FDI: Ứng xử sao cho công bằng?

20/05/2014 07:52

Có 2 thực tế "lạ" trong chính sách thu hút vốn FDI của Việt Nam. Một là sự xuất hiện của những DN FDI có vốn siêu nhỏ, và hai là thực tế ngược với thế giới trong thẩm định và cấp phép dự án FDI.

FDI: Ứng xử sao cho công bằng?

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (FDI), vốn FDI vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2014 đạt 4,855 tỷ USD, chỉ bằng 59,1% so với cùng kỳ 2013. Đây là số liệu đã gộp cả vốn đầu tư nước ngoài cấp mới và tăng thêm. Đáng chú ý, đã xuất hiện cả những doanh nghiệp (DN) FDI siêu nhỏ đầu tư vào Việt Nam.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm 2014, có 390 dự án FDI mới được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 3,22 tỷ USD, bằng 65,4% so với cùng kỳ năm 2013. Ngoài ra, còn có 140 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với 1,62 tỷ USD, bằng 49,7% so với cùng kỳ năm 2013.

Thất vọng và lo ngại

Tình hình thu hút vốn FDI đầu năm 2014 giảm mạnh là do không có những dự án quy mô lớn thực hiện đăng ký. Đến thời điểm này, chỉ có 2 dự án có vốn đăng ký đạt trên 1 tỷ USD, còn lại là các dự án dưới 1 tỷ USD. Và đặc biệt là đã xuất hiện những dự án FDI có vốn siêu nhỏ: chỉ từ 100.000 - 500.000 USD. Tình hình thu hút vốn FDI khá thất vọng, gây lo ngại cho các nhà quản lý.

Theo GS. Mại, "cái gì DN trong nước đã làm được thì nên khuyến khích DN nội, thay vì lại rải thảm đỏ chào đón DN ngoại"

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có 2 thực tế "lạ" trong chính sách thu hút vốn FDI của Việt Nam. Một là sự xuất hiện của những DN FDI có vốn siêu nhỏ, và hai là thực tế ngược với thế giới trong thẩm định và cấp phép dự án FDI.

Cái "ngược" này được ông Hoàng giải thích bằng mô hình phễu trong thu hút FDI. Theo đó, nếu như thế giới thực hiện cấp phép đầu tư rất thông thoáng, có quốc gia chỉ mất 2 ngày là có thể có Giấy phép đầu tư, thì trong quản lý hoạt động của DN FDI lại rất chặt chẽ. Điều này đảm bảo chất lượng FDI luôn được hiệu quả.

Ngược lại với quy định cấp phép đầu tư chặt chẽ, khi DN đi vào hoạt động thì việc quản lý hoạt động vốn của DN lại rất lỏng lẻo. Sau khi việc cấp phép đầu tư được phân về cho các địa phương thì việc quản lý hoạt động vốn của DN càng lỏng lẻo hơn.

Ông Hoàng đề xuất cách "gỡ" thực tế ngược này: Việt Nam cần cải cách thủ tục hành chính theo hướng tạo thuận lợi, thông thoáng hơn, cơ sở hạ tầng phải được cải thiện, phát triển các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Các nỗ lực này phải đảm bảo tính đồng bộ với nhau.

Nhìn nhận đúng về DN siêu nhỏ

Theo GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN FDI, nhất thiết phải đưa ra một "giới hạn cần thiết" với các nhà đầu tư ngoại. Lý do là vì hiện DN Việt Nam đã làm được nhiều lĩnh vực, nên không nhất thiết phải ưu tiên các nhà đầu tư ngoại, dẫn tới việc làm hẹp cơ hội kinh doanh của DN nội.

Theo GS. Mại, "cái gì DN trong nước đã làm được thì nên khuyến khích DN nội, thay vì lại rải thảm đỏ chào đón DN ngoại".

Mặt khác, nếu quá ưu đãi DN ngoại mà thiếu sự chọn lọc, thì các DN đến từ các nền kinh tế cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam sẽ vào đầu tư ồ ạt và chèn ép khả năng phát triển của chính DN trong nước. Do vậy, trong nỗ lực thu hút FDI cũng cần có quy định thu hút có chọn lọc.

Lo ngại về những DN trên giấy thực ra không chỉ giờ mới có và cũng không riêng chỉ đáng lo với DN FDI. Chính xác hơn là quốc gia nào cũng có những DN chỉ trên giấy, DN siêu nhỏ, DN "ma"…

Tại một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tình trạng DN thành lập nhưng không hoạt động, DN "ma", DN siêu nhỏ là rất phổ biến, trong đó DN siêu nhỏ thậm chí còn chiếm số lượng lớn trong tổng số hơn 460.000 DN hiện hữu.

Thực tế là từ khi Luật DN ra đời, sau đó được sửa đổi vào năm 2005, vấn đề đảm bảo DN phải hoạt động đúng theo đăng ký kinh doanh đã được đặt ra.

Nhưng, hoạt động này luôn luôn - như đã thành điều bình thường ở nhiều quốc gia - khó kiểm soát. Thậm chí, tính toàn cầu, tính liên kết trong sản xuất trên thế giới hiện tại càng khuyến khích sự thành lập của các DN trên giấy, DN siêu nhỏ.

Sự khác biệt về chuẩn mực kế toán, hệ thống thuế, tiêu chuẩn hàng hóa, chi phí nhân công, các hiệp định thương mại… càng khuyến khích các DN "sáng tạo" ra nhiều loại hoạt động với danh nghĩa DN để tận thu lợi nhuận. Trong đó, mô hình DN siêu nhỏ, DN trên giấy luôn chiếm ưu thế vì cho phép "lách" được những lỗ hổng về quy định quản lý để chủ động điều chỉnh doanh thu, khống chế, điều chuyển lợi nhuận của sản phẩm chủ chốt…

Do thế, không quá lạ lùng khi sự xuất hiện của các DN FDI lớn thường kèm theo sự xuất hiện của các DN FDI nhỏ, siêu nhỏ, thậm chí DN trên giấy với danh nghĩa "phụ trợ" cho DN FDI lớn.

Riêng với trường hợp xuất hiện các DN FDI siêu nhỏ, thì nên mừng hơn là phải cảnh giác. Vì khá nhiều DN loại này xuất hiện nhằm mục đích cung cấp sản phẩm, dịch vụ cho các DN FDI lớn tại Việt Nam. Nói cách khác là tận dụng sự hấp dẫn, thông thoáng, hoặc lỏng lẻo về cơ chế, thị trường Việt Nam hay khu vực nhằm phục vụ cho hoạt động cho các DN FDI lớn.

Do thế, sự có mặt của các DN này vừa làm hài lòng các DN FDI lớn, đồng thời góp phần hoàn thiện cơ chế, thị trường cho chính nước nơi nó xuất hiện.

Mặt khác, khi chính sách thậm chí còn chưa quản xuể DN trong nước, thì càng không nên "cảnh giác", hay hạn chế DN FDI, cho dù đó là DN siêu nhỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
FDI: Ứng xử sao cho công bằng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO