Du lịch ASEAN: Không thể không liên kết

BÍCH HỒNG| 08/04/2010 07:45

Tại hội thảo "Liên kết hợp tác phát triển du lịch ASEAN" ở Đà Nẵng vừa qua, quan chức du lịch các nước thành viên đã bàn bạc rất sôi nổi với thái độ sốt ruột về tương lai ngành du lịch từ nay đến năm 2015.

Du lịch ASEAN: Không thể không liên kết

Tại hội thảo "Liên kết hợp tác phát triển du lịch ASEAN" ở Đà Nẵng cuối tháng ba vừa qua, quan chức du lịch các nước thành viên đã bàn bạc rất sôi nổi với thái độ sốt ruột về tương lai ngành du lịch của Hiệp hội các nước Đông Nam Á từ nay đến năm 2015.

Các tham luận trong hội thảo này cho thấy, dù mỗi năm ASEAN thu hút 67 triệu du khách, với nguồn thu lên đến 57 tỷ USD, nhưng tương lai du lịch của khu vực sẽ không sáng sủa nếu cứ duy trì tình trạng "mỗi quốc gia một điểm đến".

Với quan điểm chung sức xây dựng sự hấp dẫn trong ngành du lịch ASEAN, tình hình bất ổn hiện nay tại Thái Lan sẽ không được cho là cơ hội tốt của du lịch Campuchia hay Việt Nam, mà phải coi là sự tổn hại hình ảnh ASEAN.

Những nhà chuyên môn phân tích, du khách Âu, Mỹ khi lên kế hoạch đến Đông Nam Á vẫn có thói quen nhắm đến các nước có ngành du lịch nổi tiếng như Malaysia, Thái Lan và sẽ đi thêm một số điểm ở các nước láng giềng như Campuchia hay Việt Nam có các di sản văn hóa nổi tiếng hay bãi biển đẹp.

Như vậy không nên suy nghĩ Thái Lan bất ổn thì du khách sẽ đổ vào Việt Nam. Nếu Thái Lan không an toàn sẽ tạo tâm lý du khách e ngại cả khu vực và sẽ chuyển vùng.

Phân tích vậy để thấy sự liên kết tạo ra hình ảnh về một vùng du lịch bao gồm nhiều điểm đến, nhiều quốc gia với nền tảng văn hóa vừa tương đồng vừa khác biệt quan trọng hơn là một quốc gia lo quảng bá riêng cho di sản văn hóa của mình.

Bà Azilina A. - Cục Xúc tiến du lịch Malaysia đề nghị quảng bá về chủ đề "Đông Nam Á - cảm nhận sự nồng ấm" để tạo sự thừa nhận của thế giới về thế mạnh du lịch của khu vực này như những bảo tàng văn hóa sống gồm nhiều di sản văn hóa thế giới, khí hậu biển ấm áp quanh năm, nhiều quốc gia có trình độ du lịch phát triển ngang tầm thế giới, các trung tâm thương mại, khách sạn, khu nghỉ dưỡng được quản lý bởi các tập đoàn có thương hiệu quốc tế, đường thủy và hàng không đều phát triển. Và đã đến lúc phải có tư duy đầu tư phát triển ngành du lịch vượt ra khỏi biên giới quốc gia càng sớm càng tốt.

Ông Jin Chwen, đại diện Cục Du lịch Singapore nói, chỉ riêng lãnh vực du lịch tàu biển, chỉ một Việt Nam hay Singapore không làm nên chuyện. Các quốc gia ven biển phải liên kết đầu tư những điểm đến có hạ tầng hoàn hảo, có dịch vụ và sản phẩm du lịch đảm bảo phục vụ tốt nhất mỗi lần tàu biển đổ xuống 3-5 nghìn khách.

Nếu Singaporre làm tốt mà Việt Nam chưa đạt được thì ASEAN khó xây dựng được thương hiệu du lịch tàu biển vốn mang tính liên kết rất cao giữa các quốc gia mà thực tế đã trải nghiệm thành công với các vùng lãnh thổ Địa Trung Hải, Alaska, Caribe.

Chúng ta cần xây dựng những điểm đến gần nhau và khác biệt trong vùng cho khách tàu biển chứ đừng sợ cạnh tranh, những điểm đến quá xa nhau sẽ làm cho các hãng tàu biển tăng chi phí và rời bỏ khu vực này. Ông Jin Chwen còn đề nghị xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch hội nghị, hội thảo (MICE) để biến Đông Nam Á thành trung tâm hội nghị thế giới.

ASEAN sẽ phải hướng đến giảm cạnh tranh đến mức tối thiểu, như việc đồng thuận bầu chọn một biểu tượng du lịch duy nhất đại diện cho khu vực để quảng bá ở các hội chợ du lịch quốc tế. Việc cấp một visa duy nhất trong khối sẽ thúc đẩy du lịch, đi lại giao thương nội khối thay vì bảo vệ quyền lợi riêng cho quốc gia.

Việc Saigontourist cuối năm 2009 cùng 16 công ty du lịch các nước thành lập Liên minh Các nhà cung cấp dịch vụ du lịch tàu biển để chung sức tiếp thị, quảng bá du lịch tàu biển đến các hãng du lịch tàu biển thế giới, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, dịch vụ đã chứng minh hợp tác vùng là rất quan trọng. Kết quả là quý I/2010, Saigontourist đã đón được 20 nghìn khách du lịch tàu biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Du lịch ASEAN: Không thể không liên kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO