Hành động nhanh hơn nữa!

PHAN LÊ| 04/10/2012 05:56

Nhu cầu tiêu thụ lương thực ngày càng cao, diện tích canh tác không được mở rộng đang trở thành mối đe dọa gây bất ổn cho tình hình an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới.

Hành động nhanh hơn nữa!

Nhu cầu tiêu thụ lương thực ngày càng cao, diện tích canh tác không được mở rộng đang trở thành mối đe dọa gây bất ổn cho tình hình an ninh lương thực (ANLT) của Việt Nam trong thời gian tới.

Đọc E-paper

Ảnh: Lê Hưng

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, giai đoạn năm 2000-2010, mỗi năm có khoảng 27.000ha đất nông nghiệp bị thu hẹp do canh tác chưa hợp lý, suy thoái đất, xâm nhập mặn vùng cửa sông.

“Theo kịch bản biến đổi khí hậu, nếu mực nước biển dâng thêm 1 mét, Việt Nam sẽ mất khoảng 30% diện tích đất, nghĩa là sẽ mất hơn 15 triệu tấn thóc. Đồng thời, quá trình đô thị hóa ngày càng gia tăng cũng góp phần làm suy giảm diện tích đất đai sản xuất”, ông Đào Quốc Luận, Vụ phó Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhấn mạnh.

Theo ông Luận, dù đang là quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới với hơn 7 triệu tấn/năm, nhưng Việt Nam cũng rất khó vì còn đứng trước nhiều thách thức lớn về ANLT. Trong đó, có yếu tố gia tăng nhu cầu tiêu thụ lương thực.

Phát biểu tại diễn đàn “An ninh lương thực” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tập đoàn Dupont (Mỹ) tổ chức ngày 21/9 tại TP.HCM, GS-TS. Võ Tòng Xuân cũng cho biết, có hơn 70% giống lúa do cơ quan khoa học miền Bắc phát triển là nhập từ Trung Quốc, cũng đã tạo ra những ảnh hưởng đến ANLT trong khu vực.

Hơn nữa, nguồn nước cũng góp phần tác động mạnh. Hiện, nguồn nước sạch cho sản xuất của Việt Nam bị ảnh hưởng từ thượng nguồn bởi các đập chắn nước trên sông Mê Kông làm mùa khô nước bị nhiễm mặn, phèn; mùa mưa liên tục xảy ra lũ.

Các quốc gia lân cận như Lào đang xúc tiến phát triển vùng lúa Đông Xuân, Trung Quốc tập trung sản xuất lúa cao sản, Campuchia tiến tới hơn 1 triệu tấn lúa xuất khẩu, đưa nguy cơ nguồn nước bị can thiệp mạnh.

Do đó “vấn đề là phải làm sao để có sự đồng thuận giữa 4 quốc gia trong việc sử dụng nguồn nước sông Mê Kông, điều này không dễ. Bởi thực tế, các nước cũng đã ngồi lại bàn với nhau nhưng khi về thì mạnh ai nấy làm. Vì vậy, cần có cái nhìn, hành động cụ thể để tính toán việc sử dụng nguồn nước”, GS. Võ Tòng Xuân khuyến cáo.

Theo các chuyên gia về ANLT, ngoài chuyện cố gắng đảm bảo diện tích canh tác thì việc tìm kiếm đầu ra ổn định cho phát triển nông nghiệp rất quan trọng, đặc biệt đối với lúa gạo.

Hiện tại, nhiều tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng bắt đầu tập trung phát triển theo quy mô cánh đồng mẫu lớn, mô hình này đang được nhân rộng trên địa bàn cả nước để có thể nâng cao chất lượng cũng như giá trị cho lúa gạo Việt Nam.

Song, đến nay đầu ra của sản phẩm này vẫn chưa được ổn định bởi ít doanh nghiệp chuyên thu mua, xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài với lý do không có kho bãi chứa hàng. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy xoay vòng, góp phần làm ANLT quốc gia luôn trong tình trạng bất ổn.

Thực tế, lãnh đạo ngành nông nghiệp Việt Nam và các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cũng khẳng định chìa khóa để Việt Nam đảm bảo ANLT và phát triển bền vững trong tương lai là phải dựa trên yếu tố khoa học và công nghệ, tìm giải pháp giảm thiểu mối nguy về ANLT hơn là nhắm vào phát triển diện tích đất canh tác.

Ông Lê Thành Ân, Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM, cho rằng, để hệ thống cung cấp lương thực toàn cầu ổn định hơn, phải đưa nhanh các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ sau thu hoạch vào quy trình sản xuất nhằm đáp ứng kịp nhu cầu của đà tăng trưởng nhu cầu lương thực trên thế giới.

Theo ông Ân, Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục làm việc với Việt Nam để chuyển giao các công nghệ và đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy mối quan hệ của hai nước.

Ông Vũ Ngọc Tiến, Phó đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, chia sẻ, sự đóng góp của các thành phần ngoài nhà nước rất quan trọng, họ đã tạo ra nhiều kỳ tích cho sự tăng trưởng của ngành. Thế nên, ngoài việc tập trung phát triển chuỗi giá trị, cũng cần xem xét sự hợp tác giữa các thành phần này trong việc đảm bảo ANLT.

Đồng thời, cần nêu rõ vai trò của Nhà nước, nông dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc đảm bảo ANLT quốc gia. Quan điểm chung là vậy, song bàn về ANLT mà chỉ dừng ở mức đề án, chương trình sẽ rất khó đến đích, vấn đề là cần phải kêu gọi thêm nhiều tổ chức cùng tiến hành thực hiện, đây mới là giải pháp hiệu quả hơn hết.

Bà Farra Siregar, Tổng giám đốc Dupont Việt Nam cũng nhận định: “Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nhà xuất khẩu gạo quan trọng của thế giới. Việt Nam đang đi đúng hướng, nhưng vấn đề cần quan tâm hơn nữa là giá cả phải chăng sẽ là chìa khóa quan trọng trong đảm bảo ANLT. Vì vậy cần ứng dụng khoa học để nâng cao sản lượng, tăng giá trị dinh dưỡng, có giải pháp cho bảo quản lương thực cũng như bao bì sản phẩm".

Hiện, DuPont cam kết dành 60% trong tổng số ngân sách nghiên cứu và phát triển toàn cầu cho các nghiên cứu đổi mới trong nông nghiệp và thực phẩm, nhằm nâng cao chất lượng và sản lượng lương thực cho thế giới. Riêng hoạt động R&D, tập đoàn này cũng chi ra khoảng 2.000 tỷ USD/năm, và lĩnh vực thực phẩm chiếm 62% (khoảng 1.200 tỷ USD/năm).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hành động nhanh hơn nữa!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO