Đời “phu quặng”

NGUYÊN VI| 28/11/2011 08:40

Những đám bụi bay mù trời bao phủ những căn nhà nhỏ nằm lúp xúp giữa hai bên đường... đó là cảnh tượng thường thấy khi chúng tôi có chuyến đi tìm hiểu các mỏ quặng thiếc tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An.

Đời “phu quặng”

Những đám bụi bay mù trời bao phủ những căn nhà nhỏ nằm lúp xúp giữa hai bên đường... đó là cảnh tượng thường thấy khi chúng tôi có chuyến đi tìm hiểu các mỏ quặng thiếc tại huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Trong chuyến hành trình này, chúng tôi sẽ được “mục sở thị” tất cả các mỏ quặng thiếc đang hoạt động tại địa phương và được xem như “rốn quặng” của miền Tây xứ Nghệ này...

Tha phương cầu thực

7. Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của hai công nhân sau khi vừa chui từ hầm lên

Quặng thiếc vốn đã làm nên sự nổi tiếng của huyện Quỳ Hợp - một huyện mới “phất” lên của miền Tây Nghệ An nhờ loại khoáng sản quý này. Dù đã được khai thác mấy chục năm qua, nhưng trữ lượng quặng tại các khu vực Châu Hồng, Châu Tiến, Châu Quang, Châu Thành... dường như vẫn còn vô tận.

Trước đây, vào những năm 90 của thế kỷ trước, người dân mới bắt đầu biết khai thác “lậu” quặng thiếc đem bán để cải thiện cuộc sống vốn rất khó khăn, bởi ngoài hai buổi lên rẫy theo mùa thì có gần đến nửa năm nhàn rỗi bà con chẳng biết làm gì.

Theo chân ông Sầm Ngọc Phòng, Trưởng Công an xã Châu Hồng, chúng tôi đột nhập mỏ khai thác của Công ty Đức Chính (đóng trên Thung Lùn, xã Châu Hồng). Khu vực khai thác của đơn vị này có diện tích khoảng 4 - 5ha, địa hình dốc khúc khuỷu khiến hầu hết các loại phương tiện như ô tô hay xe máy rất khó vào.

Thấy người lạ xuất hiện, mấy tốp công nhân đang hì hục làm việc bỗng ngừng tay, nhìn về phía chúng tôi với ánh mắt dò xét. Tôi lân la làm quen anh Vi Văn Chính (25 tuổi), quê ở xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu. Anh cho biết đã theo cái “nghiệp” đào quặng này từ năm 15 tuổi. tính đến nay cũng đã hơn 10 mùa rẫy trôi qua anh làm công việc cơ cực và nguy hiểm này.

“Quê em vốn nghèo đói quanh năm, cả năm trời chỉ có một mùa rẫy thì làm sao đủ ăn. Nhà lại đông anh em, là con cả nên em phải bỏ học từ năm lớp 9, rời quê xuống đây kiếm tiền phụ giúp bố mẹ và nuôi các em”, Chính tâm sự với vẻ mặt buồn rười rượi.

6. Công nhân đang rửa quặng

Chỉ về phía tốp công nhân đang hì hục đẩy chiếc xe “cải tiến” to tướng, Chính nói: “Mấy đứa đó đều ở trên quê em cả, nhà đứa nào cũng nghèo nên phải xuống đây làm quặng kiếm tiền nuôi gia đình, vợ con. Làm ở đây tuy vất vả, nhưng thu nhập cũng khá nên anh em cũng ráng chịu cực”.

Là “lão làng” trong số khoảng 40 công nhân ở đây, bác Vi Văn Thanh, người Quỳ Châu, nói: “Ở tuổi 62, đáng lẽ tôi đã được an nhàn, vui vầy bên con cháu. Thế nhưng đó chỉ là mơ ước, ở mỏ của Công ty Đức Chính có tới bốn “biên chế” của gia đình tôi: tôi và ba thằng con trai.

Chúng đều bỏ học từ bậc tiểu học, theo tôi xuống vùng mỏ quặng để kiếm sống chứ ở quê không biết làm gì cho ra tiền, ra gạo mà nuôi thân chú ạ”. Trong đám công nhân ở đây có vài người nói giọng Bắc, hỏi ra mới biết họ là “dân mỏ” Thái Nguyên.

Anh Đinh Quang Trung, người huyện Võ Nhai, cho biết: “Em là lính mới, vào Nghệ An làm được một năm, trước đây, em làm công nhân gang thép nhưng không đủ ăn nên phiêu bạt vào tận đây để kiếm sống”. Được biết, cả nhóm của anh Trung còn ba người nữa cùng quê, đã vào đây làm được một năm rồi nhưng chưa dám về quê thăm gia đình vì ai cũng cố gắng dành dụm để có tiền gửi về phụ giúp gia đình.

Đổi mạng

Tại huyện Quỳ Hợp hiện có hàng trăm mỏ quặng thiếc đang hoạt động với số lượng công nhân lên đến vài nghìn người, trong đó đa số là dân từ nơi khác đến.

Công nhân thường làm theo hình thức giao khoán, ăn ở ngay tại mỏ. Theo những công nhân làm lâu năm tại mỏ của Công ty Đức Chính, làm việc theo hình thức giao khoán sẽ giúp các chủ mỏ dễ quản lý thời gian làm việc của công nhân và hiệu quả công việc cũng cao hơn.

Mỗi tốp ba công nhân thường phải làm một ca trong khoảng 4 tiếng đồng hồ là ít nhất, để đào và xúc lên đầy một xe lớn có trọng lượng khoảng vài tấn.

Ông Nguyễn Công Thành, quản lý mỏ của Công ty Đức Chính, cho biết, hầu hết công nhân đều có lương khá cao, từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Và những người có ngày công cao nhất là thợ khoan âm và “phu” móc quặng.

8. Đường vào hang sâu đến hàng trăm mét của Công ty Đức Chính

Theo anh Trần Văn Tám, người Thái Nguyên, thợ khoan âm, do thợ khoan âm thường đòi hỏi phải có tay nghề nên rất khó tìm và cũng được trả lương cao, từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Một số mỏ còn phải thuê công nhân người nước ngoài (Đài Loan hoặc Trung Quốc) đảm nhận công việc này với thù lao rất cao.

“Em làm thợ khoan âm để chủ nổ mìn trong hang sâu khoảng 300m, công việc mỗi ngày không nhiều lắm, nhưng rất mệt và nguy hiểm vô cùng”, anh Trần Hoài Nam, người Quỳ Hợp, than thở.

Anh Vi Văn Tấn, người ở xã Quế Sơn, huyện Quế Phong, cho biết thêm: “Nếu thợ khoan âm, thợ cơ khí và thiết kế hầm thiếc có lương cao, thì ngày công của thợ móc quặng ở dưới lòng đất cũng không đến nỗi thấp. Tính ra mỗi ca làm việc (khoảng 4 tiếng đồng hồ) được chủ mỏ trả cho 300 - 400 nghìn đồng, chưa kể ăn uống. Chỉ có điều công việc móc quặng cũng cực lắm và không ít hiểm nguy”.

Anh Vi Hải Thuyên, một phu móc quặng người Quỳ Châu, ngán ngẩm: “Làm ở dưới hang sâu thẳm nhưng hệ thống chằng chống chỉ là những thanh gỗ, thanh tre hết sức sơ sài, nên hầu như ngày nào cũng xảy ra tai nạn. Nhẹ thì trầy xước tay, chân, nặng hơn thì mất cánh tay, gãy ống chân..., thậm chí chết người”.

2. Một góc mỏ của Công ty Đức Chính và một căn hầm đào quặng đã từng bị sập

Nghe kể chuyện tai nạn sập hầm năm 2008 cướp đi mạng sống của ba người tôi không khỏi cảm thấy lạnh buốt sống lưng: “Hôm đó, mọi người chui vào hang để đào quặng ở độ sâu chừng 10 - 15m, đang đào thì đột nhiên hầm bị sập khiến ba thanh niên ở bản Đồng Huống, xã Châu Quang chết tại chỗ”.

Thế nhưng, với công nhân và người dân nơi đây thì đó là chuyện bình thường và hầu hết các vụ tai nạn đều bị chủ mỏ ém nhẹm, thỏa thuận đền bù vài chục triệu đồng cho gia đình các nạn nhân là xong, rồi đâu lại vào đấy.

4. Đường lên các khu mỏ quặng thiếc tại xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp)

Cuộc sống vẫn tiếp diễn, những mỏ quặng thiếc vẫn ngày đêm vang rền tiếng máy hòa lẫn với tiếng nổ mìn phá đá âm âm vang lên giữa chốn núi rừng heo hút. Những phu quặng thiếc vẫn ngày ngày chui xuống những cái hang sâu thẳm, tối tăm và hiểm nguy luôn rình rập để mong kiếm được ít tiền chăm lo cho cuộc sống khốn khó của gia đình ở quê nhà.

Rời núi rừng Quỳ Hợp khi sương chiều đã bao phủ lên những đỉnh núi cao sừng sững, thấp thoáng trên các sườn đồi là những ánh đèn lấp lánh ở các điểm mỏ. Nhìn thấy dáng hình còm cõi của những công nhân đang tất bật chuẩn bị bữa tối hiện lên trong ánh sáng mờ ảo mà lòng không tránh khỏi trĩu nặng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đời “phu quặng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO