Cứu doanh nghiệp không chỉ nhờ lãi suất

04/11/2014 03:57

Lãi suất giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa vui.

Cứu doanh nghiệp không chỉ nhờ lãi suất

Lãi suất giảm, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa vui.

Động thái cắt giảm lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước vào ngày 28/10 vừa qua có thể khiến nhiều doanh nghiệp lo đi tìm nguồn vốn với kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ rẻ hơn. Nhưng ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC), lại có thể ngồi ung dung, vì công ty ông đang vay ngân hàng với lãi suất chỉ 2-2,5%, mà lại còn vay từ nhiều ngân hàng khác nhau.

Trần lãi suất huy động (*) có xu hướng giảm dần

GMC có một điểm đặc biệt là vay tiền bằng ngoại tệ. Đó là vì công ty này hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu, nên có được nguồn thu ngoại tệ ổn định để trả nợ. Bên cạnh đó, GMC cũng đang được hưởng lợi từ xu hướng giảm lãi suất ở thị trường Việt Nam.

Năm 2013, lãi suất đã giảm mạnh. Sang năm 2014, xu hướng này vẫn tiếp tục. Mới đây nhất là việc Ngân hàng Nhà nước giảm trần lãi suất huy động lần thứ hai trong năm nay. “Động thái giảm lãi suất là một phần của nỗ lực thúc đẩy tín dụng”, báo cáo mới nhất của Ngân hàng HSBC nhận định.

Tuy nhiên, HSBC lại dự báo tăng trưởng tín dụng của Việt Nam năm nay chỉ ở mức 10%, trong khi tính đến ngày 24/10, theo số liệu của Ngân hàng nhà nước, tăng trưởng tín dụng đã ở mức 7,85%. Sự kém lạc quan của HSBC không phải là không có lý do. Bởi lẽ, không phải doanh nghiệp nào cũng được hưởng lợi như GMC.

Một thực tế là lãi suất tuy có giảm nhiều nhưng các ngân hàng vẫn còn gặp bế tắc trong việc chuyển vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu. Giới doanh nghiệp và ngân hàng vẫn “đổ thừa” lẫn nhau khi doanh nghiệp cho rằng dù lãi suất ngân hàng có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao; còn ngân hàng thì lại than vãn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng tiềm năng.

Lãi suất đã giảm nhưng chưa đủ

“Lãi suất hiện nay đã giảm so với thời kỳ trước và ở mức chấp nhận được, nhưng vẫn ở mức quá cao”, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, đưa ra lý do vì sao doanh nghiệp chưa thể tiếp cận vốn vay ngân hàng. Theo ông, các ngân hàng đang hưởng mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay quá cao.

Hiện tại, các ngân hàng thường huy động với mức lãi suất 6% và cho vay ngắn hạn từ 9-10% và dài hạn từ 11-12%, tức mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay từ 3-6 điểm phần trăm. Ông Hưng cho rằng con số này nên ở mức 3 điểm phần trăm là hợp lý.

Một gút mắc khác của các doanh nghiệp là nằm ở lãi suất cho vay trung và dài hạn. “Lãi suất trung và dài hạn trên 10% là rất khó cho doanh nghiệp để đầu tư”, ông Hưng cho biết. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước quy định mức trần ngắn hạn, nhưng khi vay dài hạn thì lãi suất lại dựa vào sự thỏa thuận giữa hai bên.

Ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thép Pomina, cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng mức lãi suất tốt nhất nên vào khoảng 8-10%. “Đối với vay vốn ngắn hạn, mức lãi suất trên còn chấp nhận được, nhưng vay dài hạn thì cao quá”, ông nói.

Hiện nay, Pomina đang vay vốn dài hạn với lãi suất 12%. Mức lãi suất này được xem là nằm trong khung lãi suất phổ biến của thị trường, theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng các công ty thép đầu tư là để hoạt động lâu dài. Vì thế, lãi suất cho vay dài hạn ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền trả nợ của các doanh nghiệp ngành này. Điều đó có lẽ Pomina rất thấm thía vì chính doanh nghiệp này đã gặp không ít khó khăn trong giai đoạn vừa qua do gánh nặng chi phí lãi vay.

Trong bối cảnh đó, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục giảm lãi suất ở những khoản vay cũ. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 9.10, dư nợ cho vay bằng tiền đồng với lãi suất trên 13%/năm chiếm 11,7% tổng dư nợ, trong khi vào cuối năm 2013, tỉ lệ này ở mức 19,72%.

Nếu đứng ở góc độ ngân hàng, cũng khá oan uổng cho các ngân hàng khi nói rằng họ chỉ chăm chăm cho vay lãi suất cao. Các ngân hàng hiện nay đã áp dụng mô hình đánh giá rủi ro khi cho vay; và lãi suất vì thế phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, chứ không theo một chuẩn chung. Trên thực tế, vì để tranh giành khách hàng tốt, các ngân hàng sẵn lòng chấp nhận lợi nhuận ít hơn.

Lấy ví dụ về trường hợp của GMC. Doanh nghiệp dệt may niêm yết này được vay với lãi suất 2-2,5%/năm bằng ngoại tệ, trong khi lãi suất huy động ngoại tệ của các ngân hàng ở mức 0,25-1%. Nghĩa là ngân hàng chấp nhận hưởng mức chênh lệch chỉ khoảng 1-1,5 điểm phần trăm, khác với các khoản vay khác vốn có mức chênh lệch lãi suất có thể lên đến 4-5 điểm phần trăm.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, lãi suất phụ thuộc phần lớn vào dự án của doanh nghiệp. “Chính doanh nghiệp mới là người có khả năng đàm phán lãi suất, chứ không phải ngân hàng”, ông nói.

Không có nhu cầu

Thế nhưng, đó chỉ là câu chuyện riêng của từng doanh nghiệp và ngân hàng. Điều đáng ngại hơn là việc doanh nghiệp không có nhu cầu vay thêm. Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, tỉ trọng quy mô vốn đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội đã giảm từ 38,1% trong năm 2012 về mức 37,6% trong năm 2013, trong khi tỉ trọng đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại tăng lên.

Điều này có nghĩa rằng quy mô đầu tư của doanh nghiệp tư nhân đang tăng chậm dần so với hai loại hình doanh nghiệp kia. Sự thay đổi này có thể được giải thích bằng việc các doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn, hoặc không muốn tiếp cận vốn.

Ông Hưng, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, thừa nhận các doanh nghiệp trong Hiệp hội hiện có rất ít dự án đầu tư, nếu có vay thì là vay lưu động để giải quyết dòng tiền. “Doanh nghiệp nào mạnh lắm mới dám vay”, ông nói.

Không những doanh nghiệp nhỏ, mà cả doanh nghiệp lớn cũng có xu hướng hạn chế đi vay. Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là một ví dụ. Giống như Pomina, HPG cũng trải qua quá trình đầu tư với quy mô lớn của ngành thép và cả mảng bất động sản. Tuy nhiên, HPG lại đang có xu hướng giảm các khoản vay.

Hồi giữa tháng 10, trong cuộc họp báo về báo cáo kết quả kinh doanh quý III/2014, tập đoàn này cho biết đang có chủ trương giảm nợ vay ngân hàng (tỉ lệ nợ vay ngân hàng/vốn chủ sở hữu đã giảm từ 79,7% vào cuối năm 2013 về mức 57%). Hiện tại, dự án xây dựng thêm lò cao số 3 có quy mô 3.000 tỉ đồng của HPG hoàn toàn dựa vào vốn chủ sở hữu.

Một điều đáng mừng là trong cuộc họp báo chiều ngày 28/10 với Ngân hàng Nhà nước, 4 ngân hàng có quy mô lớn nhất Việt Nam (nhóm ngân hàng thương mại nhà nước) cam kết cho vay với lãi suất trung và dài hạn quanh mức 10%. Tuy nhiên, một số người vẫn còn nghi ngại về khả năng tăng trưởng tín dụng, khi ngân hàng chỉ thường tập trung vào các doanh nghiệp tốt, hoặc có quy mô lớn, mà bỏ qua các doanh nghiệp nhỏ.

“Trên thực tế, các chương trình vận động doanh nghiệp kết nối ngân hàng giúp doanh nghiệp thì ít, mà giúp ngân hàng thì nhiều”, ông Hưng nhận xét.

Rõ ràng, việc giải quyết tín dụng hiện nay là một bài toán nan giải. Doanh nghiệp đổ lỗi cho ngân hàng, còn ngân hàng vì lo ngại nợ xấu mà đưa ra mô hình đánh giá rủi ro có phần siết chặt lại để tự bảo vệ mình.

Việc ngân hàng giảm lãi suất là một tín hiệu tích cực, nhưng động thái này chưa thể giúp khơi thông tín dụng trở lại. Câu hỏi đặt ra ở đây là liệu có nên giảm về mức mong muốn của doanh nghiệp, hay cần có thêm biện pháp nào khác.

>'Sẽ phát mãi tài sản nếu không thể cứu doanh nghiệp'
>Cứu doanh nghiệp: Quá chi ly
>
Cần mạnh dạn đưa lãi suất về 8% cứu doanh nghiệp
>Muốn cứu doanh nghiệp, phải giữ thị trường
>
Đề án “cứu doanh nghiệp”: Cần giải pháp cho từng ngành

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cứu doanh nghiệp không chỉ nhờ lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO