Độc đáo "Chùa Khỉ"

ĐOÀN ĐẠI TRÍ| 10/02/2016 06:45

Dù có tên là Trúc Lâm Chân Nguyên nhưng người dân trong vùng quen gọi đây là Chùa Khỉ bởi nhiều năm nay, ngôi chùa là nơi lui tới của nhiều đàn khỉ.

Độc đáo

Nằm bên bờ biển Đông thơ mộng, sát tuyến đường biển từ thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nối ra bắc miền Trung, có một ngôi chùa tên là Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên. 

Đọc E-paper

Trúc Lâm Chân Nguyên khác với nhiều thiền viện khác là mỗi khi tiếng chuông chùa sớm từ chánh điện vọng lên thì hàng trăm chú khỉ sống trên núi tìm tới rong chơi, ăn lá, ăn quả trong vườn. Chiều tối, khi ánh hoàng hôn từ phía biển hắt lên, chúng lại lục tục về với thế giới hoang dã.

Trò chuyện cùng chúng tôi, sư thầy Thích Thể Tâm - một người gắn bó với Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên hơn 20 năm - cho biết: Chùa nằm dưới chân núi Kỳ Vân - một ngọn nằm trong dải núi vòng cung chạy dọc bờ biển kéo dài từ vùng Long Hải, Tân Thành qua Khu Bảo tồn thiên nhiên Bình Châu - Phước Bửu. Sáu mươi năm trước, chùa chỉ là một cái am nhỏ do một nhóm ngư dân ngoài Xứ Quảng vào đây làm ăn rồi dựng nên, chưa có tên, nhưng đến rằm, mùng 1, rất đông bà con tới dâng hương, cúng Phật, cầu mong cho những chuyến biển sóng êm gió thuận, tôm cá đầy khoang. Đến những năm 1980, chùa được chính quyền địa phương cùng Phật tử xây dựng khang trang như bây giờ. Rất mừng là trong khi xây lại chùa, cái am nhỏ nằm cheo leo giữa lưng chừng núi Kỳ Vân vẫn được giữ lại, như một chứng tích lịch sử của khu tôn nghiêm này.

Chùa Khỉ dưới chân núi Kỳ Vân, trước mặt là biển Đông

Nhìn ra những con sóng biển đang vỗ ì oạp trong cái nắng Xuân phương Nam rộn ràng, thầy Thể Tâm nhỏ nhẹ nói: "Dù có tên là Trúc Lâm Chân Nguyên nhưng người dân trong vùng quen gọi đây là Chùa Khỉ bởi nhiều năm nay, chùa là nơi lui tới của nhiều đàn khỉ. Vùng này còn lại một ít rừng khá hoang sơ, nên ngoài khỉ còn có chồn, tê tê, mèo, rắn,... dù chúng bị con người săn bắt ráo riết".

Dừng lại một chút, nén tiếng thở dài, thầy Thể Tâm kể tiếp: "Theo nhà Phật, cái gì trong trời đất này cũng nằm trong vòng luân hồi. Trong rủi lại có điều may. Chính vì bị săn bắt ráo riết mới có mối nhân duyên giữa chùa và khỉ nơi này. Chuyện là, vào một buổi sớm một ngày cuối năm như hiện nay, khi sương còn giăng giăng, sư trụ trì lên núi chăm sóc cây rừng thì tình cờ thấy một chú khỉ bị thương, đưa xuống chùa, lấy lá thuốc trên rừng về bó, trị thương cho nó. Khi khỏe lại, chú khỉ này vào rừng rồi ngày ngày dẫn thêm mấy chú khỉ con nữa quay lại, đem trái cây ngon, lá thuốc lành trên núi cao về cho chùa. Dần dà, người và khỉ quấn quýt, thành bè bạn lúc nào không hay. Sau này, có lẽ do chúng thông báo cho nhau, nhiều đàn khỉ trên núi Kỳ Vân ngày ngày xuống chùa chơi đùa, kiếm trái cây ăn. Trải qua nhiều năm, mối lương duyên giữa nhà chùa và đàn khỉ này ngày càng sâu đậm, mỗi ngày có khoảng trăm con khỉ lớn nhỏ xuống chùa".

Chị Viên - một người dân ở chân núi Kỳ Vân cho biết, cứ buổi sáng sớm, nghe tiếng chuông chùa là đàn khỉ không biết ở đâu lục tục kéo xuống. Chúng không phá phách, chỉ loanh quanh tìm lá cây, quả chín. Những năm gần đây, do danh tiếng Chùa Khỉ lan rộng mà nhiều người biết, tìm đến rất đông.

Từ Tân Thành, Bà Rịa cho tới trên Đồng Nai, Sài Gòn, người dân cũng xuống lễ chùa, chơi với khỉ, cho chúng ăn. Thế nên khỉ ngày một đông hơn. Dường như chúng cảm nhận được không khí thân thiện trong ngôi chùa khác với thế giới tự nhiên đầy rẫy hiểm họa bị săn bắt. Chúng quấn quýt với chùa là vì nơi đây có không gian sống thanh bình.

Những chú khỉ ngộ nghĩnh ở Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên

Trong thời gian chúng tôi ở Thiền viện Trúc Lâm Chân Nguyên, nghe được nhiều chuyện lạ liên quan đến bầy khỉ vui nhộn, tinh nghịch nơi đây. Theo thầy Thể Tâm, vài năm nay, khỉ nhiều, để phân biệt, nhà chùa đã đặt tên cho những con khỉ đầu đàn, những con khỉ mẹ, như Tâm, An, Bình, Thanh, Lạc... Dường như những con khỉ được đặt tên đều ý thức được điều này. Khi gọi đúng tên, nó lập tức tới, và ngược lại, nếu gọi sai tên, nó sẽ ở lì trên cây. Người dân quanh chùa bảo những con khỉ được đặt tên đều là khỉ khôn, hiểu được tiếng người.

Tuy nhiên, không phải đặt tên là những con khỉ hiểu liền. Bác Vâm - người bán trái cây ngay cửa chùa kể: "Nhà tôi ở đây, lại hay qua chơi với các thầy trong chùa nên biết để khỉ nhận đúng tên mình do con người đặt là không dễ chút nào. Mỗi lần kêu tên một con khỉ nào đó phải dụ bằng mía, trái cây, bánh mì. Gọi tên mà chúng tới thì được ăn, ngược lại thì không. Dần dà khỉ quen, coi tên gọi của mình như một tín hiệu sắp được ăn".

Cũng theo bác Vâm, hiện nay đàn khỉ ở đây tuy đông nhưng không bao giờ chọc phá khách viếng thăm chùa hay giật đồ của khách. Do ý thức được cuộc sống thanh tịnh ở chùa, khỉ nơi này rất hòa nhã. Ai cho gì thì chúng ăn nấy. Nhận đồ ăn cũng lần lượt chứ không tranh cướp.

Từ chính điện nhìn xuống, cả một vòng cung biển rộng lớn thu vào tầm mắt với thấp thoáng những ghe thuyền. Sau chùa, đường dẫn lên núi được lát bằng đá. Đây cũng là lối đàn khỉ xuống chùa. Sát bên đường lên núi có một phiến đá lớn, mặt phẳng lỳ, được khắc một chữ Phật rất lớn, để những ai tâm chưa tịnh nhìn vào có thể thấy lòng mình thanh thản.

Do không gian ngôi chùa là sự kết hợp của phong cảnh núi non, biển cả cùng những đàn khỉ nên nơi này còn là bối cảnh của nhiều bộ phim truyền hình, nhất là phim cho thiếu nhi.

Có thể nói, Trúc Lâm Chân Nguyên tuy là một ngôi chùa như nhiều ngôi chùa khác ở vùng ven biển, nhưng nhờ mối lương duyên khỉ - người mà trở nên nổi tiếng.

>Khúc Thủy - làng cổ bên dòng Nhuệ Giang

>Đi qua vùng đất thiêng của người Chăm

>Về nơi đất lành quả ngọt

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Độc đáo "Chùa Khỉ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO