![]() |
Không biết từ bao giờ, những giàn đậu ngự đã trở thành một nét văn hóa riêng và độc đáo của những người dân thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).
Những nhà có trồng đậu ngự hiện nay kể rằng, loại đậu này họ đã thấy trồng trước sân nhà, ngoài vườn từ đời ông mình, lúc họ còn là một đứa trẻ bước đi lẫm chẫm. Theo thời gian, dẫu có nhiều biến động, nhưng đó vẫn là một trong những nét đẹp riêng của vùng này. Người bảo đậu lớn hạt, bổ dưỡng, rất quý nên gọi là đậu dâng vua ngự thiện, gọi tắt là đậu ngự.
Châu Hiệp xưa vốn là làng Mã Châu, một địa danh nổi tiếng của Quảng Nam về ươm tơ, dệt lụa. Đây là vùng đất yên bình nằm ở hữu ngạn sông Thu Bồn. Cho dù giờ làng nghề dệt Mã Châu đã mai một, nhưng cái bình lặng của thôn xứ vẫn đằm thắm tình quê và thu hút những người đặt chân đến Châu Hiệp.
Tôi đến thăm vùng đất này lần đầu tiên cách đây 11 năm, và những ấn tượng ấy vẫn duy trì cho đến tận bây giờ. Thú vị nhất là những giàn đậu ngự.
Thường thì ra Tết đậu ngự ở Châu Hiệp bắt đầu vào mùa cho trái có thể thu hoạch. Dưới bóng nắng đã bắt đầu gắt, người dân quê hái từng trái đậu trong niềm vui của một mùa mới, một chút quà quê mới lại đến trong khoảnh sân, mảnh vườn của mình.
Có lẽ được truyền qua nhiều đời, đậu ngự Châu Hiệp thường chủ yếu để biếu, tặng bà con họ hàng, chòm xóm, rất ít khi loại đậu này được bán ở chợ. Bởi bà con quan niệm đây như cái lộc trời của gia đình còn giữ được, nên có thì phải chia bớt cho những người xóm giềng, họ hàng thân thuộc.
Vào buổi trưa tháng 4, tại sân nhà mình, bà Nguyễn Thị Đào (56 tuổi), một người dân Châu Hiệp, vừa hái đậu ngự, vừa trò chuyện với chúng tôi. Bà bảo, nhiều năm nay, đậu ngự của gia đình bà ngoài hái biếu làng xóm còn được gói cẩn thận gửi vào TP.HCM để tặng họ hàng, người thân trong ấy.
Đó là những người vì cuộc mưu sinh phải định cư nơi đất khách quê người, nhưng trong tâm thức họ, hình bóng quê hương vẫn in đậm mãi, nhất là vị ngon của đậu ngự.
Vậy là lâu lâu những đứa con xa quê ấy lại điện về, nhờ những người còn đang sinh sống tại Châu Hiệp gửi vào một ít đậu ngự để ăn cho đỡ nhớ quê, cho thỏa cơn thèm chè đậu như thuở còn thơ.
Trong quá trình công tác, những đứa con bà Đào quen biết những người bạn Thái Lan, Mỹ, Úc và mời họ về miền quê Châu Hiệp chơi. Hầu như tất cả họ đều thấy phấn khích khi nhìn thấy những trái đậu rất lạ với họ, cùng hái đậu và thưởng thức những món ăn có sự hiện diện của hạt đậu ngự.
Khi ra về, họ còn xin một ít hạt đậu ngự để mang về quê hương họ. Biết đâu, với khí hậu thích hợp, bây giờ, ở trước nhà của một trong những vị khách nước ngoài ấy đã có một giàn đậu ngự mang màu sắc Châu Hiệp đặc trưng. Chỉ cần gieo từ 4 đến 6 hạt đậu ngự lên thành công, họ đã có giàn đậu phủ bóng mát cho cả một khoảng sân lớn.
Nếu vậy, nét đẹp mang dáng dấp không chỉ của Châu Hiệp mà của cả Quảng Nam sẽ được lan tỏa và có thể lưu dấu ở một vùng đất mới. Đó là điều rất đáng vui.
Hạt đậu ngự có thể dùng nấu chè, nấu xôi hoặc nhiều món ăn khác tùy theo sở thích và khẩu vị của mỗi người. Tôi đã có vài lần ăn chè đậu ngự được nấu ngay tại Châu Hiệp, ngay dưới bóng mát của những giàn đậu ngự. Và như thế mới cảm nhận được hết cái ngon, cái vị của cảnh quê hòa trong cái bùi bùi của hạt đậu ngự trong chén chè trưa.
Cũng từ những lần ấy, tôi có niềm tin rằng giống đậu quý sẽ được lưu giữ lâu và xa hơn nữa. Nhìn ánh mắt đầy niềm vui và những lời kể đầy tự hào về giàn đậu ngự quê mình của bà Đào cũng như các con bà, tôi càng tin hơn. Trưa Châu Hiệp cũng vì thế mà như bớt nắng.
>Những chiếc giỏ xe chở đầy hành tím
>Nhớ cua đá, thương hải sâm
>Rau má ngày Hè