Đổi nợ lấy cổ phần: Trước dễ nay có dễ?

11/02/2015 00:43

Tại dự thảo sửa đổi một số điều của Nghị định 58 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ để hoán đổi nợ đã được bổ sung.

Đổi nợ lấy cổ phần: Trước dễ nay có dễ?

Tại dự thảo sửa đổi một số điều của Nghị định 58 hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán, điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ để hoán đổi nợ đã được bổ sung. Liệu nó có chống được các đợt phát hành ồ ạt, nhiều mức giá chỉ với mục đích làm sạch các khoản nợ?

Để thoát khỏi điều kiện mập mờ

Chào bán cổ phần riêng lẻ để hoán đổi nợ tại các công ty đại chúng hoặc không đại chúng không phải là mới bởi thực tế một số công ty niêm yết đã làm việc này. Thậm chí có đợt phát hành cổ phiếu cấn trừ nợ lên đến hơn ngàn tỉ đồng.

Tại dự thảo này, điều kiện chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi các khoản nợ của công ty đại chúng bao gồm: có ý kiến chấp thuận của chủ nợ, có quyết định của đại hội đồng cổ đông thông qua phương án chào bán, xác định số lượng chào bán, danh sách chủ nợ, khoản nợ, phương pháp xác định và tỷ lệ hoán đổi.

Quan trọng nhất là dự thảo quy định phương pháp xác định và tỷ lệ hoán đổi nợ phải được tổ chức có chức năng thẩm định giá. Trong trường hợp tổ chức phát hành, chủ nợ là doanh nghiệp thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì việc hoán đổi phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và đáp ứng các điều kiện của luật chuyên ngành.

Điều kiện đổi nợ lấy cổ phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng cũng tương tự như trên. Có thêm quy định là cổ phiếu hoặc phần vốn góp được hoán đổi không thuộc các trường hợp bị hạn chế chuyển nhượng tại thời điểm hoán đổi theo điều lệ công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.

Dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán chưa thể “quét” đến được việc hoán đổi nợ thành cổ phần các công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối hoặc doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, dù nhiều DNNN hiện nay là con nợ rất lớn của nhiều chủ nợ khác nhau, đang cần làm sạch sổ sách để IPO.

Thực tế đã có rất nhiều đợt phát hành riêng lẻ cho một số cổ đông nhất định, thường là các cổ đông chiến lược hoặc tổ chức. Ở đây không bàn đến các đợt chào bán riêng lẻ thông thường, bởi chào bán riêng lẻ để gọi thêm vốn vào doanh nghiệp là bình thường.

Nhiều đợt chào bán, giá bán cao hơn giá cổ phiếu trên thị trường cũng được chấp nhận. Còn phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ thì con nợ không thể bán món nợ được chuyển thành cổ phiếu với giá hời được. Thường là phát hành bằng hoặc dưới mệnh giá, miễn sao quyền lợi hai bên được đảm bảo, chủ nợ và con nợ tìm được tiếng nói chung.

Với quy định của Luật Chứng khoán hiện hành, doanh nghiệp không quá khó khăn trong việc chào bán cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ nợ vì hồ sơ thủ tục thực hiện như một đợt phát hành bình thường. Doanh nghiệp phát hành cần thêm hợp đồng, giấy tờ chứng minh cam kết chốt nợ giữa doanh nghiệp và chủ nợ, cam kết chấp thuận hoán đổi nợ với giá thỏa thuận giữa các bên là có thể làm được.

Tất nhiên, trong trường hợp phát hành cổ phiếu riêng lẻ dưới mệnh giá thì đơn vị phát hành phải có văn bản xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, được sự chấp thuận của ủy ban mới được phát hành. Hay nói khác đi là trước vẫn có quy định về chào bán cổ phần riêng lẻ, cho phép cấn trừ nợ nhưng điều kiện chưa thật rõ, hành lang pháp lý cũng lỏng lẻo. Nhất là trong trường hợp phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá mà chủ nợ lại là các tổ chức, cá nhân có liên quan với con nợ.

Như trường hợp của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) phát hành 127 triệu cổ phiếu riêng lẻ cấn trừ nợ cho năm tổ chức có liên quan đến ITA. Hoặc Quốc Cường Gia Lai phát hành 133 triệu cổ phiếu chào bán cho 100 nhà đầu tư chủ nợ với tổng giá trị khoản phát hành cấn trừ lên đến 1.330 tỉ đồng (133 triệu cổ phiếu), cao hơn hẳn 15 triệu cổ phiếu của doanh nghiệp đang lưu hành.

Nhưng cũng có trường hợp như VietinBank thì không thể hoán đổi nợ thành cổ phần tại các cảng biển - công ty con của Vinalines cho dù Vinalines đang nợ ngân hàng này đến 5.000 tỉ đồng vì vướng nhiều quy định chuyên ngành ngân hàng. Vả lại các công ty mà VietinBank muốn đổi cổ phần không phải là con nợ của ngân hàng.

Hoán đổi nợ lấy cổ phần DNNN mới khó

Những phân tích trên cho thấy rằng, các điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ, đặc biệt là để cấn trừ nợ được bổ sung vào Luật Chứng khoán chỉ là hợp thức hóa cho hình thức phát hành kiểu này của doanh nghiệp niêm yết hay chưa niêm yết, thay cho tình trạng làm đến đâu xin phép đến đấy như trước kia. Việc thẩm định giá để ngăn chặn các kỹ thuật phát hành cổ phiếu nhằm có lợi cho cổ đông lớn, bảo vệ quyền lợi các cổ đông nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, việc hoán đổi nợ lấy cổ phần mà đơn vị phát hành hay chủ nợ là các doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện như ngân hàng cũng vẫn sẽ bị siết chặt vì dự thảo quy định bổ sung vẫn nhấn mạnh việc cả bên phát hành và bên chủ nợ phải chịu quy định của luật chuyên ngành.

Trước, Luật các tổ chức tín dụng không cho phép ngân hàng đầu tư vượt quá 11% vốn điều lệ vào một doanh nghiệp. Nay Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ tháng 2-2015 còn siết chặt hơn. Theo đó, ngân hàng không được cấp quá 5% vốn tự có cho một khách hàng. Nghĩa là, nếu chuyển nợ thành vốn góp thông qua nhận cổ phiếu phát hành riêng lẻ thì tỷ lệ được nhận sở hữu tại doanh nghiệp con nợ thậm chí còn thấp hơn trước.

Cái khó nữa là dự thảo sửa đổi Luật Chứng khoán chưa thể “quét” đến được việc hoán đổi nợ thành cổ phần các công ty cổ phần có vốn nhà nước chi phối hoặc doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, dù nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện nay là con nợ rất lớn của nhiều chủ nợ khác nhau, đang cần làm sạch sổ sách để IPO. Nhiều chủ nợ cũng muốn hoán đổi nợ thành cổ phần sau khi doanh nghiệp được cổ phần hóa vì nhìn thấy nhiều tiềm năng.

Song, vấn đề là vốn nhà nước dù chia ra thành hàng triệu cổ phần để bán, bán đợt này không hết có thể bán tiếp đợt sau, thì chủ nợ cũng khó “thò tay” vào được. Bởi Nghị định 71 của Chính phủ về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa có quy định chào bán cổ phiếu cả lô. Mà các đợt phát hành cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ nợ (nếu có) thực ra cũng là một hình thức phát hành cả lô theo dạng này. Các trường hợp Nhà nước thoái vốn cả lô tại các doanh nghiệp từ trước đến nay đều phải được sự đồng ý của Thủ tướng.

Tương tự như vậy, nếu Luật Chứng khoán có sửa đổi và cho phép doanh nghiệp đổi nợ thành cổ phần đi chăng nữa thì DNNN vẫn phải chờ sự chấp thuận của Chính phủ, với tư cách chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đó là chưa nói đến tiền thu từ các đợt bán vốn nhà nước phải nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương. Mà chủ nợ thì chỉ hoán đổi nợ, nghĩa là đợt phát hành không thể thu được tiền để nộp về quỹ.

Dù sao thì dự thảo sửa đổi quy định Luật Chứng khoán đã tính đến chuyện hợp thức hóa việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ nợ với điều kiện cụ thể hơn. Song, nó chỉ dễ nếu các bên hoán đổi nợ không phải là doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện hay DNNN đang ngập chìm trong nợ và cố tìm lối thoát.

>Chuyển nợ thành cổ phần ngân hàng: Rủi ro được báo trước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đổi nợ lấy cổ phần: Trước dễ nay có dễ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO