Đất đai: Tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế

ĐẶNG KIM SƠN - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp và nông thôn - HẢI V| 21/11/2012 00:29

Những vấn đề bất cập liên quan tới đất đai đang cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu không có đột phá về vốn, khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất để sử dụng đất nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững, thì nông nghiệp Việt Nam khó tiếp tục là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Đất đai: Tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế

Những vấn đề bất cập liên quan tới đất đai đang cản trở quá trình tái cơ cấu nền kinh tế. Nếu không có đột phá về vốn, khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất để sử dụng đất nông nghiệp một cách hiệu quả, bền vững, thì nông nghiệp Việt Nam khó tiếp tục là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế thời gian tới.

Đọc E-paper

Nguồn lực đất đai thời gian qua chưa được huy động hiệu quả. Đất được Nhà nước giao, cho thuê thực hiện dự án đầu tư bị chậm hoặc không sử dụng khá phổ biến, gây lãng phí rất lớn.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tốc độ tăng hệ số sử dụng đất lúa giảm từ 2,15% giai đoạn 1990 - 2000 xuống 0,03% giai đoạn 2000 - 2009. Do đó tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng của hệ số sử dụng đất giảm từ 40,4% giai đoạn 1990 - 2000 xuống 1,5% giai đoạn 2000 - 2009.

Quy hoạch sử dụng đất thấp, quy hoạch ngành không gắn kết, trình tự quy hoạch không đi từ tổng thể đến chi tiết và quá nhiều kế hoạch được thực hiện dù không phù hợp quy hoạch.

Quy hoạch ngắn hạn, kém hiệu quả dẫn tới sự lãng phí về tài nguyên đất. Sự phát triển ồ ạt sân golf, sân bay, cảng biển... không tính đến hiệu quả, mức độ cần thiết của từng dự án là những ví dụ.

Hệ thống văn bản pháp luật và chính sách đất đai được ban hành quá nhiều, thay đổi thường xuyên, thiếu thống nhất làm cho việc quản lý khó khăn. Các luật và văn bản chính sách mâu thuẫn, không thống nhất.

Chẳng hạn, trong Luật Đất đai (2003), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004), Luật Bảo vệ môi trường (2005) và Luật Đa dạng sinh học (2008) đều có nội dung điều chỉnh quy hoạch đất rừng theo các cách khác nhau.

Thị trường đất và bất động sản thành thị là nguồn thu thuế đáng kể nhưng thuế suất thực và doanh thu từ thuế thấp. Theo Tổng cục Thống kê, tổng các nguồn thu từ đất của Việt Nam chiếm 5-8% tổng thu ngân sách nhà nước, trong đó chủ yếu là tiền sử dụng đất. Thất thu thuế đất làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng.

Việc giao đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án sử dụng đất còn hạn chế. Nhà nước chưa thực hiện tốt vai trò điều tiết nguồn lợi từ đất thông qua xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đầu tư kết cấu hạ tầng; chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Trong đó, phần địa tô tăng lên do quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng của Nhà nước chủ yếu rơi vào túi nhà đầu tư.

Đất đai là tài sản cơ bản của hầu hết nông dân nhưng họ cũng là những đối tượng chính chịu bất bình đẳng trong bảo đảm các quyền về đất. Luật Đất đai hiện tại cho phép nông dân quyền sử dụng, chuyển giao, cho thuê, thừa kế, thế chấp, cho, tặng và góp vốn.

Luật cũng đặt mức hạn điền cho mỗi hộ theo từng loại đất. Nhưng thực tế, quyền sử dụng đất của nông dân bị hạn chế, thu hẹp và bị giám sát sát sao, trong khi người sử dụng đất đô thị được hưởng lợi nhiều hơn từ cơ chế chính sách: không bị giới hạn về thời gian, quy mô, thủ tục giao dịch thuận lợi hơn, mức độ bồi hoàn cao hơn khi bị thu hồi, quy hoạch rõ ràng hơn, giá trị đất đai cao hơn, thế chấp vay vốn dễ hơn rất nhiều so với đất nông nghiệp.

Đời sống của nông dân sau khi bị thu hồi đất trở nên bấp bênh. Chính sách thu hồi đền bù chưa thỏa đáng, tạo tham nhũng, gây bất bình và bất ổn xã hội.

Hầu hết các dự án thu hồi đền bù chưa tính đến sinh kế lâu dài cho người nông dân mất đất, khiến 53% thu nhập của số hộ bị thu hồi đất bị giảm và có tới 34,5% số hộ có điều kiện sống thấp hơn so với trước khi bị thu hồi đất. Đó là chưa kể đến quá trình vận hành các khu công nghiệp, khu đô thị gây ô nhiễm môi trường đất, nước nghiêm trọng.

Tình trạng khai thác tài nguyên (rừng, nước, khoáng sản) quá mức cho phép, gây tác hại về kinh tế, xã hội và môi trường ở nhiều nơi.

Như vậy, để đạt được những mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế, không thể không tính tới các vấn đề về đất đai.

Thứ nhất, đất là tài sản đặc biệt chỉ có thể sử dụng, khai thác hiệu quả nhờ sự quản lý, đầu tư ổn định. Do đó, phải được đảm bảo an toàn dài hạn bằng việc xác định rõ chủ thể sở hữu (hướng tới đa sở hữu), xác lập quy hoạch, ước tính giá trị.

Thứ hai, cơ chế thị trường là giải pháp điều chuyển sử dụng đất linh động, đảm bảo hiệu quả kinh tế nhất. Cho nên cần hình thành thị trường giao dịch, chuyển nhượng, cho thuê với điều kiện vận hành thuận lợi nhất, chi phí giao dịch thấp nhất.

Dựa trên các động lực thị trường, giao đất cho nông dân trực canh, khuyến khích họ tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất lớn, áp dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Thứ ba, phát huy vai trò của Nhà nước trong việc hỗ trợ, tạo động lực cho các thành phần kinh tế khác đầu tư vào các loại đất chưa đem lại hiệu quả như đất trống đồi núi trọc, đất rừng đặc dụng... đặc biệt là phát huy giá trị, khả năng sử dụng và quản lý đất công thống nhất.

Thứ tư, cương quyết chấm dứt chính sách hy sinh nông nghiệp nông thôn để phục vụ công nghiệp hóa, đô thị hóa. Thay vào đó, cần định hướng giãn phát triển công nghiệp, đô thị về nông thôn; phát triển cân đối giữa các ngành và vùng, dựa trên lợi thế so sánh, phát huy tối đa khả năng liên kết của các ngành để tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ năm, thiết kế, triển khai, giám sát thực hiện chính sách và quy hoạch cần đảm bảo chính xác các cân bằng chính giữa các ngành, vùng, đối tượng và có sự tham dự của mọi đối tượng. Nâng cao năng lực quản lý của Nhà nước và tăng cường sự tham gia của người dân trong quản lý, sử dụng tài nguyên đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đất đai: Tiền đề tái cơ cấu nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO