Của biếu là của lo?

PHAN HÒA BÌNH| 01/07/2017 06:20

Chả lẽ bất cứ sự kiện gì, bất cứ một sự giúp đỡ nhỏ nào trong cuộc sống cũng phải quy ra sự trả ơn phù phiếm núp dưới lễ nghĩa rườm rà, rồi cuối cùng tính đếm như món nợ?

Của biếu là của lo?

Hôm qua chúng tôi đón đối tác Thái Lan đến làm việc. Khách là những người quen biết cũ, gặp nhau ở các hội thảo quốc tế, nay mời họ đến dự một vài sự kiện của công ty. Gặp gỡ, ở bên nhau vài ngày mới thấy Thái Lan ở gần ta như thế nhưng văn hóa nước họ lại có nhiều khác biệt.

Đọc E-paper

Vừa gặp nhau, vị trưởng đoàn là giám đốc của một trung tâm nghiên cứu thuộc Hoàng gia Thái Lan đưa cho tôi 2 hộp bánh pía Thái, chỉ nói đơn giản bánh này người Thái rất thích ăn trong mùa xuân. Bánh pía Thái Lan chỉ nhỉnh hơn đồng xu, mỗi hộp có tám cái, chúng tôi ăn hết sạch tại chỗ trong ánh nhìn vui vẻ của khách.

Những người Thái trong đoàn đều rất giản dị, đi lại, đứng lên, ngồi xuống rất nhẹ nhàng, ánh mắt, nụ cười toát ra vẻ khiêm tốn. Ngay ông giám đốc trung tâm nghiên cứu là một chuyên gia có tiếng trong ngành, nhưng khi ông đưa bản tham luận và thẻ nhớ USB cho một cô gái trẻ, ông đứng lên và đưa bằng hai tay.

Kiên nhẫn, khiêm tốn và giản dị là những gì họ thể hiện khi họ đến, dù bằng con mắt chuyên môn, họ biết mình đã đi xa hơn chủ nhà trong nhiều lĩnh vực.

Đến lúc chia tay, chúng tôi rất hài lòng về kết quả của sự hợp tác, lại nhắc khách nếu có dịp gặp nhau nữa, chúng tôi vẫn muốn ăn bánh pía của họ. Nghe vậy, vị khách quan trọng ấy đã cúi gập người xuống cảm ơn.

>>Quà cáp ngoại giao: Của biếu là của lo

Tôi chợt nhớ lại chuyện cũ về cuộc tham quan một trường đại học Nhật Bản của các quan chức Việt ở một tỉnh lớn. Quà tặng của trường là mấy hộp bánh buộc nơ lịch sự, bên trong có ít cái bánh quy nhỏ làm từ bột gạo, không có gì đặc biệt.

Nhiều người đã bỏ hộp bánh lại tủ lạnh của khách sạn vì sợ kiến, vì lười mang về một món quà không có giá trị vật chất. Nhiều người còn nói đùa: "Sao lại tặng mấy cái bánh vớ vẩn vậy!".

Điều gì đã để lại dư vị ngọt ngào ở 2 hộp bánh pía trong một cuộc gặp gỡ khá quan trọng? Tôi nghĩ ở nước mình, trong một cuộc gặp tương tự, không ai dám đem tặng nhau bịch bánh pía đặc sản Sóc Trăng đâu, tối thiểu cũng phải bánh pía nhân yến sào, nhân sâm..., chứ không phải chỉ trứng muối!

Chúng ta đã thấm nhuần câu "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" để xử lý mọi mối quan hệ, kể cả chứng minh thể diện bằng giá trị vật chất. Quà cáp là phải có giá trị nếu không muốn bị chê cười.

Ngay trong cách tặng quà, chúng ta đều theo tư duy phải "thắng", quà phải to hơn của đối tác, đối thủ, càng giá trị càng thể hiện tấm lòng, chẳng khác nào cuộc mua bán biến tướng. Đến thông gia tặng nhau món quà ngày Tết cũng nhìn nhau so đo từng chút một, nếu không sẽ bị chê cười!

Rồi từ lúc nào, chúng ta không tặng quà cho các sự kiện trọng đại của bạn bè nữa. Đám cưới, ta bỏ phong bì để giúp các cặp tân hôn mua sắm cho cuộc sống mới, lý lẽ ấy cũng tạm chấp nhận được. Nhưng đến giờ, ngay cả đi dự tân gia, đi đám mừng cháu đầy tháng, chúc mừng tốt nghiệp, chúng ta đều tặng nhau cái phong bì tiền, thật không có chút tình cảm nào.

Biết là tặng tiền mặt sẽ tiện lợi, giúp giải quyết rất nhiều thứ, nhưng chả lẽ bất cứ sự kiện gì, bất cứ một sự giúp đỡ nhỏ nào trong cuộc sống cũng phải quy ra sự trả ơn phù phiếm núp dưới lễ nghĩa rườm rà, rồi cuối cùng tính đếm như món nợ?

Hóa ra từ xa xưa ông bà lo lắng "của biếu là của lo" ngẫm ra càng thêm đúng!

>>Tặng quà gì cho người đã có đủ mọi thứ?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Của biếu là của lo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO