Đại thụ giữa Tây Nguyên

NHẬT MINH| 24/06/2009 09:01

Già làng như những đại thụ giữa rừng già Tây Nguyên. Sự tồn tại của họ được tính theo không gian của núi rừng, trong hơi thở của đất đai, trong tiếng cồng chiêng của bao thế hệ dân làng cất lên vào dịp lễ hội....

Đại thụ giữa Tây Nguyên

Già làng như những đại thụ giữa rừng già Tây Nguyên. Sự tồn tại của họ được tính theo không gian của núi rừng, trong hơi thở của đất đai, trong tiếng cồng chiêng của bao thế hệ dân làng cất lên vào dịp lễ hội. Họ chính là những người mở rộng không gian sống và nối kết chiều dài văn hóa của Tây Nguyên hùng vĩ.

Một thời giữ đường Trường Sơn

Chúng tôi đến thăm thôn Bhơ Hôông, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, giữa lúc người dân đang chuẩn bị đón mùa lúa chiêm. Trên sàn nhà Gươl, các bô lão hướng dẫn thanh niên tập lại điệu múa cồng chiêng; các thiếu nữ, các chàng trai Kơtu vừa nhảy nhịp nhàng vừa dang những đôi tay rắn chắc lên cao theo từng nhịp cồng, nhịp trống với nét vui tươi hớn hở hiện lên trên từng khuôn mặt.

Vũ điệu tùng tùng, giá gia của người Kơtu

Đứng giữa các bô lão là một cụ ông có đôi mắt sáng, dang đôi tay rám nắng đánh lên những tiếng cồng trầm bổng. “Già làng của bản đấy”, anh Bơríu Danh, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã Sông Kôn - Đông Giang giới thiệu với chúng tôi. Bên bếp lửa hồng và ché rượu cần thơm quyện, giọng trầm trầm, già làng kể cho chúng tôi nghe chuyện thôn bản, chuyện mương rẫy, chuyện làm kinh tế của người dân.

Hồi lâu, tôi hỏi già: “Chúng con được biết già là lão thành cách mạng của huyện, của xã, già kể về những năm tham gia kháng chiến của già đi”. Dường như đã chếnh choáng men rượu, ánh lửa bập bùng lướt trên khuôn mặt đôn hậu, đôi mắt sáng của già nhìn xa xăm hồi tưởng về những ngày chưa xa...

...Cha Brăm tham gia du kích xã, mẹ anh nuôi giấu cán bộ. Giặc Pháp lên bản cướp con gà, con heo, bắt con gái đẹp trong làng, bắt thanh niên đi gùi hàng cho chúng. Brăm căm lắm. Brăm cùng với thanh niên trong bản vót lồ ô làm cái cung, chế cái giáo, cái mác cho cha và du kích xã đánh bọn Tây. Quân Pháp rút đi thì ngay sau đấy bọn Mỹ lại đến, chúng lung bắt cán bộ, rải chất độc lên rừng, cây cối khô cháy hết...

Năm 1957, Brăm và một số thanh niên trong bản bị bắt quân dịch, nhưng anh kiên quyết không theo chúng. Thấy không thuyết phục được, chúng thả anh. Trên đường về bản, Brăm gặp Quách Xăng mà dân bản thường gọi là CoonhAxơớp, là cán bộ hoạt động bí mật của ta. Nghe Axơớp nói về cách mạng, về Bác Hồ, về cuộc đấu tranh giành độc lập, không phải chịu ách nô lệ của ngoại bang, lòng Brăm như sáng lại.

Anh không về bản mà trốn theo Axơớp lên rừng làm du kích, anh đổi tên thành BriuThân (Briu Thư). Được kết nạp vào Đoàn thanh niên, và Brăm được giao nhiệm vụ làm Bí thư đoàn thanh niên đội thanh niên xung phong miền Tây Quảng Đà...

Suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, anh trực tiếp chỉ huy một đoàn dân công gùi hàng, đạn dược, lương thực cho bộ đội, góp công rất lớn làm nên con đường Trường Sơn huyền thoại... Thiếu tướng, nhà văn Nguyễn Chí Trung, tác giả của bút ký Bức thư làng Mực nổi tiếng từng khẳng định: Vùng đất huyền thoại là nhờ có những con người huyền thoại!

Cuối đời giữ nhà Gươil và linh hồn Kơtu

Những năm tham gia kháng chiến đã lấy đi phần nhiều tuổi trẻ của Brăm. Giờ đây, Brăm đã về hưu, về với buôn làng, với bà con dân bản để nghỉ ngơi. Bà Tám vợ ông chỉ mong chồng có thời gian thanh thản chăm ao cá, mảnh vườn, vui thú với các con. Nhưng ông vẫn lại mệt mài tham gia công tác địa phương. Ông lại làm Trưởng Ban Thương binh - Xã hội, Chủ tịch UBMTTQ xã, rồi làm Bí thư chi bộ bốn thôn ở Sông Kôn.

Bà con trong xã, trong bản yêu quý ông lắm, ông khuyên bảo gì cũng đều nghe theo. Họ nhất loạt tin tưởng bầu ông làm già làng. Thấy dân bản còn nghèo, nhìn lũ trẻ nô đùa bên suối, ông chỉ ước ao tất cả bọn chúng đều biết cái chữ.

Muốn tạo việc làm và phát triển kinh tế trong thôn, ông cất công tìm tòi, khôi phục nghề đan lát giúp bà con cải thiện đời sống. Ông lặn lội xuống dưới thị trấn, dưới huyện tìm những mẫu đan mới cho các chị, các mế làm theo. Như để minh chứng cho thành quả của mình, ông dẫn chúng tôi vào nhà Gươil.

Trước mắt chúng tôi bày ra những vật dụng được đan bằng sợi lạt vót từ thân tre, thân lồ ô trên rừng. Những mẫu trưng bày này rất đẹp, từ cái gùi, cái rổ đến túi xách, va li đều trang trí hoa văn lạ mắt, mang bản sắc của dân tộc Kơtu. Anh Bríu De Trưởng Công an xã Sông Kôn nói với chúng tôi:

- “Trước đây, tình trạng chặt phá, ăn cắp gỗ quý trên rừng xảy ra rất nhiều. Bọn lâm tặc lôi kéo số thanh niên trong thôn bản cả tin, ham cái lợi trước mắt theo chúng vào rừng chặt phá gỗ quý như lim, kiền kiền... tuồn xề xuôi. Già Brăm đã cùng với công an xã, hạt kiểm lâm huyện đi đến từng nhà giải thích, vận động, khuyên bảo bà con, thanh niên trong bản không tham tiền mà phá cây rừng vì đó chính là mái nhà của người Kơtu”.

Già làng Bríu Brăm và những dụng cụ văn hóa truyền thống của dân tộc Kơtu tại nhà Gươi

Già lại lặn lội xuống hạt kiểm lâm huyện, xuống công ty lâm nghiệp tỉnh xin cây giống về, rồi nhờ các anh ấy hướng dẫn bà con trồng rừng. Riêng già cũng cặm cụi trồng được hơn một hecta. Già còn cùng các anh công an đi vận động người dân giữu gìn an ninh trật tự thôn, bản; vận động dân không hút ma tuý, không trộm cắp; khuyên con cháu sống lương thiện. Già là trung tâm hòa giải mọi xích mích của người dân trong thôn.

Mỗi mùa lúa chín, khi con trăng tròn là lúc dân bản tụ tập bên đống lửa to trước bãi đất trống cạnh con suối đánh lên tiếng cồng, tiếng chiêng; trai gái nắm tay nhau nhảy điệu “tùng tùng, giá gia”. Già chợt nghĩ, đời sống xã hội ngày càng phát triển, thanh niên đã biết đi xe máy, mặc cái áo thun nhưng không để chúng quên đi bản sắc văn hóa của người Kơtu ta được.

Cùng với hội đồng các bô lão trong xã, già tìm kiếm lại đầy đủ bộ cồng, bộ chiêng như goong, ching, pưnooh, cưpơơr, charơr, kathu, phục hồi lại đàn h’ơjưl (đàn 2 dây) của người Kơtu. Già nói: “Từ nay bất cứ lễ hội nào của người Kơtu đều có trống, có chiêng hát mừng”. Rồi già vận động bà con trong bản, nơi góp tiền, người góp công, đôi khi chỉ là tấm gỗ quý để dựng lên căn nhà Gươl thật to, thật khang trang nằm ngay trung tâm của bản.

Chia tay chúng tôi, già Bríu Brăm nói trong niềm tự hào: “Làng Bhơ Hôông là làng đầu tiên của xã đạt danh hiệu Làng Văn hóa dân tộc thiểu số tiêu biểu cấp tỉnh. Mô hình làng nghề truyền thống của thôn Bhơ Hôông còn được xã Sông Kôn chọn làm điểm nhân rộng sang 5 làng đồng bào Kơtu lân cận trong xã.

Một niềm vui nữa đến với dân làng Bhơ Hôông là ngành du lịch tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Đông Giang đã đồng ý chọn Làng Văn hóa Bhơ Hôông là điểm du lịch cộng đồng. Khi tour du lịch này đi vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân bản địa, cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa bền vững của người Kơtu”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đại thụ giữa Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO