“Đừng tăng trưởng quá nóng để tránh bị kiện phá giá”

NGUYỄN MẠNH thực hiện| 26/05/2010 04:22

Kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ hậu khủng hoảng, các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là biện pháp chống bán phá giá, sẽ được nhiều quốc gia nhập khẩu sử dụng nhiều hơn. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần phải thận trọng.

“Đừng tăng trưởng quá nóng để tránh bị kiện phá giá”

Kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ hậu khủng hoảng, các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là biện pháp chống bán phá giá, sẽ được nhiều quốc gia nhập khẩu sử dụng nhiều hơn. Ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam cần phải thận trọng.

* Ngay bây giờ DN cần lưu ý điều gì, thưa bà?

- Những mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam, cần phải được chuẩn bị kỹ càng trước khi xuất đi. Không loại trừ trường hợp bị “kiện chùm”. Điển hình như các vụ EU kiện Việt Nam thì đều đã kiện Trung Quốc rồi, hoặc một số nước khác bị kiện, mình cũng bị kiện theo.

Theo tôi, đây đang là thời kỳ hậu khủng hoảng, kinh tế hồi phục, nên biện pháp phòng vệ thương mại lại càng được các nước nhập khẩu áp dụng để chống lại hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng nhập từ Việt Nam. Vì vậy, chúng ta đừng để những mặt hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng quá nóng. Giá cả nên ở mức thích hợp, phải đa dạng hóa chủng loại mặt hàng, không chỉ cạnh tranh về giá mà còn phải tăng cạnh tranh về chất lượng, dịch vụ.

* Theo bà, DN nên phản ứng trước các vụ kiện bán phá giá như thế nào?

- Gần như cứ sau mỗi vụ kiện, 80% DN sẽ bị áp thuế bán phá giá. Nhưng chúng ta cần phải xác định, đừng mong vụ kiện nào chúng ta cũng thoát hiểm êm đẹp, mà thắng lợi là chúng ta biết cách làm giảm thuế áp bán phá giá ở mức thấp nhất có thể, hoặc thấp hơn đối thủ cùng ngành của chúng ta. Ngay trong vụ kiện giày mũ da, Việt Nam bị EU áp thuế 10%, trong khi Trung Quốc phải chịu mức 16%.

Nhưng điều quan trọng là sau mỗi vụ kiện, chúng ta rút ra được những kinh nghiệm gì. Ví dụ trong vụ giày mũ da, có hai nhóm hẳn hoi: nhóm ủng hộ tiến hành kiện và nhóm phản đối kiện Việt Nam. Trường hợp này, chúng ta cần vận động sự ủng hộ của người tiêu dùng, các nhà bán lẻ để hỗ trợ nhóm phản đối kiện Việt Nam, giúp họ có những lập luận vững chắc trước các vụ kiện.

* Vậy đâu là những hạn chế cơ bản nhất của DN trước các vụ kiện bán phá giá?

- Nhiều câu hỏi của DN rất giống nhau, chẳng hạn như: Chúng tôi không bán phá giá sao lại bị kiện? Xin thưa, đó là do cách hiểu bán phá giá của DN Việt Nam khác cách hiểu của pháp luật EU, WTO. Hoặc có DN nói: Chúng tôi chỉ làm hàng gia công và không được quyết định về giá xuất khẩu, vậy sao lại bị kiện? Thực ra, tuy không được quyết định giá xuất, nhưng hóa đơn xuất đi vẫn thể hiện bằng giá FOB. Nhiều DN còn tỏ thái độ: Kiện thì kiện, chúng tôi không quan tâm. Thậm chí còn cho rằng, lần nào bị kiện cuối cùng cũng bị áp thuế thì theo kiện làm gì! Đây là quan điểm rất sai lầm, vì nếu không theo kiện, vô tình chúng ta sẽ phó mặc mọi thứ cho phía khởi kiện. Lúc đó, cơ quan có chức năng phán quyết ít nhiều sẽ dựa vào thông tin do phía nguyên đơn cung cấp để đưa ra phán quyết bất lợi cho chúng ta.

* Bà có so sánh gì về hai thị trường Hoa Kỳ và EU?

- Kể từ vụ kiện về tranh chấp thương mại đầu tiên vào năm 1994 do Columbia khởi kiện, tính đến năm 2009, Việt Nam đã đối mặt với với 40 vụ kiện, trong đó có 34 vụ kiện chống bán phá giá. Riêng thị trường EU chiếm tới 10 vụ. Nhưng trong đó rất nhiều vụ mức áp thuế không cao, hoặc kết luận không phá giá. Đáng chú ý nhất có lẽ chỉ là vụ kiện giày mũ da. Có thể nói, luật của EU khá thoáng, thân thiện với hàng xuất khẩu vào EU. Trong khi đó, dù Hoa Kỳ chỉ khởi kiện hai vụ tôm và cá basa, nhưng cả hai đã đánh thẳng vào hai ngành xuất khẩu quan trọng bậc nhất của Việt Nam.

* Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Đừng tăng trưởng quá nóng để tránh bị kiện phá giá”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO