Lê Cao Phan mà sự ra đi vẫn còn là bí ẩn.

[Caption]

Poster phim Tài liệu Công Binh - Đêm Dài Đông Dương

Năm 2016, đạo diễn Việt kiều Lê Lâm chiếu bộ phim Công binh - Đêm dài Đông Dương ở Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội. Từ Đà Nẵng anh ra xem và đã phát biểu về việc đang nỗ lực tìm mộ ông nội, gây xúc động cho khán giả. Anh nghiên cứu lịch sử nước Pháp từ nhiều thế kỷ trước cho đến thời hiện đại để tìm ra những vùng công nghiệp dệt vào năm 1939, từ những vùng này khoanh dần các địa danh để xác định "La-vin" chính là thị trấn La Vulte nằm dưới chân dãy núi Alpes.

Anh lại tìm hiểu lịch sử thị trấn, từ thời kỳ khai thác khoáng sản đến sau này là phát triển công nghiệp dệt, và lần đến nghĩa trang của thị trấn. Bằng google map, anh lần tìm từng ngôi mộ cho đến lúc tìm được một nhóm 10 ngôi mộ người Đông Dương, và cuối cùng, trên một tấm bia hiện lên dòng chữ "Thượng sĩ Lê Cao Phan - quê quán Thi Thại, Faifo, mất năm 1943".

Gia đình bán căn nhà lớn, chuyển sang căn nhà nhỏ để anh có tiền cho chuyến đi Pháp. Với sự giúp đỡ của cơ quan ngoại giao Pháp, anh đã được thị trưởng La Vulte tiếp đón cùng sự trợ giúp của vài người là con cháu lính thợ xưa tại Pháp. Một chuyến đi đầy xúc động vì tình người. Cái ngày đoàn người tìm đến nghĩa trang thị trấn La Vulte, anh Nam tách ra đi trước, khi đoàn đến đã nhìn thấy anh ngồi khóc bên mộ ông nội, mọi người đều rơi nước mắt.

Trên tấm bia chung của khu mộ người Đông Dương có dòng chữ mà người Pháp đã tạc lên: "Nhân dân La Vulte biết ơn những công binh Việt Nam đã đóng góp công sức xây dựng thị trấn từ những ngày đầu", và trên mỗi ngôi mộ đều có hoa tươi.

Ngày 17/7/2017, tờ báo vùng Ardèche có một bài viết, trong đó có đoạn "Ông Bernard Brottes, thị trưởng thị trấn La Voulte đã đón tiếp hai cháu nội của cụ Lê Cao Phan và tuyên bố: "Chúng tôi rất vui được đón tiếp anh chị ngày hôm nay. Thị trấn La Voulte đã đối xử bình đẳng với tất cả những người Đông Dương được chôn ở nghĩa trang. Chúng tôi rất hân hạnh được trao lại thi hài của ông nội cho anh chị".

Câu chuyện ấy đã khiến người dân thị trấn La Voulte xúc động vì khám phá ra mối liên hệ với Đông Dương mà xưa nay không ai ngờ đến, nhắc nhở họ về sự kiện bùn đổ từ trên núi xuống chôn vùi dãy nhà lính thợ Đông Dương ở vào năm 1945. Không ai ngờ ở rất xa nước Pháp vẫn còn những gia đình của lính thợ đau đáu tìm kiếm cha ông họ. Từ nay, người dân thị trấn sẽ không còn nhìn những ngôi mộ đó một cách xa lạ nữa".

IMG-9838-2574-1515474295.jpg

Cách nay vài tháng, anh Nam đã đưa được bình tro cốt của cụ Phan trở về quê nhà Duy Xuyên sau gần một thế kỷ lưu lạc, điều mà cả dòng họ anh không ai tin là có thể làm nổi. Trước khi anh rời nước Pháp, một vài người bạn Pháp đã đặt vào chiếc quách, bên tro cốt cụ Phan những bông hoa oải hương ngát thơm để tiễn biệt. Anh Nam nói rằng, hành trình tìm mộ cụ Phan là một hành trình vì đạo lý và cả vì công lý.

Khi thấy ngoài mộ ông nội, trong nghĩa trang còn có chín ngôi mộ khác của những lính thợ cùng làm việc mà nay không ai hương khói, anh Nam có tâm nguyện sẽ đi tìm con cháu của họ để thông báo về nơi chôn cất này. Anh đã tìm được gần hết. Tôi đã cùng đi với anh đến gặp Phạm T. - cháu đích tôn của cụ Phạm Ích. Anh T. và em trai khóc rưng rức khi nhìn thấy tấm ảnh mộ ông nội ở Pháp do anh Nam chụp.

Năm 1985, có người đi lính thợ từ Pháp về cho biết, ông nội anh T. đã chết trong trận lở đất năm 1945 ở thị trấn La Vulte. Anh T. kể: "Lúc đó cha tôi dạy trường Nguyễn Ái Quốc, sợ lý lịch bị ảnh hưởng nên không dám nhắc đến người cha làm lính thợ cho Tây". Cha anh đã qua đời ba năm sau đó, dù ước ao đưa được mộ ông nội anh về cố quốc cũng phải đau đớn nhắm mắt mà coi quá khứ đó là một chương cần phải lãng quên trong lịch sử gia đình.

Nhưng rồi đến hôm nay, chương sử đau thương đó đã được lật lại một cách công bằng. Tấm bia trước phần mộ những người lính thợ Đông Dương trong nghĩa trang La Vulte ghi: "Nhân dân La Vulte biết ơn những công binh Việt Nam đã đóng góp công sức xây dựng thị trấn từ những ngày đầu". Những người lính công binh Việt Nam đã đóng góp công sức trong cuộc chiến chống phát xít Đức và xây dựng hòa bình sau đó. Họ xứng đáng được nước Pháp vinh danh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hồi hương lính thợ Đông Dương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO