Cung đường trà cổ

LAM PHONG| 26/06/2015 06:29

Thiên nhiên ban tặng cho vòng cung du ngoạn nối từ Đông sang Tây Bắc trên đất Việt một báu vật quý giá là các vùng trà cổ thụ.

Cung đường trà cổ

Thiên nhiên ban tặng cho vòng cung du ngoạn nối từ Đông sang Tây Bắc trên đất Việt một báu vật quý giá là các vùng trà cổ thụ. Thiên tạo cũng hữu ý khi sắp đặt những miền tiên cảnh, đẹp tuyệt trần nơi vùng trà, điểm xuyết cho hành trình theo dấu cây trà cổ thụ miền cao luôn là một chuyến đi kỳ thú...

Đọc E-paper

Việt Nam đang vinh dự sở hữu những cây trà san tuyết cổ thụ quý hiếm của ngành trà thế giới, với độ phân bố khá đồng đều trải dài qua các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên.

Điểm chung về nơi sinh trưởng của giống trà san tuyết cổ thụ là những vùng núi có độ cao trung bình từ 1.000m trở lên, và càng mọc trên núi cao, chất và lượng trà càng thêm giá trị nhờ hấp thụ dưỡng chất và tinh hoa của sương núi, mây trời.

Từ chuyện về trà cổ thụ, những hành trình trải nghiệm phong vị các miền trà dần được những người yêu trà, yêu thiên nhiên, đam mê khám phá nhập cuộc. Trong từng hành trình, cây trà là điểm nhấn, là cái cớ để lữ khách phiêu du theo những danh thắng và đậm nét hoang sơ nơi các miền trà cổ.

"Cụ trà” Hoàng Liên

Được phát hiện muộn nhất trong dải trà cổ thụ thuộc các nước khu vực Đông Nam Á, vùng trà rừng Hoàng Liên mọc trên cao độ hơn 2.500m, xen với tán rừng già nên các cây trà thân to hơn người ôm, cao vút hơn 30m.

Để đến được rừng trà, điểm khởi hành lý tưởng sẽ từ Trạm Tôn, theo đường lên đỉnh Fansipan (Phanxipang), khi qua cao độ 2.200m rẽ đường mòn bên trái sẽ dẫn lối đến rừng trà cổ thụ.

Nghe qua hành trình khá đơn giản, nhưng đến được vùng trà nhanh phải mất hơn nửa ngày đường với đủ gập ghềnh của một chuyến dã ngoại khi hoà mình cùng thiên nhiên. Nhiều nhóm đam mê trà cổ thụ đã tìm đến rừng trà cổ này, trong đó có Đoàn Hùng Sơn cùng những người bạn đến từ Hà Nội.

Chuyến đi đậm chất phiêu lưu lên vùng trà cổ rừng Hoàng Liên, ngoài việc diện kiến được các cây trà đại thụ của Việt Nam, với Sơn còn mang một ý nghĩa khác được anh chia sẻ: "Tôi tự hào lắm khi chứng kiến cả một rừng trà dày đặc trên độ cao 2.500m so với mặt nước biển với những gốc trà 2 - 3 người ôm, có thể nói không đâu trên thế giới có rừng trà lâu đời như các "cụ trà” nơi đây. Tôi đã lấy mẫu lá (đều là lá già) đưa về Hà Nội thưởng thức và so sánh với trà tươi truyền thống mới thấy sự khác lạ rõ rệt từ hương thơm ngọt nhẹ đến vị ngọt bùi, không ngái và có mùi hăng như trà truyền thống, đem lại cảm giác vô cùng sảng khoái. Đun lâu nước trà vàng sánh, sáng lấp lánh, đây cũng là lúc vị trà uống ngon nhất vì các chất trong lá mới tan hết".

Đoàn Hùng Sơn cùng những người bạn trong chuyến khám phá vùng trà cổ thụ trong rừng Hoàng Liên

Anh cũng đem mẫu lá trà gửi đi phân tích các thành phần hoá học chủ yếu và được các chuyên gia trong ngành trà đánh giá cao về chất lượng vượt trội của trà cổ thụ so với các loại trà hạt trung du, bao gồm: Tanin 9,25%, chất hoà tan 22,13%, cathechin 98mg/g, đạm 2,16%, cafein 1,75%...

Những thông số này khẳng định đây chính là giống trà cổ thụ quý hiếm và cần được bảo tồn, gìn giữ như một báu vật của ngành trà Việt.

Lên miền cao nguyên đá Tủa Chùa

Từ trung tâm Điện Biên đến Tủa Chùa là khoảng cách hơn 250km nhưng cung đường này gần như bị bỏ quên trong danh sách phượt xe máy theo vòng cung Đông - Tây Bắc, cho đến khi những thông tin về vùng trà ở tận cùng Tủa Chùa, tiếp giáp với địa phận Sơn La được giới thiệu là vùng trà cổ thụ mọc dày đặc, với các thân trà to đến ba người ôm, đã gây hấp dẫn và từ đó định hình thêm một cung đường khám phá thú vị nữa.

Qua trung tâm huyện Tủa Chùa, những dằn xóc với ổ gà, ổ voi dễ làm nản lòng các tay lái, nhưng khi gần đến Tả Sìn Thàng, những cảnh thần tiên bắt đầu mở ra.

Gốc trà cổ có lớn nhất ở bản Hấu Chua, Tủa Chùa

Trước hết là sự thanh bình, yên ả của những cung đường uốn lượn theo vách núi, kế đến là những cao nguyên đá tai mèo dần lộ diện, ngày một dày đặc, nhìn quanh đâu cũng là những phiến đá đủ hình thù, phủ màu xám đen đầy huyền bí, mọc chen trong nương ngô của người H'mông trên miền cao Tủa Chùa, tạo nên bức tranh quyến rũ.

Người Hmông ở bản Mống Và sao trà pha đãi khách

Thật dễ gây ngạc nhiên cho lữ khách bởi không ngờ rằng Tủa Chùa cũng có một cao nguyên đá tai mèo có thể sánh với cảnh đẹp cao nguyên đá Hà Giang.

Tả Sìn Thàng hấp dẫn lữ khách với những đặc sản là món thịt heo muối cùng rượu Mông Pê trứ danh của người Phạng Khoang - một nhánh của người Hoa.

Nơi đó còn có một chợ phiên đặc sắc, họp 6 ngày một phiên với người tham gia đa phần là H'mông đen, với nét dễ nhận nơi trang phục khăn tím, váy áo đen, tạo điểm nhấn nổi bật trong những ngày họp chợ. Và trong phiên chợ ấy, ngoài các sản vật địa phương như thịt thà, rau củ quả, món không thể thiếu chính là trà cổ thụ.

Từ Tả Sìn Thàng vào đến vùng trà mất khoảng 10km đường núi, đây là cung đường được các tay lái ưa chuộng bởi có độ thử thách cao, những lớp mây núi dày đặc thoắt ẩn thoắt hiện, khiến mặt đường trơn nhẫy, chỉ sơ suất nhỏ thì những vẻ đẹp của vực sâu vách đá sẽ thành cái bẫy nguy hiểm.

Trà ở Tủa Chùa được ước tính còn khoảng 7.000 cây, mọc khá tập trung, nhiều nhất ở Hấu Chua. Đây cũng là địa danh cuối cùng của Tủa Chùa tiếp giáp với Sơn La, cung đường du ngoạn vào đến bản Hấu Chua là buộc phải quay trở lại vì là đường cùng.

Những cách trở đường sá khiến đặc sản trà cổ thụ Tủa Chùa - nước ánh vàng như mật, vị chát đậm và hậu ngọt đặc trưng - vẫn còn xa lắm với người thưởng trà miền xuôi.

Chợ phiên Tả Sìn Thàng trên cung đường vào miền trà cổ Tủa Chùa

Biển mây Tà Xùa

Rời Điện Biên qua Sơn La, cung đường từ Bắc Yên lên đỉnh Tà Xùa những ngày nắng đẹp, cứ như được lướt trên bồng bềnh của mây, với bên phải là đỉnh Hồng Ngài, bên trái là đỉnh Tà Xùa – nơi có vùng trà cổ thụ quý hiếm của người H'mông bản địa ở hai bản Chung Trinh và Mống Vàng.

Từ trung tâm huyện Bắc Yên, hành trình chinh phục Tà Xùa với cung đường núi chỉ chừng 15km là đến được vùng trà cổ thụ, và cung đường ấy cũng là một trải nghiệm đầy lý thú, đủ độ khó và lắt léo, pha lẫn nhiều nguy hiểm cho các tay lái khi phải gồng người nài xe lên những con dốc cao ngửa mặt, đồng thời cũng "chiêu đãi" cho hành trình bởi những cảnh thần tiên.

Thời điểm lý tưởng để lướt cùng biển mây Tà Xùa thường khi nắng đã lên cao, hơi ấm đủ làm tan sương trên đỉnh núi, chỉ còn lại những đụn mây nơi lưng chừng, để rồi khi lên đỉnh núi, nhìn ra phía xa là mảng trắng muốt của mây đang bồng bềnh trôi dưới chân mình, Tà Xùa khi ấy trở nên quyến rũ nhất.

Những gốc trà san tuyết cổ thụ mọc san sát ở bản Hấu Chua

Khi đã chán chê mê mỏi với "vơ vẩn cùng mây", con đường núi sẽ dẫn lối đến bản Mống Vàng nơi có những nóc nhà của người H'mông - chủ nhân của vùng trà san tuyết cổ thụ Tà Xùa.

Một chuyến khám phá phong vị Tà Xùa bằng việc gùi quẩy tấu (một loại giỏ đan bằng tre) để theo người bản địa đi hái lá trà tươi từ các gốc trà to cỡ người ôm, đem về bản sao trên chiếc chảo gang để cảm rõ mùi khói, mùi trà thoảng hương, cùng những thấm thía của hành trình chinh phục đỉnh Tà Xùa. Chỉ loáng cái, mẻ trà được sao khô, vò kỹ để cánh trà xoăn tít lại, được chủ nhân thong dong đem pha đãi khách.

Ngồi trước bốn bề mây núi, từng cánh trà vẫn còn hơi nóng khi đem pha, cho ra màu nước xanh biếc, nhấp từng ngụm nhỏ đánh thức các giác quan để rồi đón nhận sự khoan khoái, dễ chịu từ những hoà quyện của không gian, thời gian, của báu vật là từng chén trà cổ thụ Tà Xùa dễ tạo một cảm giác lâng lâng như say cảnh tiên miền hạ giới, để khi trở về, vị ngon của trà cùng cảnh tiên nơi Tà Xùa sẽ là một hành trình nhớ mãi.

>Một ngày ở Lương Sơn

>Đi săn sương ở Đà Lạt

>Ba mươi năm giữ hồn vía đất Mường

>Nhật ký 5 ngày khám phá Sơn Đoòng

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cung đường trà cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO