Giảm thủ tục hải quan: Doanh nghiệp khấp khởi

09/10/2014 06:17

19 tỉ USD/năm thất thoát bởi thủ tục nhập khẩu kéo dài. Đến lượt Cục Hải quan ra tay.

Giảm thủ tục hải quan: Doanh nghiệp khấp khởi

19 tỉ USD/năm thất thoát bởi thủ tục nhập khẩu kéo dài. Đến lượt Cục Hải quan ra tay.

Cục Hải quan và Cục thuế đang được xem là những đơn vị hiện ðại, có nhiều giải pháp tích cực hỗ trợ cho doanh nghiệp nhiều nhất. Thời gian gần đây, những buổi chất vấn đối thoại giữa 2 đơn vị này với doanh nghiệp diễn ra ngày càng thường xuyên; và khá nhiều vướng mắc đã được đưa ra bàn luận. Vì vậy, những khó khăn trong thủ tục hải quan và thuế đang dần được tháo gỡ.

Thiệt hại từ thủ tục

Hiện tại, thời gian trung bình để doanh nghiệp thực hiện các thủ tục xuất nhập khẩu là 21 ngày. Con số này được cho là rất cao trong khu vực, đặc biệt là so với các nước đang là đối thủ cạnh tranh về thu hút đầu tư với Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia hay Campuchia.

“Nếu thời gian làm các thủ tục xuất nhập khẩu trong hải quan giảm được một ngày, các doanh nghiệp sẽ giảm được 1,6 tỉ USD chi phí mỗi năm”, bà Đặng Bình An, Chuyên gia tư vấn của Dự án Quản trị Nhà nước USAID GIG, ước tính. Còn nếu thủ tục hải quan giảm từ 21 ngày còn 14 ngày cho xuất khẩu và 13 ngày cho nhập khẩu theo Thông tư 119 của Bộ Tài chính (được áp dụng từ tháng 9/2014) thì con số tiết kiệm sẽ lớn hơn rất nhiều.

“Việt Nam đang yêu cầu tới 5 loại chứng từ để xuất khẩu hàng hóa, trong khi nhiều nước chỉ yêu cầu 2. Đặc biệt, thời gian cần để hoàn thành thủ tục xuất khẩu của Việt Nam lên tới 21 ngày, trong khi Indonesia chỉ cần 17 ngày, Malaysia 11 ngày, Thái Lan 14 ngày…”, ông Olin McGill, Chuyên gia tư vấn và nâng hạng môi trường kinh doanh, bổ sung.

Theo ông McGill, Việt Nam đã bị thất thu do thương mại kém hiệu quả. Cụ thể, số tiền thất thoát mỗi năm lên đến 19 tỉ USD do thời gian cần để làm thủ tục nhập khẩu quá lâu. Theo đó, thời gian cần để hoàn thành thủ tục xuất khẩu của Việt Nam hiện lâu hơn thời gian trung bình của tốp 10 nước có thủ tục hải quan thuận lợi nhất tới 14 ngày.

“Việt Nam đứng ở vị trí 65 về mức độ tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại biên giới, trong khi mức trung bình của các nước ASEAN+6 là vị trí 28”, ông Phan Vinh Quang, Trưởng nhóm Pháp lý, Thể chế và Năng lực Cạnh tranh của USAID GIG, cho biết thêm.

Không chỉ mất thời gian dài chỉ để làm thủ tục, đa số doanh nghiệp còn phản ánh nhiều bất cập khác liên quan đến khâu hải quan như danh mục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa mô tả rõ ràng; hay chuyện có đến 60-80% danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành.

Chẳng hạn như trường hợp của một doanh nghiệp nhập khẩu la bàn. Khi làm thủ tục kiểm tra, Bộ Công Thương chuyển cho Bộ Công an nhưng bộ này lại trả lời rằng không thuộc thẩm quyền; khiến cho doanh nghiệp không biết phải làm thủ tục ra sao.

Một ví dụ khác là câu chuyện nhập khẩu rượu vang của Công ty Logistics Minh Phước (TP.HCM). Theo quy định, cứ 5 lô đầu kiểm tra đạt thì những lần nhập sau doanh nghiệp không cần phải cho kiểm tra.

“Tuy nhiên, muốn thông quan lô thứ 6 thì doanh nghiệp lại phải lấy giấy kiểm định, gửi ra Cục Vệ sinh An toàn ngoài Hà Nội xin xác nhận rồi gửi Cục Vệ sinh An toàn TP.HCM thì mới được thông quan. Tại các bên không liên kết trực tiếp với nhau để doanh nghiệp đỡ tốn thời gian?”, Giám đốc Công ty Minh Phước bức xúc.

Còn theo bà Đặng Bình An, chuyên gia tư vấn của USAID GIG, thì cùng một yêu cầu kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Công Thương, Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn lại đưa ra quy định và tiêu chí kiểm tra quản lý khác nhau.

“Kiểm tra nhiều nhưng kết quả kiểm tra không đạt rất nhỏ, chỉ khoảng từ 0,5% đến 1%. Có những doanh nghiệp chưa bao giờ bị kết quả kiểm tra không đạt yêu cầu. Việt Nam cần thay đổi thủ tục hành chính để thay đổi môi trường kinh doanh”, bà An nhận xét.

Ông Phạm Thanh Bình, nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan), cho biết có những doanh nghiệp phải làm đến 26.000 tờ khai/năm. “Thậm chí có doanh nghiệp phải thực hiện 5-6 triệu tờ khai/năm. Như thế là mất quá nhiều thời gian cho họ”, ông Bình chia sẻ.

Theo công bố về kết quả đo thời gian giải phóng hàng của Tổng cục Hải quan năm 2013, thời gian từ khi đăng ký tờ khai đến khi cơ quan này ra quyết định thông quan giải phóng hàng chỉ chiếm khoảng 28% tổng thời gian xử lý.

72% thời gian còn lại là của các cơ quan, tổ chức khác có liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu. Được biết, mục tiêu của Tổng cục Hải quan là tiếp tục giảm 50% thủ tục hàng hóa vào năm 2015.

Xu hướng đơn giản hóa

Không chỉ có thủ tục Hải quan được tháo gỡ, cả thủ tục liên quan đến thuế và điện năng cũng dần nhanh chóng hơn.

Theo báo cáo Doing Business của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2014, doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn cần tới 872 giờ để hoàn tất thủ tục nộp thuế. Tuy nhiên, tin vui là sắp tới sẽ có tổng cộng 23 thủ tục hành chính được đơn giản hóa. Theo đó, số giờ thực hiện khai và nộp thuế sẽ giảm bớt 201,5 giờ, theo tính toán của WB.

Về thủ tục thuế, Bộ Công Thương sẽ chuyển khai thuế giá trị gia tăng từ tháng sang quý; qua đó giảm số lần khai thuế từ 12 lần xuống còn 4 lần/năm đối với người nộp thuế có tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ năm trước liền kề từ 50 tỉ đồng trở xuống.

Bộ này cũng bỏ quy định về khai thuế thu nhập doanh nghiệp theo quý mà chỉ cần thực hiện khai quyết toán năm; giảm số lần khai thuế thu nhập doanh nghiệp từ 5 lần xuống còn 1 lần/năm.

Ðối với lĩnh vực điện năng, Tổng Công ty Ðiện lực Việt Nam đã báo cáo Bộ Công Thương kế hoạch giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp điện cho trạm biến áp trung áp xuống còn 18 ngày làm việc, tức là rút ngắn 42 ngày làm việc so với quy định hiện hành.

>Những hướng dẫn mới về thủ tục hải quan từ 10-11/2/2014
>Hướng dẫn mới về thủ tục hải quan
>
Nhiều điểm mới trong thủ tục hải quan điện tử
>Doanh nghiệp nào được miễn thủ tục hải quan?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giảm thủ tục hải quan: Doanh nghiệp khấp khởi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO