Đài Loan và sự cân bằng cũ - mới

10/05/2018 06:00

Ngoài cảnh quan thiên nhiên đa dạng, thuận lợi để phát triển du lịch, nông nghiệp, Đài Loan còn là vùng lãnh thổ ghi nhiều dấu ấn đặc biệt trong các lĩnh vực cần sáng tạo đột phá, nhất là công nghệ cao.

Đài Loan và sự cân bằng cũ - mới

Nhà kính trồng khoai lang tại Hội chợ Nông nghiệp Đào Viên 2018

Có thể nói, Đài Loan luôn cân bằng giữa việc bảo tồn những yếu tố có sẵn và phát huy những yếu tố mới.

Đầu tư mạnh vào nông nghiệp

Nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế và tăng cường mối quan hệ hợp tác với các quốc gia ở Đông Nam Á, cũng như Australia và New Zealand, năm 2016, Đài Loan triển khai "Chính sách hướng Nam mới" (New Southbound Policy). Theo đó, Đài Loan đẩy mạnh sự phát triển sang nhiều lĩnh vực như du lịch, hạ tầng, nông nghiệp, chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Link bài viết

Trong đó, với khoảng 24% tổng diện tích đất đai được dùng để canh tác, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được Đài Loan đầu tư nhiều nguồn lực. Theo số liệu của Cơ quan Quản lý nông nghiệp Đài Loan (Council of Agriculture), ngành nông nghiệp Đài Loan đạt giá trị gần 16 tỷ USD hằng năm và có khoảng 5% dân số (540.000 người) tham gia làm nông nghiệp. Ngành này đóng vai trò quan trọng về an ninh lương thực, phát triển nông thôn và bảo tồn hệ sinh thái.

Không chỉ đầu tư vào canh tác, từng khu vực ở Đài Loan còn tổ chức quảng bá rộng rãi các thành quả nông nghiệp cho người dân trên đảo cũng như bạn bè quốc tế. Chẳng hạn, để giới thiệu đến công chúng các ý tưởng về cuộc sống xanh và công nghệ thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng đến mục tiêu tiết kiệm sức lao động và tăng cường tự động hóa cho ngành nông nghiệp, Hội chợ Nông nghiệp Đào Viên 2018 (2018 Taoyuan Agriculture Expo) được thành phố Đào Viên tổ chức tại quận Tân Ốc từ ngày 4/4 - 13/5/2018.

Dù được mệnh danh là "thành phố thông minh" với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cao, Đào Viên vẫn không ngừng chú trọng vào việc phát triển đất đai bền vững, đồng thời áp dụng các sáng kiến mới để từng bước chuyển đổi nông nghiệp truyền thống sang hướng nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Đào Viên chính là vùng đất canh tác các loại hoa và cây trồng lớn nhất Đài Loan.

Hội chợ nông nghiệp Đào Viên giới thiệu sự đa dạng của ngành nông nghiệp Đào Viên thông qua 6 chủ đề chính: Sự đa dạng văn hóa, các ngành nghề đặc trưng bản địa, nghệ thuật sáng tạo văn hóa, môi trường bền vững, phong cách sống địa phương và công nghệ thông minh. Tại khu vực trưng bày những máy móc nông nghiệp sáng tạo của Đài Loan, có hơn 60 thành tựu nghiên cứu và phát triển máy móc được giới thiệu.

Khu vực này gây ngạc nhiên cho khách tham quan với phần "trình diễn" của các loại máy chuyên dụng mang đến hiệu quả bất ngờ trong việc phân loại đậu nành, ghép cây cà chua, gọt vỏ dứa, trồng rau, kiểm soát tưới tiêu dựa trên công nghệ điện toán đám mây... mang đến sự tiện lợi, dễ dàng cho nông dân trong quá trình canh tác.

Nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật... trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan tại Hội chợ Nông nghiệp Đào Viên 2018

Nơi trưng bày hình ảnh, hiện vật... trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan tại Hội chợ Nông nghiệp Đào Viên 2018

Đặc biệt, Hội chợ còn có một khu vực trưng bày về lĩnh vực nông nghiệp cũng như giới thiệu các nét văn hóa độc đáo của bốn quốc gia là Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan (gọi tắt là VIPT). Nơi trưng bày là một ngôi nhà được làm từ tre, có thiết kế mô phỏng kiểu dáng của ruộng bậc thang. Được biết, lý do ra đời của thiết kế này là vì Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan là những nước được bình chọn có ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.

Đài Loan đã tận dụng tốt ngành nông nghiệp để phát triển du lịch mà vẫn bảo tồn được hệ sinh thái. Chẳng hạn, nông trại Thanh Cảnh (Qingjing Farm) ở huyện Nam Đầu vốn từ lâu được mệnh danh là "Thụy Sĩ thu nhỏ”, thu hút rất nhiều du khách bản địa lẫn các nước. Nông trại nằm ở độ cao 1.750 mét so với mực nước biển, với nhiệt độ trung bình từ 18 - 21 độ C từ tháng 5 đến tháng 9 hằng năm. Bầu không khí nơi đây luôn trong lành vì phủ một màu xanh của cây cỏ.

Quang cảnh của Nông trại Thanh Cảnh thay đổi theo mùa nhưng luôn rất đẹp với những con đường mòn uốn lượn, ánh mặt trời hửng sáng sau biển mây lúc bình minh, nắng vàng ấm áp ban trưa, sương mù mờ ảo lúc chiều tà, hoàng hôn hồng rực trên đường chân trời khi chạng vạng. Đến tham quan, du khách có thể mua các loại nông sản làm từ cây trái hoặc sữa cừu được nuôi thả ở nông trại.

Giúp người nhập cư "bảo tồn" nguồn cội

Đài Loan có nhiều nét văn hóa đa dạng vì là nơi sinh sống của nhiều người nhập cư. Theo Cơ quan Di trú Đài Loan (National Immigration Agency - NIA), tính đến tháng 2/2018, lượng người nhập cư gần đây (tân di dân) vào Đài Loan là hơn 532.000, trong đó người Việt nhiều thứ ba (sau Trung Hoa đại lục, Hong Kong và Macau) với hơn 101.000 người.

Trong quá trình thúc đẩy sự phát triển của "Chính sách hướng Nam mới", Đài Loan rất coi trọng việc giảng dạy tiếng mẹ đẻ cho người trẻ nhập cư, và kỳ vọng ngôn ngữ của các nước Đông Nam Á sẽ dần trở thành ngôn ngữ thứ hai trong giới trẻ Đài Loan, đặc biệt là đối với những người trẻ nhập cư thuộc thế hệ thứ hai.

Theo Taiwan News, nhu cầu về giáo viên dạy tiếng Việt ở mức cao nhất so với nhu cầu giáo viên dạy các thứ tiếng Đông Nam Á khác tại Đài Loan, lên đến 67% tổng nhu cầu tính đến tháng 5/2017. Do vậy ngày nay, tiếng Việt không những dần phổ biến ở cấp đại học mà còn mở rộng sang các cấp bậc tiểu học, trung học tại Đài Loan.

Chị Hoàng Oanh - nhân viên Văn phòng Nhập cư Đài Loan giới thiệu các dịch vụ tại Văn phòng cho khách tham quan

Chị Hoàng Oanh - nhân viên Văn phòng Nhập cư Đài Loan giới thiệu các dịch vụ tại Văn phòng cho khách tham quan

Chị Trương Hiểu Thúy - một người con xứ Huế - là một trong những cô giáo dạy tiếng Việt ở Đài Loan. Chị kết hôn với  người Đài Loan và sinh sống tại đây hơn 10 năm, hiện là nhân viên tại Chinese Restaurant thuộc Nhà khách Thanh Cảnh (cách nông trại Thanh Cảnh khoảng 10 phút đi ô tô). Ngoài công việc chính tại nhà hàng, chị Thúy còn học lấy chứng chỉ dạy tiếng Việt cho học sinh tại Đài Loan.

Hiện chị dạy cho học sinh ở cấp tiểu học và cho biết đang học tiếp để lấy chứng chỉ dạy học sinh trung học. Chị Thúy tận dụng những ngày nghỉ phép do nhà hàng quy định (khoảng 12 ngày/tháng) để đi dạy tiếng Việt, vì thế mọi thứ khá thuận tiện vì không ảnh hưởng đến công việc chính. Chị cho biết ngoài tiền lương, các cô giáo dạy tiếng Việt còn được phụ cấp chi phí đi lại.

"Cứ mỗi thôn là có một trường học, mỗi giáo viên chỉ được dạy tối đa 7 học sinh. Con cái của những người nhập cư được đặc biệt quan tâm khi mỗi năm, tôi đều nhận được ba vé máy bay miễn phí về Việt Nam, một cho mình, một cho đứa con từ lớp 5 trở lên và một cho cô giáo của con. Theo đó, sau khi về thăm quê hương, con tôi cần viết một bài thu hoạch về chuyến đi đó. Nếu bài viết hay có thể nhận được phần thưởng có trị giá hàng ngàn đô la Đài Loan", chị Thúy kể về những trải nghiệm giáo dục độc đáo tại Đài Loan.

Theo NIA, chính sách trên và những chính sách đa dạng khác được triển khai nhằm hỗ trợ người nhập cư tại Đài Loan và con cái họ "biến giấc mơ thành sự thật", đồng thời giúp người dân Đài Loan hiểu thêm và làm quen với những nét văn hóa đa dạng của người nhập cư.

Được biết, với tính cách chăm chỉ, thật thà, người Việt có mối quan hệ đặc biệt khắng khít với người Đài Loan. Ông Yeh Fu Ming - người phụ trách Chinese Restaurant và Western Restaurant trong Nhà khách Thanh Cảnh cho biết, ông có dịp hợp tác làm việc với nhiều người Việt tại Đài Loan. Ông từng sinh sống tại Việt Nam một thời gian.

"Người Việt, đặc biệt là cô dâu Việt Nam rất thật thà, vui vẻ. Tôi chưa bao giờ coi họ là người nước ngoài, mà là đồng nghiệp, không khác gì người bản địa. Khi làm việc, có thể chúng tôi là cấp trên cấp dưới, nhưng ngoài thời gian làm việc, chúng tôi là bạn bè thân thiết", ông Yeh Fu Ming chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đài Loan và sự cân bằng cũ - mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO