Giá trị của hòa bình!

HỒNG BÍCH| 25/04/2015 08:24

Những người hiểu tường tận giá trị của hòa bình nay cũng đã bước vào tuổi sáu mươi. Những người năm mươi, ngày hòa bình lập lại cũng chỉ giữ niềm vui của một điều gì đó dường như rất vĩ đại đang đến.

Giá trị của hòa bình!

Những người hiểu tường tận giá trị của hòa bình nay cũng đã bước vào tuổi sáu mươi. Những người năm mươi, ngày hòa bình lập lại cũng chỉ giữ niềm vui của một điều gì đó dường như rất vĩ đại đang đến.

Đọc E-paper

Nhưng với lứa tuổi lên 10 năm ấy, những đứa trẻ cũng chỉ cảm nhận ở quy mô nhỏ, có thể là ngay trong ngõ xóm, có thể ký ức về một màu áo lính, với đôi dép cao su lạ, với mũ tai bèo, nước da ngai ngái vàng, màu của sốt rét. Nhưng ngày ấy cả dân tộc, chỉ cần là người Việt Nam thì đứng ở bất cứ nơi nào của cuộc chiến đều có thể chia sẻ với nhau một điều, giá trị của hòa bình!

Những người thành thị có thể về thăm quê, ngồi trên chiếc xe Lambretta về nông thôn trong không gian yên bình. Những người miền Bắc hồi hộp chờ đón đoàn quân của mình trở về, cởi bỏ chiếc áo lính để nhóm lên những kế hoạch tương lai, điều mà hầu như không ai có thể làm trong chiến tranh. Hòa bình có giá trị tuyệt vời, nó thắp lên niềm hy vọng khi đất nước đã thống nhất.

Thỉnh thoảng trong 40 năm ấy, những biến động ở các vùng biên giới, đảo xa, ở Biển Đông lại cho chúng ta, những thế hệ sinh ra trong hòa bình, cảm nhận rõ rệt hơn những giá trị ấy.

Chúng ta muốn bình yên, muốn tập trung hết mọi nguồn lực chỉ cho mục tiêu duy nhất là phát triển. Đó chính là khái niệm mới về hòa bình, thế hệ mới tiếp quản di sản hòa bình, nếu không phát triển đúng với thực lực, hòa bình sẽ mất đi ít nhiều giá trị.

Làm gì sau hòa bình? Chắc nhiều đứa trẻ sau giải phóng còn nhớ "giấc mơ Liên Xô”. Ngày chúng tôi còn bé cũng hay nghe người lớn nói, chỉ khoảng 5 - 7 năm sau hòa bình, thống nhất đất nước, chúng ta sẽ bằng Liên Xô. Ngày đó, được như Liên Xô là khát vọng phát triển cho mọi người dân.

Ngày nay, chúng ta không cần nhìn xa xôi, ngày ngày cập nhật tin tức, người Việt Nam có thể biết người Hàn Quốc bước đi ra sao trong 40 năm. Ví dụ, chúng ta nhìn vào con số thu nhập bình quân đầu người của họ hơn 20.500 USD, gấp 20 lần người Việt Nam.

Nền kinh tế của họ nổi bật lên thành cường quốc công nghệ. Rồi những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới như Nhật Bản làm được gì trong khoảng thời gian 40 năm, rồi Singapore trở thành rồng, thành hổ kinh tế từ thập kỷ trước.

Cùng máu đỏ da vàng nhưng quốc gia của họ hùng mạnh với nền văn hóa vẫn đậm đà bản sắc dân tộc, những mục tiêu nhân văn xã hội, nền giáo dục ngày càng là mục tiêu học tập của các quốc gia châu Á khác. Điều đó càng tạo áp lực nôn nóng phải phát triển, coi đó là giá trị đích thực của hòa bình. Những thành tựu của 40 năm là rất to lớn, nhưng nếu được phép so sánh, chúng ta không thể thỏa mãn.

Tôi nhớ vào những năm đầu thập niên 1980, tại làng quê Hòa Tiến thành phố Đà Nẵng, bỗng nhiên có phong trào những người trẻ nhận chăm sóc các bà mẹ liệt sĩ. Đó là nơi đầu tiên người dân có sáng kiến làm việc này bên cạnh chế độ Nhà nước chăm sóc gia đình thương binh liệt sĩ.

Những người trẻ đến nhà gia đình liệt sĩ, ngày ngày giúp tưới những vồng khoai lang, kho nồi cá, hay cắt móng tay, móng chân cho các cụ. Cứ thế phong trào được khơi dậy, trở thành phong trào cho các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam anh hùng sau này.

Tuy nhiên, tôi vẫn nhớ những lần ghé thăm các cụ, đôi khi các bạn trẻ còn vắt lại chiếc áo của mình ở đầu giường, có khi hình ảnh chiếc áo bỏ quên đó làm ấm lòng các mẹ hơn là những phong bì tiền được trao vào tay trong một buổi lễ nhộn nhịp rồi để lại một khoảng trống mênh mang của hòa bình trong tim mẹ.

Mới đây, về thăm tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng vừa xây dựng ở Quảng Nam. Thấy tượng đài và khu tưởng niệm lấy quy mô hoành tráng để ghi nhận công lao người mẹ trong chiến tranh, tôi bỗng nhớ xiết bao hình ảnh những người mẹ liệt sĩ mình đã gặp trong đời. Mẹ nào cũng bé nhỏ, cô đơn với cuộc sống thiếu vắng những đứa con đã không trở về trong hòa bình.

Những người cha mẹ liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến bây giờ còn rất ít, nhưng họ cùng với những đoàn người mừng chiến thắng năm ấy vẫn ngóng một điều gì thật lớn lao và vĩ đại xứng với giá trị của hòa bình. Đó là sự phát triển phải nhanh và mạnh mẽ, xứng tầm với sự hy sinh của một dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá trị của hòa bình!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO