Đạp cội tìm trầm, phận nghèo phu phen

HÀN THƯ| 18/04/2013 07:45

Vụ năm phu trầm ở xã Quảng Minh và Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị thảm sát gây chấn động dư luận, nhưng những phu trầm đồng hương của họ vẫn bất chấp hiểm nguy, lầm lũi lên rừng. Bởi đó là con đường duy nhất để họ kiếm kế sinh nhai.

Đạp cội tìm trầm, phận nghèo phu phen

Vụ năm phu trầm ở xã Quảng Minh và Quảng Sơn (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) bị thảm sát gây chấn động dư luận, nhưng những phu trầm đồng hương của họ vẫn bất chấp hiểm nguy, lầm lũi lên rừng. Bởi đó là con đường duy nhất để họ kiếm kế sinh nhai.

Đọc E-paper

Nhìn bên ngoài làng trầm yên ả, nhưng trong đó bao cảnh đời bạc phận

Cạnh nhà năm phu trầm bị các hung thủ thảm sát là hội của những phu trầm khác. Đó là Nguyễn T. đang vay mượn vài chục triệu đồng để cùng vợ về thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch) mua gạo, lương khô, thuốc chống sốt rét và các loại thuốc khác cho vào ba lô chuẩn bị lên rừng.

Ngoài ra còn phải dằn túi hàng chục triệu đồng, cất trong một túi nhỏ, may dính vào phía sau đủng quần để phòng khi bất trắc giữa rừng có cái để mà lo lót. Tôi hỏi: "Anh không sợ bị giết như năm phu trầm vừa qua sao?".

T. trả lời như than vãn: "Sợ thì cũng sợ, nhưng không lên rừng thì tiền mô cho bốn đứa con ăn học, rồi tiền trả nợ mần nhà, tiền đồng áng, tiền phí các loại trong làng xã..., tất cả phải nhờ vào vai phu trầm của tui. Chấp nhận nguy hiểm, cực khổ mà có chút đỉnh để sinh sống, chứ sợ mà ngồi nhà bó gối thì chết đói cả nhà luôn chú ơi!".

Nói rồi, T. mài lại lưỡi dao lài đi rừng, lấy một số cuốc xẻng chuyên dụng bỏ vào bao lác. Phía ngoài đường làng, nhóm phu trầm thân thích cùng hội đang chờ.

T. đến bàn thờ của bố, một nạn nhân của vụ cướp trầm cách đây hơn chục năm, thắp nén nhang vái hương hồn bố phù hộ cho nhóm tìm trầm lên đường lần này được trúng cội để tiếp tục cuộc sống giữa đảo nổi sông Gianh.

Hơn chục năm trước, ông B. bố của T. đi tìm trầm ở vùng đường 7 Nghệ An, lên phía rừng giáp với Thanh Hóa và vùng biên giáp Lào, ông bị thổ phỉ bắn chết khi trúng cội trầm rất lớn. Lúc bị vây bắn, bạn trầm chạy tứ tán, phải một tháng sau người trong họ mới tìm được xác ông đưa về. Nay T. đã có bốn mặt con, vì mưu sinh nên vẫn lao theo nghiệp bố.

Làng trầm nhưng nhà vẫn nghèo

Trước khi năm phu trầm xấu số bị giết hại dã man còn có ba phu trầm khác ở Quảng Minh bị bắt cóc là Trần Minh Tuấn, 24 tuổi; Hoàng Lê Dũng, 29 tuổi và Nguyễn Thanh Liêm, 46 tuổi. Trên gương mặt của những phu trầm này còn in hằn sự hoang mang lo lắng sau ngày thoát chết.

Nhưng khi được hỏi có đi trầm nữa không, họ vẫn khẳng định sẽ tiếp tục lên rừng, bởi: "Không đi thì lấy chi mà sống". Họ đánh đổi mạng sống của mình để kiếm cái ăn, cái mặc cho gia đình. Với họ, tìm trầm như một cái nghiệp gắn vào số phận, không thể bỏ được.

Có lẽ Quảng Minh và Quảng Sơn là vùng phu trầm lớn nhất lưu vực sông Gianh khi ở đây có hơn ngàn người lấy nghiệp tìm trầm làm kế mưu sinh.

Phu trầm Hoàng Văn H. cho biết: "Dân làng sống giữa vùng cồn bãi, ruộng mỗi khẩu chỉ 14 thước vuông, gạo không đủ sống, muốn con cái có cái chữ thì bố nó phải chui vô rừng mà đạp đất tìm trầm".

Nhưng cả làng Quảng Minh chưa thấy nhà ai giàu lên bởi nghiệp tìm trầm, vì một lẽ, họ chỉ đi phu cho chủ trong rừng miền Trung hoặc qua các tỉnh giáp ranh nước Lào. Họ không đủ tiền để đi trầm đường dây lớn.

Người ven châu thổ sông Gianh vẫn kháo nhau, vùng trầm Quảng Minh, Quảng Sơn giàu nứt, nhưng thực tế, có vào làng mới biết, họ đều phận phu phen giữa rừng, không có vốn liếng lớn để vào đường dây trầm lậu, đi trầm bằng máy bay, nên kiếp nghèo vẫn đeo bám họ giữa khắc nghiệt sinh tồn.

T. cho biết, vùng trầm miền Trung ở Trường Sơn hiện đã hết, phu trầm cứ lối cũ của người đi trước trúng trầm, đào lại cội, để mót từng giác nhỏ như đốt ngón tay, thậm chí mót luôn cả thứ trầm li ti như đầu đũa.

Mót trầm như thế mấy tháng trong rừng, cộng dồn lại tính ra cũng dư chút tiền sau khi hoàn vốn. Ông Hoàng Minh Hiếu, Trưởng thôn Minh Tiến, cho biết, có đến hơn 80% trai tráng trong làng đi trầm, nhưng người đi trầm vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo.

Bởi lẽ: "Đi trầm của làng ni chỉ là trầm vặt, trầm mót, nên thường hòa vốn, có khi chỉ dư chút đỉnh mua gạo tích trữ qua mùa Đông, qua mùa mưa bão là đã may lắm rồi. Cái làng ni, ai thoát nghèo vì trầm thì tôi khen tài. Tui đây cũng vì nghèo quá mà cũng đã từng phải đi trầm mà”.

Sông Gianh

Ở làng Chay, Quảng Sơn, có được trai đinh nào lớn lên cũng đóng gùi đi trầm, nhưng cũng chỉ đủ sống, trầm không đem lại giàu có. Hoàng Minh Đ. kể:

"Làng nghèo nên đi trầm kiểu nghèo, anh em chú bác cùng xách nhau vô rừng, ai được ít thì anh em san sẻ, về dựng liếp nhà; có anh em không nhà phải chạy vạy xóm làng vay mượn để dựng lên, rồi sau đó phu phen trầm suốt đời mà trả nợ. Nói thiệt, làng cho hội trầm vô hộ nghèo mà xấu hổ, theo trầm thì phải giàu có chớ, nhưng tui đây theo trầm mà vẫn nghèo rớt ri.

Không ngả tay nhận cái giấy hộ nghèo thì đau ốm, bệnh tật lấy tiền mô, mà lấy thì cũng xấu với mấy bác trên xã, vì mang tiếng đi trầm, chuyến mô cũng vay mượn tiền triệu, nhưng biết mần răng chừ, thực tế nghèo thì phải nói nghèo, chớ nghèo mà sĩ diện, hô không nghèo thì e điên, chú hè”.

Đi sâu vào làng, người vùng trầm của sông Gianh con trai đi trầm, đàn bà cũng trần ai dưới nước lạnh mùa Đông, trải lưng nắng rám mùa Hè để mò hến.

Có gia đình nghèo quá như ông L., có năm đứa con, đứa con trai thứ ba đã đỗ một trường đại học ở TP.HCM nhưng vì cảnh khổ, học đến năm ba, con trai ông L. đã về nhà, quỳ lạy ba cho vô rừng kiếm gạo, vì ông chẳng đủ tiền lo cho con ăn học.

Làng trầm ở đây bạc phận. Bạc giữa kiếp đời lẫn kiếp người. Vậy nên dáng làng cứ nặng nề với những mái nhà thấp bé. Mùa Hè còn thấy dáng làng giữa nắng, mùa Đông hay ngày mưa lũ, dáng nhà của vùng trầm như côi cút vô biên giữa vùi dập thiên tai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đạp cội tìm trầm, phận nghèo phu phen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO