Hà Nội gốc

HỒNG BÍCH| 08/10/2016 06:27

Văn hóa phố cổ chính là lối sống đẹp, sang trọng từ từng hành vi nhỏ.

Hà Nội gốc

Cách đây ít ngày, CNN phát lại đoạn phim ẩm thực Hà Nội với nhân vật chính là Tổng thống Mỹ Obama và đầu bếp nổi tiếng trên sóng truyền hình Anthony Bourdain.  

Đọc E-paper

Đây là lần thứ hai ông Anthony Bourdain kể chuyện ẩm thực Việt Nam. Lần trước ông giới thiệu về Huế cùng ẩm thực dân gian và cung đình, chỉn chu trong từng chi tiết. Lần này Hà Nội có hơi khác trong mắt đầu bếp Mỹ. Ekip của ông tái hiện một Hà Nội chân thực hơn.

Dẫu vẫn nhìn thấy mỗi ngày, rồi một hôm có dịp đi xa hơn ba mươi sáu phố phường, bỗng giật mình khi xem lại Hà Nội trong mắt ông đầu bếp nổi tiếng.

Một Hà Nội sao ken đặc những người là người. Tôi từng nghe đất phố cổ Hà Nội một mét vuông có giá lên đến năm, bảy chục triệu đồng trong những cuộc giải tỏa đền bù "đất vàng", hoặc những ngôi nhà có vị trí đẹp trong phố cổ. Nhưng phải nói những gì thấy từ máy quay của ông đầu bếp kia khiến có cảm giác sợ hãi cái sự chen chúc sinh sống trên từng mét vuông phố cổ như thế.

Biết Hà Nội còn có những con phố mang phong cách Pháp nay tập trung những tòa nhà của Chính phủ hoặc ngoại giao, những nhà hàng tuyệt đẹp. Nhưng ai đến Hà Nội cũng phải vào phố cổ một tí, dọc ngang những con phố Hàng Bè, Hàng Gai, Hàng Thùng để được một lần nhìn thấy cuộc sống thật. Một cảm giác châu Á đối với du khách nước ngoài?

Những dòng nước đổ ra vỉa hè từ chậu rửa bát của bà bán bún chả, đang ngửa mặt ngắm lụa ở phố Hàng Bông bỗng giật nảy người vì va phải nồi nước dùng bốc khói thơm lừng của hàng bún riêu gánh. Người người cắm cúi ăn, mặc kệ nắp cống ngay gần đó, xe máy, bụi bặm, tiếng người xoe xóe nói như cãi nhau. Thỉnh thoảng có thanh tra giao thông đến, cả phố rùng lên chạy, người ngồi lại cầm tô bún thản nhiên ăn. Công an phạt người bán chứ ai làm gì người ăn.

Nhưng tôi không phải du khách. Tôi là người phố cổ, sinh ra và lớn lên trong một con phố thanh bình với những ngôi nhà nhỏ và hàng xà cừ cổ thụ đẹp, hưởng thụ nền giáo dục tiểu học và trung học cơ sở ở đây, thời gian đủ để hình thành dấu ấn cơ bản của tính cách. Nhưng với tôi, văn hóa phố cổ chính là lối sống đẹp, sang trọng từ từng hành vi nhỏ.

Chỉ là một thời gian dài đã đi xa, giờ nhìn phố cổ như khách phương xa nhìn vào một vùng đất nửa quen nửa lạ. Lúc này dễ thấy cái đẹp mình từng nâng niu lại càng thêm quý nếu vẫn tồn tại, dẫu mong manh giữa phố phường xôn xao.

Một đêm giao thừa nọ, tôi rẽ vào chùa Bà Đá thắp nén hương đầu năm. Hàng trăm người ở đó, đi rất nhẹ và im lặng như tờ. Không một ai chạm vào nhau, ung dung chờ đợi thời khắc linh thiêng để có thể thốt lên lời khấn nguyện. Lúc ấy trong tôi chợt cảm nhận trở lại người Hà Nội đó chứ đâu nữa. Cái vẻ ung dung, nhẹ nhàng đó, sự tao nhã đó là của người Hà Nội xưa trong đêm giao thừa.

Nhìn qua cánh cửa khép hờ, bình hoa lay ơn 5 cành trắng phối cùng năm cành đỏ cũng chính là cách cắm hoa của người Hà Nội xưa. Nó như không liên quan gì đến cảnh người đang sống ở Hà Nội ăn uống trên vỉa hè trong tiếng ồn khủng khiếp của nền văn minh xe máy. Nhớ ngày xưa, bố mẹ dạy, rồi qua cách ứng xử của hàng xóm láng giềng cũng học được biết bao điều hay.

Nào là con gái không được ngồi ăn vặt ngoài đường, không ăn những thức nặng mùi như mắm tôm, "tiếng chào cao hơn mâm cỗ”... Nay nhìn cuộc sống ở phố cổ đi, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy nực cười khi một chàng trai trẻ lái chiếc xe tiền tỷ đậu xịch một cái trước một hàng bán áo mưa, xăng lẻ. Anh chàng đi dép lê trong nhà, quần cộc, ve vẩy cái chìa khóa xe, sà xuống vỉa hè ăn bún ốc. Anh ta cũng mặc kệ tiếng càu nhàu của bà bán áo mưa bị cái xe chắn trước cửa hàng. Không đậu ở đấy thì đậu ở đâu để ăn bát bún ốc nổi tiếng này. Có lẽ anh ta nghĩ vậy.

Nói thật, nhìn cảnh ấy, tôi thấy chán Hà Nội quá!

>Để cuộc sống không chật hẹp, tù túng

>Học cách lựa chọn cuộc sống

>Cà phê phố cổ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hà Nội gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO