Cùng hướng về một ước vọng

HUỲNH VĂN MINH - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM| 22/01/2014 09:21

Xuân Giáp Ngọ với hình tượng chú ngựa dũng mãnh luôn mang lại những dự cảm tốt đẹp cho chúng ta trong một năm cần nhiều động lực mới để vượt qua những khó khăn cũ.

Cùng hướng về một ước vọng

Xuân Giáp Ngọ với hình tượng chú ngựa dũng mãnh luôn mang lại những dự cảm tốt đẹp cho chúng ta trong một năm cần nhiều động lực mới để vượt qua những khó khăn cũ. Vì thế, thay mặt Ban Chấp hành Hiệp hội TP.HCM, tôi xin chúc quý doanh nghiệp (DN) và doanh nhân cả nước, cùng độc giả Báo Doanh Nhân Sài Gòn một năm dũng mãnh về cả sức khỏe, tinh thần để đưa DN nỗ lực đạt được những gì mình mong đợi, bỏ lại sau lưng những gì không vui, không mong muốn.

Đọc E-paper

Quý vị thân mến,

Báo cáo của Chính phủ nhận định năm 2014 tăng trưởng kinh tế có nhiều khả năng sẽ phục hồi nhưng chưa vững chắc. Thậm chí, theo các ý kiến trong Ủy ban Kinh tế, Việt Nam chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân ba năm 2011-2013 dự kiến chỉ đạt 5,6%/năm, ở mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5 - 7%).

Nhận định này một lần nữa cho thấy kinh tế - xã hội vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức gay gắt!

DN chúng ta không nhìn vào các báo cáo, cũng không nhìn vào các phân tích, mà thực sự đã trải nghiệm những khó khăn, vất vả trong năm qua.

Đó là tình trạng hàng tồn kho lớn, doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, chi phí sản xuất ngày càng tăng, nợ nần chồng chất, đồng lương của người lao động thu hẹp lại...

Không chỉ là những lời than mà DN chúng ta đã phải trả giá bằng việc phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động và rất nhiều đã phải phá sản. Mồ hôi, công sức và tâm huyết tích lũy nhiều năm qua đã phải trắng tay!

Không chỉ các DN nhỏ, mà những công ty quốc doanh cũng đang mịt mờ đường ra khi chiếm tới 60% các khoản vay ngân hàng và giữ hơn một nửa các khoản nợ xấu của cả nước.

Nói cách khác, những người vốn được hưởng lợi từ việc thị trường hóa nền kinh tế nay đang kẹt trong các công ty làm ăn kém hiệu quả của mình, tạo gánh nặng cho hệ thống ngân hàng.

Bộ Tài chính cho biết, theo lộ trình, cần giảm dần bội chi để đạt mức 4,5% GDP vào năm 2015. Tuy nhiên, khả năng cân đối ngân sách năm 2014 rất khó khăn, trong khi vẫn phải bố trí tăng chi đảm bảo các nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu.

Vì vậy, Quốc hội đã thông qua mức bội chi ngân sách năm 2014 là 5,3% GDP. Với tỷ lệ bội chi này, dự kiến đến 31/12/2014, dư nợ công khoảng 59,8% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 46,2% GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 42,4% GDP...

Tất cả những khó khăn lớn nhỏ này gióng lên những hồi chuông báo động về nhiều nguy cơ trước mắt. “Suy yếu”, “tụt hậu”, “khoảng cách ngày càng xa so với các nước” là những nhận định được các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh.

Kiên trì kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là những giải pháp quan trọng trong việc tháo gỡ khó khăn cho kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2013 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, ở điểm hội tụ của mọi thách thức như hiện nay, đòi hỏi một cuộc “cải tổ” với những giải pháp tổng thể hơn, quyết liệt hơn và tầm nhìn xa hơn.

Bởi vì, những giải pháp được thực thi chậm chạp và manh mún khiến trong khi phần lớn các nước trong khu vực đã lấy lại đà tăng trưởng sau khủng hoảng thì tại Việt Nam, sự phục hồi còn chậm. Chính sự lúng túng trong điều hành kinh tế, chậm chạp đổi mới mô hình kinh tế, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp còn yếu kém đã làm trói buộc chúng ta trong cách làm cũ kỹ, kém hiệu quả.

Dù khó khăn nhưng chúng ta đang đứng trước những cơ hội lớn. Việc liên kết thành lập cộng đồng ASEAN vào năm 2015, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ mở ra cho các DN nhiều thời cơ mới; Hiến pháp (sửa đổi) đã đưa vai trò của đội ngũ DN vào Hiến pháp và Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có nhiều điểm mới thuận lợi cho DN.

Rồi hàng loạt các thỏa thuận về tự do thương mại đang chờ đợi: Hiệp định Tự do thương mại (FTA) với EU, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (RCEP) với ASEAN và 6 đối tác, FTA với Liên minh Thuế quan Nga-Belarus-Kazacztan, FTA với Hiệp hội Thương mại tự do Châu Âu (EFTA), với Hàn Quốc. Thời gian của hàng loạt cơ hội lớn này đang mở ra trong 2 năm nữa thôi, đánh dấu giai đoạn hội nhập quốc tế ở chiều sâu rộng hơn của Việt Nam.

Sài Gòn chào năm mới - tác phẩm tham dự cuộc thi "Tết Việt 2014". Ảnh: Minh Quân

Thưa quý vị,

Theo sát khó khăn của DN TP.HCM, HUBA cũng đã tổ chức và triển khai nhiều chương trình phù hợp với tình hình thực tế, với chủ trương, chính sách, các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước và 6 chương trình đột phá của TP.HCM nhằm đáp ứng yêu cầu của DN trong tình hình hiện nay.

Chẳng hạn như tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; thực hiện thành công chuỗi sự kiện chào mừng
Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10/2013, gồm các hoạt động chính như: caravan “Hành trình kết nối doanh nhân 2013”; tổ chức đoàn doanh nhân giao lưu với lãnh đạo các địa phương, các hiệp hội DN nước ngoài, cùng nhiều hoạt động xã hội cộng đồng...

Nhưng chúng tôi biết còn phải nỗ lực hơn nữa để hỗ trợ DN vượt khó và vươn lên trong giai đoạn hội nhập mới nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức hơn.

“Chúng ta phải thay đổi tư duy” có lẽ đó là câu nói được nghe nhiều nhất trong năm qua. Đúng vậy, để tránh khủng hoảng, Việt Nam cần phải thay đổi tư duy điều hành kinh tế mà mạnh dạn cắt bỏ gánh nặng từ các công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả, đồng thời cần đẩy nhanh việc tư hữu hóa những ngành nhà nước không cần nắm giữ, loại bỏ những nhóm lợi ích thủ cựu...

Còn với DN chúng ta phải nhanh chóng tái cấu trúc, phải từ bỏ cách làm cũ kỹ, sự ỷ lại vào những mối quan hệ, suy nghĩ ngắn hạn, để hướng tầm nhìn kinh doanh xa hơn bằng cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất, làm giàu bằng những ý tưởng sáng tạo, phục vụ lợi ích cộng đồng...

Đó là những việc mà chúng ta phải làm cho DN, cho nền kinh tế và cho tất cả những người lao động chăm chỉ, những người không muốn công sức, mồ hôi lao động của họ bị lãng phí vô ích.

Họ quần quật làm việc trong những xưởng dệt may bụi bặm, họ nai lưng đêm ngày trong những nhà máy thép nóng bức với niềm tin rằng chúng ta sẽ làm mọi thứ để khiến cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, để tăng thêm nhiều việc làm, để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh hơn.

Rõ ràng, đó không chỉ là ước vọng của của những người lao động, mà là của tất cả chúng ta với tất cả trách nhiệm và sự tự trọng của những người làm kinh doanh, những người lính trên thương trường, đại diện cho một lực lượng kinh tế tiêu biểu của nước nhà.

Chúng ta cũng hiểu rằng, con đường thực hiện ước vọng đó sẽ có những sự khác biệt, sẽ có những cải tổ nhọc nhằn và cả đau đớn. Nhưng nếu cùng hướng về ước vọng đó, chúng ta sẽ đi trên cùng một con đường với cùng một niềm tin và sức mạnh để vượt qua mọi cản trở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cùng hướng về một ước vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO