Doanh nghiệp cũng cần tham gia quản trị năng lượng

PHƯƠNG QUYÊN thực hiện| 30/10/2013 09:32

Dự kiến, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,5 lần vào năm 2015, và 5 lần vào năm 2025.

Doanh nghiệp cũng cần tham gia quản trị năng lượng

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, Việt Nam với dân số khoảng 86 triệu người, có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình xấp xỉ 8% mỗi năm. Nền kinh tế tăng trưởng cao khiến cho nhu cầu năng lượng tăng theo. Dự kiến, nhu cầu năng lượng tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,5 lần vào năm 2015, và 5 lần vào năm 2025.

Nếu vấn đề tiết kiệm năng lượng không được quan tâm đúng mức thì năng lượng sẽ không chỉ ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế quốc dân, mà còn tác động xấu đến khí hậu và môi trường. Bên lề Hội nghị & Triển lãm quốc tế “Trải nghiệm năng lượng xanh và hiệu quả 2013”, báo Doanh Nhân Sài Gòn Online có dịp trao đổi với ông Xavier Denoly, Tổng giám đốc Schneider Electric, đơn vị có bề dày kinh nghiệm trong quản lý năng lượng.

* Mức tăng lớn so với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu năng lượng đang trở thành thách thức với Việt Nam. Theo đánh giá của ông thì bao giờ, nhu cầu năng lượng ở Việt Nam sẽ trở nên cấp bách?

Ông Xavier Denoly, Tổng giám đốc Schneider Electric

- Quả thực nhu cầu năng lượng tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, trong đó, nhu cầu về điện chiếm phần quan trọng hơn cả. Với mức phát triển dân số khoảng 1 triệu người/năm và 98% dân số đã được tiếp cận lưới điện quốc gia như hiện nay thì nhu cầu điện tăng nhanh cũng là điều dễ hiểu. Tuy so với các nước, mức tiêu thụ điện/đầu người ở Việt Nam còn thấp và khả năng đáp ứng vẫn tốt, nhưng mức tăng trung bình 14 – 15% như hiện nay sẽ tạo thành sức ép lên lưới điện quốc gia trong thời gian không xa. Số liệu từ các nguồn mà chúng tôi có được cho thấy, đến năm 2050, sự mất cân bằng có thể xảy ra.

* Nguyên nhân của sự mất cân bằng này, theo ông?

- Việt Nam vốn là quốc gia giàu tài nguyên nên hiện nay, khả năng cung cấp năng lượng cho nhu cầu trong nước vẫn đủ. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu hóa thạch đang ngày một cạn kiệt, hệ thống nhà máy thủy điện ở Việt Nam đã đi vào tình trạng hoạt động hết công suất. Những dòng sông có độ đốc đủ lớn để phát triển thêm thủy điện cũng đã được khai thác hết nên khả năng phát triển thủy điện sẽ không còn.
Các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… lại chưa được ứng dụng nhiều, chiếm tỷ lệ rất ít trong bản đồ cung cấp năng lượng tại Việt Nam. Với hiện trạng này thì việc mất cân bằng xảy ra cũng là điều dễ hiểu.

* Vậy thì theo ông, Việt Nam cần hoạch định thế nào cho nguồn năng lượng của mình?

- Rất may là nhà nước Việt Nam cũng đã nhận thức được điều này từ sớm và có chính sách cụ thể về sử dụng năng lượng tái tạo. Theo tôi được biết, Việt Nam đang hướng đến mục tiêu năm 2020, nguồn năng lượng tái tạo chiếm khoảng 5% trong tổng số. Hiện nay chính sách này chỉ ở giai đoạn ban đầu nhưng lộ trình như thế là tạm ổn.

Tuy nhiên, song song với việc phát triển năng lượng, việc quản trị năng lượng cũng phải được tiến hành để có thể sử dụng năng lượng một cách hiệu quả và tiết kiệm nhất. Đó là hai mặt quan trọng như nhau của một vấn đề. Tất nhiên, việc quản trị năng lượng này cần phải có sự chung tay của người dùng, là những doanh nghiệp, những hộ gia đình… chứ không chỉ ở mức độ quản lý nhà nước. Quản trị năng lượng để sử dụng hợp lý sẽ tốt cho cả việc kinh doanh lẫn đời sống lâu dài.

* Với nguồn điện nguyên tử mà Việt Nam đang theo đuổi thì sao, thưa ông?

- Điện hạt nhân cũng được tính vào loại năng lượng sạch. Đó cũng đang là xu thế của thế giới và sẽ là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng của tương lai. Việt Nam nắm bắt khá tốt xu hướng này. Tuy nhiên, vấn đề an toàn được xem là thách thức trong việc khai thác nguồn năng lượng nguyên tử. Cần phải có những chuẩn bị chu đáo ngay từ giai đoạn ban đầu như hiện nay.

* Xin cảm ơn ông về những trao đổi này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp cũng cần tham gia quản trị năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO