Còn “nhân tai” sao khắc phục được thiên tai

09/11/2012 09:02

Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Khoa học công nghệ và Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Nhiều đại biểu Quốc hội đã đưa ra ý kiến đóng góp thiết thực.

Còn “nhân tai” sao khắc phục được thiên tai

Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Khoa học công nghệ và Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã đưa ra ý kiến đóng góp thiết thực.

Đưa phòng tránh giảm nhẹ thiên tai vào trường học

Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh họp tại tổ, ngày 9/11

Vấn đề được nhiều ĐBQH quan tâm nhất trong Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai chính là những quy định chưa rõ ràng.

Theo ĐB Trần Đình Thu (Gia Lai), cần có những quy định cụ thể, như những công trình thủy điện, đê điều không an toàn hay những vấn đề mới nảy sinh ảnh hưởng đến sinh mệnh nhân dân sẽ được gọi là gì?

ĐB Thu cũng đề nghị cần quy định rõ việc quản lý nguồn quỹ phòng chống thiên tai cùng với đó xây dựng lực lượng mạnh để đối phó vì thiên tai cần phải kịp thời.

Trong khi đó, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cho rằng, thiên tai diễn ra ngày càng phức tạp và mức nguy hiểm cao. Việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai cần được xây dựng từ cấp dưới lên mới sát thực tế và phù hợp với tình hình của từng địa phương.

"Từ những đề xuất của cơ sở mới có phương án di dời sát thực tế, chứ ở trên cao Trung ương làm sao biết được ngôi nhà nào phải di dời, phải sơ tán. Ban soạn thảo cần sát thực tế hơn, gần dân sát dân thì phòng tránh thiên tai mới hiệu quả”- ông Nghĩa nói.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) cho rằng, nội dung của Luật Phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai chủ yếu chép lại Luật Phòng chống bão lũ và Luật Tài nguyên nước. Do vậy cần lãm rõ việc đánh giá tác động thiên tai như việc nước biển dâng, ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long.

"Cần làm rõ mối quan hệ giữa thiên tai và nhân tai. Thiên tai chưa thấy đâu nhưng nhân tai lại xuất hiện, như phá rừng làm thủy điện làm xảy ra lũ ống, lũ quét. Phải nghiên cứu ngăn cấm những hành vi của con người phá hoại cán cân sinh thái là rừng và sông hồ. Đây là điều quan trọng mà Luật chưa tìm thấy”- ông Đương nói.

Đồng tình với ĐB Đương, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) nói: "Tôi đồng tình với ý kiến đưa kiến thức về phòng chống thiên tai vào chương trình học của học sinh hiện nay để giúp các em có kiến thức cơ bản khi có sự cố bất thường xảy ra”.

Bà Khá cũng cho rằng, cần có những quy định vấn đề những nơi có nguy cơ sạt lở thì bắt buộc phải di dời, để cưỡng chế khi người dân cố tình không thực hiện. Trách nhiệm của chính quyền huyện, tỉnh đến đâu khi có thiên tai xảy ra. Ngân sách nhà nước dự trù hàng năm trong công tác này như thế nào. Việc xử lý khi chính quyền địa phương không kịp thời hỗ trợ, cứu đói cho dân khi có thiên tai xảy ra như thế nào?

ĐB Nguyễn Đức Hải (Quảng Nam) cũng kiến nghị, cần bổ sung quy định xử lý khi có trường hợp vỡ hồ đập, đê điều, kênh mương xảy ra để đối phó với sự việc này.

Ông Hải dẫn chứng rằng: "Thực tế ở nước ta đã xảy ra động đất tại thủy điện sông Tranh làm nứt hàng nghìn ngôi nhà thì xử lý việc này như thế nào. Cần đưa kiến thức phòng, chống thiên tai trong chương trình học cho học sinh, nhằm giúp các em có kiến thức trong phòng chống thiên tai để giảm thiệt hại mỗi khi có thiên tai xảy ra”.

Đừng để công trình KHCN trong "ngăn kéo”

ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng, dự án Luật Khoa học công nghệ (KHCN) có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhưng còn sơ sài. Việc đầu tư còn dàn trải trong khi đó cơ chế tài chính cho KHCN còn mang nặng tính hành chính bao cấp. Ý

kiến của ĐB Bảo cũng là những trăn trở của ĐB Trần Quốc Tuấn (Quảng Nam) cho rằng, đối với các tổ chức làm dịch vụ chuyển giao khoa học công nghệ thuần túy sẽ không được hưởng chế độ ưu đãi giống như các tổ chức trực tiếp nghiên cứu KHCN.

Ông Tuấn cho rằng, về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức KHCN, thì các tổ chức này phải được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù trong nghiên cứu khoa học và nên xếp hạng các tổ chức KHCN để đầu tư xứng đáng với việc nghiên cứu hiệu quả của từng tổ chức này.

"Nên tách riêng một chương về chính sách ưu đãi đối với các tổ chức khoa học công nghệ và nên có chính sách ưu đãi đặc thù đối với KHCN. Có như vậy KHCN mới được phát triển trong tương lai” -ông Tuấn nói.

Còn ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP. HCM) đề nghị, KHCN phải tập trung vào vấn đề nông nghiệp, chế tạo giống, các công nghiệp phụ trợ. "KHCN cần tập trung cho nông nhiệp, người nông dân đang rất thiếu về ứng dụng KHCN; Các nước khác đã rút kinh nghiệm từ lâu trong khi chúng ta lại vấp ngã. Sau đó mới "té ngửa” ra là chúng ta chưa nghiên cứu” - ĐB Lan nói.

Bà Lan cũng cho rằng, Luật chưa có cơ chế tài chính cho KHCN, do vậy cần áp dụng vào thực tế chứ đừng "cất vào ngăn kéo” hay dùng để phong học vị học hàm, gây lãng phí tiền của Nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Còn “nhân tai” sao khắc phục được thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO