GS. Phan Văn Trường: "Tin vào tư chất Việt"

LÂM LẠC (ghi)| 06/02/2017 00:40

Theo một thống kê của Liên Hiệp Quốc, người Việt có mặt rải rác ở 92 quốc gia, vùng lãnh thổ, tức một nửa địa cầu...

GS. Phan Văn Trường:

LTS: Sau hơn 40 năm ở nước ngoài, làm việc cho nhiều tập đoàn lớn, chuyên gia đàm phán quốc tế GS. Phan Văn Trường trở về Việt Nam làm việc. Ông có cái nhìn thú vị về sự thành công của người Việt qua những cuộc di cư khắp thế giới, qua sức sáng tạo lẫn tâm thế Việt trong thế giới phẳng ngày nay.

Đọc E-paper

Theo một thống kê của Liên Hiệp Quốc, người Việt có mặt rải rác ở 92 quốc gia, vùng lãnh thổ, tức một nửa địa cầu. Di cư đến một vùng đất mới là chuyện quá quen thuộc với người Việt qua nhiều thế hệ. Đó có thể là một cuộc khẩn hoang tìm đất hứa, do muốn thay đổi nếp sống, trốn chạy thiên nhiên hà khắc, hoặc thoát khỏi những biến động thời cuộc...

Văn hóa là nền tảng

Thống kê đó còn nhìn nhận người Việt là dân tộc hiếm hoi thành công ngay từ thế hệ đầu sau khi di cư. Một dân tộc xuất sắc khác là người Hoa, với nhiều may mắn hơn chúng ta: ra đi trong cảnh êm đềm, vốn liếng dồi dào, chuẩn bị kỹ lưỡng, gia đình đoàn tụ v.v..., nhưng phải cần đến ba thế hệ mới thành công, trong khi người Việt chúng ta chỉ cần một thế hệ, nếu không muốn nói nửa thế hệ.

Đó là điều tự hào đến sửng sốt! Ngay cả 92 nước sở tại, nơi mà người Việt chúng ta đã an cư, đều nhìn nhận điều đó. Khả năng thích ứng của người Việt ít ai có được. Người Việt hòa nhập và tiếp nhận cái mới ở nước sở tại rất tốt, dù vẫn có xu hướng sống quần tụ thành những cộng đồng giống người Hoa.

Người Việt có nhu cầu vươn lên dựa vào học vấn. Công việc đầu tiên khi đặt chân đến vùng đất mới là tìm ngay cho con cái một môi trường học tập tốt. Người Hoa, người Mã, người Phi thường chú trọng tạo lập sự ổn định ban đầu thông qua kinh doanh, từ nhỏ đến lớn. Người Hoa dành thế hệ đầu để tạo lập, thế hệ thứ hai để củng cố vững chắc và thế hệ thứ ba để đi lên.

Những bậc cha mẹ Việt lại ổn định sự học trước, điều đó cho thấy sự chú trọng và cái nhìn chính xác về "kinh tế tri thức" làm nền tảng trước khi có "tư duy làm chủ”.

Hơn 40 năm sống ở nước ngoài, tôi không khó để nhìn thấy sự đánh giá cao của những cộng đồng khác về "tư chất người Việt". Tôi cũng nghe thấy những than vãn về nguy cơ tụt hậu. Song tụt hậu là do thiếu đào tạo, thiếu môi trường phát triển chứ không do tư chất của người Việt kém cỏi.

Chúng ta vẫn thường xuyên thấy những thông tin về đóng góp, nghiên cứu của người Việt trong các lĩnh vực, những gương mặt trẻ thành công nắm giữ những chức vụ lớn ở đâu đó. Tất cả những điều đó tạo ra niềm tin về cái "gen" cấu tạo có nhiều ưu điểm bẩm sinh.

Văn hóa là chìa khóa của tương lai dân tộc. Ý thức giữ gìn văn hóa, ngôn ngữ cũng là nền tảng trong thành công của người Việt di cư. Một câu chuyện thật ở gia đình tôi, mấy đứa cháu cứ đến hẹn lại hỏi ông bà: "Khi nào đến Trung thu?", "Bao giờ đến Tết". Giữa mùa đông Paris lạnh lẽo, bọn trẻ xúm xít mặc áo dài, rước đèn đi chơi đêm trăng cùng bạn bè người Việt, nói tiếng Việt.

>>Bí quyết đàm phán thành công của GS Phan Văn Trường: Thuộc bài thơ Thằng Bờm

Ở Pháp, Đức, Mỹ hay Úc... luôn có những cộng đồng người Việt quần tụ và lễ, Tết là dịp để "phô diễn" truyền thống Việt với tất cả sự hào hứng và niềm tự hào trước sự ngưỡng mộ của bạn bè. Rất nhiều tộc người ở châu Phi đã mất hết ngôn ngữ, phong tục sau một quá trình dài đồng hóa từ bên ngoài. Họ mất hút và bị quên lãng thực sự. Nhưng lịch sử ngàn năm chống đô hộ và đồng hóa của người Việt không ghi nhận điều đó.

Sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, người Việt vẫn giữ được toàn vẹn bản sắc. Thế giới phẳng đặt ra khả năng đồng hóa nhân loại, giữ lại cái hay, gạt bỏ cái dở. Rất ít dân tộc giống chúng ta. Việt Nam có nhiều thứ để khuyến dụ thế giới phẳng. Ở đó, giá trị thuần túy Việt vẫn có chỗ đứng. Vơ vét là một cử chỉ kém tầm nhìn. Xâm lấn là một việc vừa vô ích, vừa tốn kém nếu nhìn quá trình với nhận thức sáng suốt.

"Thằng Bờm", "Phú ông" trong thế giới phẳng

Xã hội Việt Nam đang cổ vũ cho sáng tạo và khởi nghiệp. Ai cũng biết, khả năng sáng tạo là "mẹ” của thế giới tiến bộ ngày nay. Người Việt vốn có sự sắc sảo. Giới trẻ Việt năng động và có óc sáng tạo phong phú.

Chính óc sáng tạo là động lực biến đổi thế giới, cho phép khởi nghiệp, đem lại giá trị gia tăng thật cho mọi hoạt động. Xã hội chỉ tiến lên nếu mỗi người trẻ có tinh thần đột phá, óc sáng tạo can đảm, sự đam mê khó cản. Mọi gò bó đều cản trở sự tiến bộ. Và phát triển là tìm hạnh phúc cho cộng đồng chứ không phải những thống kê số lượng.

Tôi thích hình ảnh "thằng Bờm có cái quạt mo". Nhìn bề ngoài thì khờ khạo đấy, nhưng không nao núng trước quyền thế của Phú ông. Bờm không mặc cảm mà trái lại biết thức thời, hiểu giá trị của cái mình đang có, dù đó chỉ là cái quạt mo đáng giá một nắm xôi. Trong sự xâm lấn của các giá trị bên ngoài, nội tại có xu hướng bị cuốn theo và thay đổi.

Giàu có thì dễ áp đặt giá trị lên nghèo túng vì nắm được sự phụ thuộc. "Thằng Bờm" và cái quạt mo biểu hiện cho sự giản dị nhưng nó là cái riêng, có giá trị riêng của người Việt trong một cuộc thương lượng tưởng chừng bất bình đẳng với những "Phú ông" là những cường quốc.

>>Đàm phán Win-Win: Nghệ thuật "tâm đối nhân"

Rất nhiều dân tộc đi vào lỗi lầm theo những mô hình phát triển không phù hợp với dân tộc của họ, đến đỗi làm ô nhiễm cả sông ngòi, rừng núi của họ cho nhiều thế hệ sau. Biết sai vẫn ngoan cố. Đô thị của họ mịt mùng. Hơi thở của họ chỉ toàn khói đen. Cơm của họ chỉ toàn hóa chất. Tôi nghe đâu tại một nước láng giềng của chúng ta có một số nơi trẻ em không biết vẽ mặt trời vì chưa bao giờ nhìn thấy, vì khói thải công nghiệp bao phủ.

Câu chuyện của "quốc gia khởi nghiệp" Israel cho chúng ta những bài học quý về phát huy thế mạnh nông nghiệp. Canh nông, đối với dân tộc Việt, là một kho tàng vô tận. Chính người hàng xóm Thái cũng hiểu điều đó, để biến mình thành một nước với đất phì nhiêu và nông dân quá tài ba. Vậy tại sao chúng ta lại bỏ đi thế mạnh của mình?

Ta có thể mua iPhone do người khác sản xuất ra, có thể lái ô tô do người khác chế tạo từ chính sản phẩm nông nghiệp của mình. Một đất nước có thể ăn no ngủ kỹ chẳng phải là một hạnh phúc? Hãy đẩy xa viễn tưởng mà người lao động Việt chỉ là công nhân. "Phú ông" giàu có đấy, nhưng "thằng Bờm" luôn có vị trí riêng của mình.

GS. Phan Văn Trường là chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đàm phán quốc tế và là cố vấn của Chính phủ Pháp về thương mại quốc tế. Ông được trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh (Chevalier de la Légion dHonneur) năm 2007. Hiện ông đang là Cố vấn thương mại quốc tế của Chính phủ Pháp.

GS. Phan Văn Trường tốt nghiệp ngành Kỹ sư Cầu - Đường tại Pháp năm 1970. Năm 1973 ông bảo vệ Tiến sĩ ngành Kinh tế đô thị và Quy hoạch vùng tại Paris Sorbonne 1. Ông từng làm việc cho các tập đoàn Alsthom Power, Alsthom Transport, Suez, Lyonnaise-BOT, Wah Seong.

Hiện ông đang giảng dạy ngành Kinh tế đô thị và Quy hoạch vùng tại ĐH Kiến trúc TP.HCM, Chủ nhiệm Chương trình Đào tạo kỹ năng quản trị và lãnh đạo Viện John Von Neumann (ĐH Quốc gia TP.HCM), Cố vấn HĐQT Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
GS. Phan Văn Trường: "Tin vào tư chất Việt"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO