Fintech chưa thể bùng nổ ở Việt Nam?

26/01/2016 06:37

Khi Fintech lên ngôi cũng là lúc dịch vụ tài chính truyền thống bị đe dọa.

Fintech chưa thể bùng nổ ở Việt Nam?

Năm 2015 có thể xem là thời khắc bùng nổ tại Việt Nam của những công ty khởi nghiệp công nghệ trong lĩnh vực tài chính, hay còn gọi là Fintech.

Việc Wal-mart chật vật đóng cửa gần 279 cửa hàng cho thấy sự đối lập giữa những công ty bán lẻ truyền thống và các công ty công nghệ, khi Amazon gần đây đã ứng dụng robot xếp kho và robot vận chuyển sản phẩm đến người mua.

Không chỉ ở lĩnh vực bán lẻ, công nghệ cũng đã và đang hâm nóng ngành vận tải, nổi bật nhất là cuộc chiến giữa Uber và các hãng taxi. Nhờ công nghệ, nhiều công ty đua nhau cung cấp những dịch vụ mới có lợi cho người tiêu dùng, nhất là về mặt chi phí. Giờ đây, các hãng công nghệ đã tiến đến một lĩnh vực béo bở khác vốn được xem là xương sống của nền kinh tế: thị trường các dịch vụ tài chính.

Ở Việt Nam, hiện đã có những startup Fintech giới thiệu dịch vụ chuyển kiều hối về Việt Nam với chi phí chỉ 2 USD, hay đáp ứng các khoản vay tiêu dùng nhỏ mà ngân hàng thường từ chối. Tuy nhiên, nếu muốn trở thành một “hiện tượng Uber” trong lĩnh vực tài chính, những công ty non trẻ này sẽ phải vượt qua rất nhiều chông gai trên chặng đường dài phía trước.

Công nghệ lấn sân tài chính

Nếu như Uber kết nối giữa người cần di chuyển và chủ xe có thể vận chuyển, các startup Fintech cung cấp cho người dùng một loại hình dịch vụ tài chính nào đó thông qua cơ chế trung gian, giúp họ không phải đến các chi nhánh ngân hàng truyền thống. Dù vậy, khi nhắc đến Fintech, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những công ty hoạt động trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến hay ví điện tử. Thật ra, đó chỉ là một trong nhiều hướng khai thác của Fintech.

Lấy ví dụ như phần mềm Money Lover của Việt Nam. Không có gì phức tạp hay cao siêu, đây chỉ là một ứng dụng nhật ký chi tiêu của người dùng trên các thiết bị di động như điện thoại hay máy tính bảng. Zoo Studio - đơn vị phát hành phần mềm này - còn có cả những sản phẩm liên quan đến tài chính khác. Chẳng hạn như nhật ký mua sắm, quy đổi tiền tệ hay tính toán kế hoạch trả nợ cho các khoản vay.

Theo thống kê của Dragon Capital, có đến hơn 10.000 nhà sáng lập đang hoạt động trong lĩnh vực Fintech. Đây là những người có ý tưởng hoặc đang thực hiện một dự án Fintech nào đó. Nhưng, số lượng sản phẩm được giới thiệu thời gian gần đây thì chỉ có vài chục.

Ở nhóm cũ, có thể kể đến những cái tên đình đám trong lĩnh vực thanh toán và ví điện tử trước đây như Payoo, BaoKim, NganLuong hay MoMo. Đây là những sản phẩm ra đời từ giai đoạn 2008, cùng với sự bùng nổ của hình thức mua hàng trực tuyến. Tuy nhiên, từ năm 2011, các ví điện tử này đã bắt đầu chuyển hướng đi theo những con đường riêng.

Chẳng hạn như MoMo sử dụng công nghệ để biến điện thoại di động thành ví điện tử, giúp khách hàng có thể chuyển tiền cho nhau hoặc thanh toán nhiều loại dịch vụ. NganLuong thì tập trung vào việc trở thành trung gian thanh toán cho hoạt động thương mại. Trong khi đó, Payoo hướng đến thị trường thanh toán đa dạng các loại hóa đơn trong đời sống hằng ngày.

Thị trường hiện cũng đã xuất hiện thêm nhiều “tay chơi” Fintech mới và mở rộng ra thêm nhiều lĩnh vực khác trong ngành tài chính chứ không còn tập trung vào thanh toán như trước. Đó là những mô hình gọi vốn cộng đồng, quản lý dữ liệu tài chính và tất nhiên không thể thiếu công nghệ gây tranh cãi bitcoin.

Lĩnh vực hoạt động chính của top 100 công ty Fintech thế giới

Bên cạnh đó, các ý tưởng táo bạo cũng đã xuất hiện ở Việt Nam, như Loanvi cung cấp nền tảng cho các khoản vay ngang hàng (người dùng vay tiền lẫn nhau), hay Cash2vn cho phép chuyển kiều hối về Việt Nam. Viettel cũng tham gia với cổng thanh toán VTPay, giúp người dùng tính toán và trả các khoản thuế.

Các công ty công nghệ tài chính ở Việt Nam trong thời gian gần đây cũng được đầu tư khá nhiều. Trong số những thương vụ gọi vốn của startup công nghệ, nhóm Fintech là lĩnh vực đầu tư nhiều thứ 3, xếp sau thương mại điện tử và truyền thông, theo Topica Founder Institute.

Ông Võ Trần Đình Hiếu - Giám đốc mảng đầu tư công ty tư nhân, Quỹ đầu tư Dragon Capital - nhận định: “Xu hướng đơn giản hóa và hạ thấp chi phí các dịch vụ tài chính là tất yếu và các công ty Fintech sẽ có thị thường để khai thác”.

Gần đây, Câu lạc bộ Fintech Việt Nam cũng đã được thành lập dưới sự bảo trợ của 2 định chế tài chính lớn là Dragon Capital và Ngân hàng Standard Chartered, sau chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7/2015 của Thủ tướng Anh David Cameron. Cùng với Mỹ, Anh là quốc gia có nhiều công ty Fintech và không ít trong số đó đang quan tâm đến thị trường Việt Nam.

Tương lai nào cho Fintech?

Có thể nhận thấy, sự cải tiến công nghệ trong lĩnh vực tài chính thường đến từ phía các công ty công nghệ hơn là ngân hàng. Bởi đó là nơi tập trung nhiều bộ óc trẻ có tài năng lập trình và niềm tin vào giá trị công nghệ có thể mang lại cho khách hàng. “Các thành viên của Câu lạc bộ Fintech Việt Nam đều mong muốn xây dựng một hệ sinh thái Fintech riêng. Nhưng điều này là không dễ dàng”, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch điều hành MoMo, đồng thời là 1 trong 2 vị Chủ tịch của câu lạc bộ này - cho biết.

Thực tế, dù đã bùng nổ về số lượng, nhưng tiềm năng của Fintech ở thị trường Việt Nam vẫn chưa thực sự chín muồi ở giai đoạn hiện tại. Dragon Capital dù nhiệt tình hỗ trợ, nhưng chỉ mới dừng lại ở mức độ quan sát và quan tâm, hơn là rót vốn trực tiếp vào các dự án Fintech.

Dễ dàng nhận thấy, hầu hết các sản phẩm Fintech tại Việt Nam vẫn còn rất sơ khai và ngân hàng vẫn chiếm phần lớn thị phần các dịch vụ tài chính. Theo quan điểm cá nhân của ông Võ Trần Đình Hiếu (Dragon Capital), ở Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung, độ phủ của các dịch vụ online banking hay mobile banking còn rất thấp. “Tôi không cho rằng các startup Fintech ở ASEAN thật sự muốn và đủ sức thay thế hoàn toàn các dịch vụ ngân hàng truyền thống”, ông nhận định.

>>10 nhà đầu tư tài chính xuất sắc nhất mọi thời đại

Là một chuyên gia về tài chính ở thị trường Việt Nam, ông Hiếu cũng không nghi ngờ gì về tiềm năng số lượng người dùng tại đây. Nhưng các công ty Fintech lại đang đối mặt với nhiều bài toán. Trong đó gồm cả việc người dùng vẫn còn e ngại với những giao dịch tài chính trên mạng, nơi họ không hiểu được các công ty công nghệ đóng vai trò và làm gì với tài khoản ngân hàng của mình. Một báo cáo gần đây cho biết hoạt động thực hiện giao dịch tài chính chiếm chưa đến 5% thời gian trực tuyến của người dùng internet tại Việt Nam.

Ngoài ra, một yếu tố đáng quan tâm khác là các quy định pháp lý hình thành khá chậm so với tốc độ phát triển của các công ty Fintech. Còn nhớ, năm 2009, các loại ví điện tử đã được cấp phép thí điểm hoạt động. Nhưng mãi đến cuối năm 2015 mới có 4 công ty được cấp phép hoạt động chính thức, cung cấp dịch vụ thanh toán và ví điện tử cho cả người chưa có tài khoản ngân hàng.

Dù vậy, theo đánh giá của ông Hiếu, đó vẫn là một sự cố gắng lớn của Ngân hàng Nhà nước. “Nhìn chung, vì thiếu thời gian và kinh nghiệm nên dù rất muốn hỗ trợ, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa biết bắt đầu từ đâu. Thanh toán hiện là mảng họ có kinh nghiệm nhất”, ông nói.

Cũng đã xuất hiện những tín hiệu đáng mừng khác từ phía cơ quan quản lý. Việt Nam là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á, sau Malaysia, đang dự thảo chính sách về mô hình gọi vốn cộng đồng. Trong suốt năm 2015 vừa qua, giới khởi nghiệp công nghệ cũng nhận được sự quan tâm từ phía Nhà nước, với những buổi hội thảo trò chuyện trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của Chính phủ.

Mặc dù các cơ quan quản lý rất muốn hỗ trợ Fintech, song theo ông Nguyễn Bá Diệp (Câu lạc bộ Fintech Việt Nam), vì liên quan đến tài chính nên việc quy định pháp lý cụ thể cho các mô hình Fintech mới cũng không thể diễn ra trong một sớm một chiều.

Mặt khác, khi Fintech lên ngôi cũng là lúc dịch vụ tài chính truyền thống bị đe dọa. Ở Việt Nam chưa đến mức này, nhưng trên thế giới thì đã xuất hiện quan ngại từ các ngân hàng truyền thống.

>>10 lý do Singapore là "mảnh đất màu mỡ" cho fintech

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Fintech chưa thể bùng nổ ở Việt Nam?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO