Giữ tăng trưởng 6,7%: Phải đẩy nhanh đổi mới thể chế kinh tế

HẢI VÂN thực hiện| 14/06/2017 06:57

Muốn giữ mức tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay, "phải gắn những nỗ lực ngắn hạn với các giải pháp trung và dài hạn và phải đẩy nhanh đổi mới thể chế kinh tế".

Giữ tăng trưởng 6,7%: Phải đẩy nhanh đổi mới thể chế kinh tế

Muốn giữ mức tăng trưởng GDP 6,7% trong năm nay, GS-TS. Nguyễn Quang Thái - Viện trưởng Viện Phát triển Việt Nam nói "Phải gắn những nỗ lực ngắn hạn với các giải pháp trung và dài hạn và phải đẩy nhanh đổi mới thể chế kinh tế".

Đọc E-paper

* Thủ tướng vừa có cuộc họp Chính phủ bàn giải pháp giữ chỉ tiêu tăng trưởng 6,7%, theo ông đó có phải là sự linh hoạt trong điều hành nền kinh tế?


- Bàn giải pháp chi tiết, cụ thể để giữ chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế là phong cách làm việc mang tính hành động, có trách nhiệm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trước nhiệm vụ được Quốc hội giao. Đồng thời, trong thảo luận cũng làm rõ các sáng kiến và giải pháp để tăng trưởng kinh tế đi liền với nâng cao chất lượng tăng trưởng.

Nhưng sự điều hành căn cơ này của Chính phủ đòi hỏi sự "đồng hành" của các vị lãnh đạo các ngành, các địa phương để khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế và thời cơ mới, nhất là thời cơ do chủ động đổi mới thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hy vọng từ sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt này sẽ xuất hiện nhiều sáng kiến để không chỉ đạt mức tăng trưởng kinh tế năm 2017 theo kế hoạch mà còn tạo nền móng vững chắc hơn cho các năm kế tiếp trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế.

* Chỉ tiêu GDP 6,7% có thể đạt được bằng cách nào đó, song các vấn đề nội tại của nền kinh tế, như nợ công, bội chi ngân sách nhà nước hay thu nhập của người lao động, sẽ vẫn là những tồn tại?

- Năm nay nhiều khó khăn, Chính phủ cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phát triển doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nội địa, tái cơ cấu ngân sách nhà nước đi liền với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường, trong đó có việc làm, thu nhập của người lao động. Phải gắn các giải pháp căn cơ trung dài hạn với những nỗ lực trong ngắn hạn, nền kinh tế mới có thể đạt mục tiêu tăng trưởng.

* Vừa muốn tăng trưởng cao vừa muốn tăng thu thuế và phí từ doanh nghiệp, 2 nội dung này dường như trái chiều...

- Tăng trưởng cao là một điều kiện để tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Trong khi đó, các quy định thu thuế, phí còn chưa phù hợp, chưa hướng tới nuôi dưỡng nguồn thu, thậm chí gây thất thoát nguồn thu. Cả 2 hướng này cần được xử lý hài hòa, trong điều kiện triệt để tiết kiệm chi ở mọi lĩnh vực, thực hiện nghiêm việc cơ cấu lại thu chi ngân sách nhà nước ở mọi ngành, mọi cấp, từ đó đưa việc cân đối ngân sách vào mức hợp lý, trong đó có xử lý nợ công, nợ xấu.

>>VEPR: Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% khó khả thi

* Tăng GDP 6,7% có thể đạt trong ngắn hạn nhưng các giải pháp "sốc" có thể tác động đến nền kinh tế trong dài hạn không, thưa ông?

- Trong các giải pháp, sáng kiến, có thể có một vài giải pháp "lạ", giải pháp "mới" gây sốc. Nhưng quan trọng nhất là những giải pháp này phải được xây dựng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, bảo đảm phát triển bền vững.

Những giải pháp có thể có lợi ngắn hạn, nhưng không bảo đảm phát triển bền vững, cần kiên quyết dừng lại, xem xét kỹ, thậm chí hủy bỏ để hướng tới một nền kinh tế mang tính cạnh tranh cao hơn trong trung và dài hạn.

* Ông tin những giải pháp theo hướng này sẽ giúp nền kinh tế năng động hơn?

- Để đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2017, cần phải thi hành hàng loạt giải pháp trong điều kiện nền kinh tế tiếp tục chuyển sang thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập.

Muốn có nền kinh tế năng động đòi hỏi hàng loạt giải pháp lớn như đổi mới thể chế, đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân, đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp nhà nước, thu hút có chọn lọc các dự án FDI, nhất là công nghệ cao và thân thiện môi trường, cải cách ngân sách...

Điều này cần sự nỗ lực của cả phía Nhà nước lẫn người dân, doanh nghiệp trong điều kiện thế giới chuyển biến nhanh, phức tạp.

* Có ý kiến cho rằng, nước ta cần thay đổi cách điều hành kinh tế vĩ mô. Còn ý kiến của ông?

- Với những gì đang diễn ra với nền kinh tế, rõ ràng trong thời gian tới, trong quá trình chuyển sang thể chế kinh tế thị trường, Chính phủ và cả hệ thống chính trị cần có nhiều đổi mới hơn nữa về điều hành kinh tế vĩ mô.

Một khi tăng trưởng là một trong các mục tiêu quan trọng để ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát thì cần đẩy mạnh tăng trưởng ở mức cao nhất, khi các điều kiện về môi trường đầu tư kinh doanh đang có những cải thiện nhất định. Mục tiêu tăng trưởng năm nay có thể đạt được nhưng cần dựa trên nỗ lực của các ngành, gắn với các giải pháp trung và dài hạn.

* Cám ơn ông!

>>Thách thức cho tăng trưởng kinh tế châu Á – Thái Bình Dương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giữ tăng trưởng 6,7%: Phải đẩy nhanh đổi mới thể chế kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO