Đường hòa nhập của những nhân sĩ chế độ cũ (kỳ 2)

15/04/2010 05:45

Đầu tiên anh em gọi là nhóm "Cholimex" vì sinh hoạt tại đó, và sau này dời đi nơi khác thì gọi Nhóm "Thứ Sáu" vì sinh hoạt chiều thứ Sáu hàng tuần, đúng là nhóm không tên.

Đường hòa nhập của những nhân sĩ chế độ cũ (kỳ 2)

Khi được khen viết bài xuất sắc, một thành viên trong Nhóm trả lời: “đừng khen tôi, chẳng qua tôi có nhu cầu phải viết thì viết, cũng giống như con gà mắc đẻ thì phải đẻ trứng vậy thôi. Đẻ ở đâu cũng không hay, đẻ rồi người ta mang đi để làm gì cũng không biết, họ luộc ăn hay đem đi ấp cũng chẳng quan tâm”. Có lẽ đây cũng là suy nghĩ chung của các thành viên Nhóm Thứ Sáu.

Giai đoạn 1990-1995: Dời đô

Đây là giai đoạn Nhóm phát triển về cả lượng lẫn chất mà cụ thể là thu hút thêm nhiều chuyên viên, trí thức, đồng thời tham gia vào đời sống kinh tế xã hội bằng cách tận dụng diễn đàn báo chí.

Thật ra việc tham gia viết báo của thành viên trong Nhóm đã manh nha từ năm 1987 khi ông Trần Trọng Thức lúc đó đang làm Trưởng ban Kinh tế Báo Tuổi Trẻ tham gia vào Nhóm nhân sĩ này. Vào thời điểm ấy, ông Thức đã tiếp xúc với ông Phan Chánh Dưỡng đề nghị hợp tác trên mặt trận báo chí mà thực chất là muốn tạo diễn đàn cho các chuyên viên kinh tế có quan điểm đổi mới về quản lý kinh tế.

Thế nhưng ước muốn ấy gặp trở ngại từ phía báo Tuổi Trẻ, do đó mà mong muốn này không được thực hiện.

Đến khi ông Trần Trọng Thức, ông Hoàng Thoại Châu và một số trí thức khác về làm việc tại báo Lao Động thì quyết tâm này được thực hiện.

Bắt đầu từ đây địa điểm sinh hoạt dời về báo Lao Động vẫn mỗi tuần một lần vào tối thứ Sáu. Trên cương vị Thư ký Toà soạn và Trưởng ban Kinh tế, được sự đồng ý của Ban Biên tập báo Lao Động, ông Thức đã chính thức mời thành viên trong Nhóm về cộng tác với tư cách là cộng tác viên chuyên viên và dùng tờ báo làm diễn đàn để trình bày những quan điểm kinh tế thông thoáng theo hướng thị trường. Thế là một số đông chuyên viên kinh tế trở thành các nhà báo nghiệp dư, nhưng những bài viết của họ đã tạo được hiệu ứng xã hội rất cao.

Việc tham gia viết báo của Nhóm có lộ trình và có trọng tâm. Thời kỳ đầu của kinh tế thị trường vẫn còn vướng bận các tập quán và suy nghĩ của thời bao cấp, nên chủ trương của anh em trong thời kỳ từ năm 1990 đến 1992 là tấn công vào nhận thức và cách quản lý không còn phù hợp, chống tiêu cực kinh tế và tiêu cực trong kinh doanh. Đây là cách dọn sạch miếng đất chuẩn bị cho việc gieo hạt. Từ năm 1993, các bài viết giới thiệu và cổ vũ cho những suy nghĩ tiến bộ, đề xuất các hướng tháo gỡ, ủng hộ đổi mới.

Lúc này có thêm một số anh em chuyên viên tham gia với nhóm như Lê Ủy, Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Ngọc Bích, Lê Trọng Nhi, Nguyễn Hoàng Sơn khiến các buổi gặp nhau hàng tuân càng đông vui.

Một số thành viên trong nhóm gồm Phan Chánh Dưỡng, Lâm Võ Hoàng, Huỳnh Bửu Sơn, Trần Bá Tước được mời tham gia Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ. Lại có thêm điều kiện để họ đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước với vai trò tư vấn. Đến khi ông Võ Văn Kiệt không còn làm Thủ tướng thì Tổ tư vấn giải thể.

Giai đoạn 1995 - 2001: Trở về cố hương

Thời gian sinh hoạt tại báo Lao Động kéo dài được 5 năm. Sau khi các ông Trần Trọng Thức, Hoàng Thoại Châu và một số anh em rút khỏi báo Lao động vào cuối năm 1994 thì Nhóm chuyên viên lại trở về sinh hoạt tại Công ty Phát triển Công nghiệp Tân Thuận, nơi ông Dưỡng làm Giám đốc và sau đó là tại báo Thanh Niên Thời Đại, nơi quy tụ những anh em vừa rời báo Lao Động.

Sau đó nhóm có thêm hai điểm sinh hoạt khác khi aông Huỳnh Bửu Sơn về làm Tổng Giám đốc Ngân hàng VP và ông Hoàng Thoại Châu về làm Thư ký Toà soạn báo Lao Động và Xã hội. Nhưng rồi lại xảy ra chuyện vật đổi sao dời, sau vài năm hai nơi này không còn là đất dụng võ, kể từ đó anh em trở lại sinh hoạt tại Công ty Tân Thuận ở 210 Lê Hồng Phong (quận 5).

Anh em trong Nhóm Thứ Sáu thường nói đùa đây là giai đoạn trở về vùng đất yên lành vì sinh hoạt ổn định, tiếp tục nghiên cứu nhiều đề tài khác như Cải cách hành chính, ASEAN, Mười năm đổi mới, nhưng rõ ràng chất lượng không được như thời kỳ đầu. Một phần vì đa số anh em trong Nhóm nay đều ổn định công ăn việc làm (khác với 15 năm trước) nên đầu tư công sức không nhiều, một phần là có quá nhiều cơ quan nghiên cứu và thông tin nay không còn là thứ hiếm hoi khiến anh em dễ buông tay.

Thời kỳ này, một số anh em Việt kiều thỉnh thoảng đến chơi mỗi khi về nước, nhưng rồi cuối cùng chỉ có một người gắn bó với nhóm đến ngày hôm nay là Trần Sĩ Chương

Từ giữa năm 2001, Nhóm cũng có nhiều công trình nghiên cứu đang ấp ủ như đi tìm lời giải đáp cho hướng phát triển của Đồng bằng sông Cửu Long và thực trạng nghèo khó của nông dân tại vùng trọng điểm lương thực này. Nhóm cũng đang hình thành một dự án đầu tư xây dựng khu Đại học ở phía Nam Sài Gòn, nhưng tất cả đều đang ở phía trước.

Hồi tưởng lại thời gian đã qua. Từ đó đến nay, có những sự việc mà trước đây họ băn khoăn đặt ra, mong mỏi phải chi điều đó diễn ra thế này thế khác, thì giờ đây lấy làm mừng rằng có nhiều điều đã được thực hiện theo như đề xuất cả anh em và lại là một trong những điều thúc đẩy đất nước phát triển.

Đọc trong sách xưa, thấy những nhóm người trong giang hồ hay trong lịch sử kết với nhau vì một mục tiêu, một lý tưởng, cùng nhau đạt được một cái gì đó. Với Nhóm Thứ Sáu thì ngược lại, hơn hai chục năm gắn bó với nhau không có mục đích gì rõ rệt, chỉ quý nhau về tư cách, trọng nhau về kiến thức, mỗi người mỗi vẻ, am tường các lĩnh vực khác nhau, vậy là tập hợp lại. Khi cùng nhau bàn luận, thấy nên làm điều này điều kia để đóng góp với đời, thế là bắt tay vào làm một cách bất vụ lợi, nếu có kết quả thì tốt, không thì cũng chẳng làm hại ai.

Ông Lâm Võ Hoàng có một câu rất hay mà anh em trong nhóm tâm đắc. Khi có người khen viết bài xuất sắc thì ông trả lời: "Đừng khen tôi, chẳng qua tôi có nhu cầu phải viết thì viết, cũng giống như con gà mắc đẻ thì phải đẻ trứng vậy thôi. Đẻ ở đâu cũng không hay, đẻ rồi người ta mang đi để làm gì cũng không biết, họ luộc ăn hay đem đi ấp cũng chẳng quan tâm".

Trách nhiệm và Lòng nhiệt thành đóng góp cho đất nước

Ngày 01 tháng 11 năm 2001

Thân mến gửi: Anh em trong "Nhóm Thứ Sáu"

Tôi được anh Huỳnh Bửu Sơn chuyển bản thảo tựa đề Ký ức 15 năm Nhóm Chuyên viên Kinh tế "Thứ Sáu" và đề nghị tôi có mấy lời tham gia.

Tôi đã đọc kỹ những bài viết trong bản thảo, có bài đọc không chỉ một lần. Theo như Lời nói đầu, đây là những ghi chép tâm sự có tính nội bộ, để lưu hành trong nội bộ nhóm. Tôi tôn trọng những tâm sự ấy và cũng thấy chia sẻ với nhiều kỷ niệm vui, niềm tự hào và cả một vài "nỗi lòng" của anh em.

Những bài viết trong bản thảo, dù ngắn hay dài, phong cách, hình thức khác nhau nhưng đều thể hiện điều đáng quý nhất của anh em là trách nhiệm và lòng nhiệt thành đóng góp cho đất nước. Không chỉ những tháng năm khó khăn với cơ chế cũ như cuối thập niên 80 mới cần những đóng góp thành tâm, công quả. Chung xây Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp là sự nghiệp chung của tất cả mọi người Việt Nam. Hôm qua, hôm nay, ngày mai và mãi mãi, dân tộc ta, Tổ Quốc ta cần nhiều tấm lòng và bộ óc như thế.

Quả thực, tôi không để ý nhiều đến tên gọi cũng như những gì mà anh em cho là "cơ sở pháp lý" của "Nhóm Thứ Sáu". Nhưng tôi luôn quí trọng tình cảm chân thành, thẳng thắn của anh em. Tôi cũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của anh em về nhiều lĩnh vực trong suốt hơn 15 năm qua, không phải vì tất cả những ý kiến đó đều mới mẻ, đúng đắn, khả thi.

Có ý kiến, xét trên quan điểm tổng thể tầm quốc gia, chưa thực sự phù hợp với điều kiện, tình hình nước ta. Có ý kiến cùng gặp nhau với kết quả nghiên cứu, đề xuất của những cơ quan, cá nhân khác. Nhưng tất cả đều xuất phát từ mong mỏi khát khao đưa đất nước vượt lên. Hơn nữa, đều là kết quả của cả một quá trình lao động trí tuệ, công quả, trong khi cuộc sống và công việc thường nhật của mỗi anh em còn không ít khó khăn.

Chúc anh em mạnh khoẻ, hạnh phúc. Tôi xin thi đua cùng anh em, tiếp tục làm công quả và khuyến khích được nhiều người cùng làm, với tất cả trách nhiệm vì sự nghiệp chung.

Sáu Dân - Võ Văn Kiệt

----------------------------------------------

Nhóm nghiên cứu không tên

Đầu tiên anh em gọi là nhóm "Cholimex" vì sinh hoạt tại đó, và sau này dời đi nơi khác thì gọi Nhóm "Thứ Sáu" vì sinh hoạt chiều thứ Sáu hàng tuần, đúng là nhóm không tên.

Anh em trong nhóm nói đây là nhóm có nhiều cái "không", không biên chế, không điều lệ, không vụ lợi, không chủ quản, không kinh phí, v.v... Nhưng với tất cả những cái không đó đã tạo ra nhóm và làm cho nhóm có một không khí sinh hoạt vui tươi khi gặp gỡ, tranh luận sôi nổi có lúc gay cấn, nhưng lại rất khách quan vô tư, hồn nhiên và gần gũi với các đề tài kinh tế - xã hội. Và khi ra về có một niềm vui thoải mái, như đã làm được, nói được điều gì đó có ích một cách thoải mái.

Anh em tuy những nghề nghiệp, kiến thức, hoàn cảnh cuộc sống khác nhau, kể cả những cán bộ lãnh đạo đã đến với nhóm, không bắt đầu từ những cái không mà chính từ một cái có. Đó là cái "Tâm": có của người trí thức, người có trách nhiệm trước hoàn cảnh ngặt nghèo của đất nước, mong tìm một lối thoát cho nền kinh tế đang khó khăn, chính có cái tâm này nên nhưng cái "không" mà anh em nêu trên đã không những không làm cản trở anh em kết lại thành nhóm nghiên cứu kinh tế mà còn làm cho nhóm thoát ra khỏi những ràng buộc hình thức, những lợi ích riêng tư. Từ đó có được một môi trường trong sáng, làm cho anh em đóng góp được nhiều ý kiến, nhiều đề án có giá trị và được áp dụng đạt hiệu quả cho sự phát triển kinh tế chung vừa qua. Với tinh thần đó, cái tâm đó đáng được xem là cái tâm "kẻ sĩ" vậy.

Sự gặp gỡ của anh em có thể là ngẫu nhiên, nhưng sự gắn bó của anh em với nhau hay với cán bộ lãnh đạo trong suốt 15 năm qua quả không phải là ngẫu nhiên. Trước tình hình kinh tế khó khăn lúc bấy giờ, không ai còn so đo về hình thức, lợi ích riêng hay địa vị xã hội gì nữa, mà trước mắt phải tìm ra một lối thoát cho nền kinh tế. Nhưng tranh luận gay gắt, những lời nói có nặng nề nhưng đều xuất phát từ tấm lòng bức xúc đó. Chính vì vậy nên anh em có đủ khoan dung và chấp nhận được.

Tôi còn nhớ một lần anh Lâm Võ Hoàng nói một câu "móc họng": Việt Nam hiện giờ không có chuyện gì là không dám làm, chỉ có một điều không dám thôi. Tôi hỏi đó là việc gì? Anh trả lời gọn hơ: là làm đúng! Tất cả anh em và tôi đều cười xoà. Quả là anh đang tức giận, bức xúc, nhưng hoàn toàn không phải là anh chống lại chính quyền Nhà nước này là là cố làm sao đóng góp cho được.

Những tấm lòng như thế, những bức xúc ở nhiều góc độ khác nhau như thế lại gặp nhau và đã hợp thành một cách tất nhiên.

Mười lăm năm qua, nhóm anh em "Thứ Sáu" đã đóng góp được nhiều ý kiến cho lãnh đạo, cho Nhà nước trong nhiều lĩnh vực kinh tế, góp phần hình thành các chính sách, luật lệ cụ thể trong công cuộc đổi mới vừa qua. Các đề án kinh tế cụ thể đã được thực hiện hiện như khu chế xuất, khu công nghiệp, ngân hàng cổ phần, v.v... Anh em xuất thân từ những người làm kinh tế cụ thể và từ thực tiễn rút ra những kết luận những nhận xét và đề xuất ra những ý kiến cho lãnh đạo, nhiều ý kiến rất có giá trị đã bổ sung cho các cơ quan kinh tế của Nhà nước ta, nhất là trên phạm vi kinh tế vi mô.

Giờ đây tuy đã thoát khỏi thời kỳ hiểm nghèo của 15 năm trước, nhưng bước đường đi lên của nền kinh tế Việt Nam trước bối cảnh của thế giới đầy biến động như hiện nay, không lẽ kinh tế đất nước này không còn gì trắc trở nữa? Và ngay khi có thời cơ, chưa chắc gì chúng ta tận dụng và khai thác hết được.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng kỷ niệm 15 năm đáng ghi nhớ của "Nhóm nghiên cứu không tên gọi" thì những tấm lòng tâm huyết đối với đất nước sẽ tiếp tục hiến dâng, tiếp tục tự nguyện với tinh thần kẻ sĩ trước mọi thời đại lịch sử, chớ không phải là chấm hết.

Ngày 23/10/2001

Võ Trần Chí

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đường hòa nhập của những nhân sĩ chế độ cũ (kỳ 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO