Có nên vay vốn đầu tư bằng mọi giá?

HOÀNG HẢI/DNSGCT| 08/08/2016 06:22

Các khoản vay ưu đãi bên mua của Trung Quốc đều là các khoản vay có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc thiết bị Trung Quốc.

Có nên vay vốn đầu tư bằng mọi giá?

Việt Nam đang cần rất nhiều nguồn vốn cho phát triển, nhưng không thể vay mượn bằng mọi giá, nhất là đối với một nơi đã có quá nhiều tai tiếng, gây quá nhiều bức xúc, để lại quá nhiều hậu quả, một đối tác duy nhất trên thế giới luôn đặt điều kiện phải dùng cả lao động phổ thông từ nước họ. Điều này giải thích tại sao mới đây nhiều bộ và ban ngành lên tiếng khuyến cáo phải cẩn thận với đề xuất vay Trung Quốc hơn 300 triệu USD cho dự án cao tốc Vân Đồn – Móng Cái.

Đọc E-paper

Dự án xây dựng đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái có tổng chiều dài 96km. Nhà tài trợ dự kiến là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) với vốn vay dự kiến là 304,9 triệu USD (tương đương 6.860 tỷ đồng) trên tổng số 382 triệu USD tổng mức đầu tư. Dự án dự kiến thực hiện trong vòng 48 tháng.

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được ý kiến góp ý của các cơ quan Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính mà về cơ bản còn nhiều ý kiến khác nhau về dự án này.

Theo Bộ Tài chính, điều kiện đối với 3 khoản vay tín dụng ưu đãi phía Trung Quốc hiện đang áp dụng đối với Việt Nam là lãi suất 3 – 4%/năm, phí quản lý 0,25 – 1%, phí cam kết 0,25 – 0,5%/năm, thời hạn vay 15 năm.

Điều kiện này không thuận lợi so với trước đây khi Bộ Tài chính đã đàm phán với ngân hàng này về điều kiện vay khoản tín dụng ưu đãi bên mua (dự kiến sử dụng cho dự án đường cao tốc Hà Nội – Lạng Sơn). Tại thời điểm đó, China Eximbank đề xuất điều kiện vay 300 triệu USD với lãi suất 2%/năm, thời hạn vay 20 năm, phí quản lý 0,25% và phí cam kết 0,25%/năm.

Bộ Tài chính cho rằng, các khoản vay ưu đãi bên mua của Trung Quốc đều là các khoản vay có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc thiết bị Trung Quốc. Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc là dự án đầu tư phát triển có nguồn thu trực tiếp. Do đó, cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn hoặc chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm giảm rủi ro trong quá trình xây dựng.

Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc chủ trương sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi bên mua của Trung Quốc cho dự án này, đồng thời ưu tiên cho những dự án cấp thiết, có khả năng thu hồi vốn. Trường hợp sử dụng nguồn vốn tín dụng ưu đãi bên mua, đề nghị cần xác định rõ chủ đầu tư phù hợp với cơ chế sử dụng vốn.

Về phía Bộ Ngoại giao thì qua lời của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho thấy, hiện nay chúng ta có nhu cầu rất lớn trong việc đầu tư, xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy có một số nguồn vốn trong nước nhưng không đủ để phát triển cơ sở hạ tầng. Như vậy, chúng ta có các khoản vay, các khoản vốn hỗ trợ phát triển (ODA) của các nước cho chúng ta thì việc Trung Quốc hay nước nào đó có nguồn vốn ODA đáp ứng yêu cầu của chúng ta thì chúng ta sử dụng, chứ không phân biệt nước này hay nước kia.

Cái chính là nguồn vốn đó đáp ứng điều kiện của chúng ta hay không, đảm bảo chúng ta có khả năng vay, trả nợ. Nguồn vốn vay ODA của nước nào cũng vậy, cũng kèm theo các điều kiện của các nước cho vay vốn ODA.

>>Tỉnh nghèo cần vốn ODA, nhưng…

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, việc quyết định có vay của đối tác Trung Quốc trong dự án này hay không đang được cân nhắc và đàm phán lại theo hướng có lợi hơn, chẳng hạn như mức lãi suất vay thấp hơn và bỏ chỉ định thầu cho nhà thầu Trung Quốc…

Theo ông, Trung Quốc thỏa thuận cho vay nhưng chúng ta có quyền tìm kiếm đối tác để vay và đương nhiên là các điều kiện có lợi thì mới vay. Chính phủ đang đa dạng hóa tất cả các nguồn vay. Điều kiện vay thế nào, vay ai… cũng phải xem xét cẩn trọng. Còn quyết định cuối cùng phụ thuộc vào từng dự án cụ thể, vay thế nào, sử dụng vốn ra sao…

Đề cập đến điều kiện đi kèm vốn vay ưu đãi, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng có nhà đầu tư đa phương không quan tâm việc buộc nhà thầu phải là của họ, phải mua hàng hóa vật tư của họ… Nhưng nhà thầu song phương họ lại quan tâm điều này.

Cái chính là chúng ta phải hài hòa lợi ích người đi vay và cho vay. Qua đó giảm thiểu những rủi ro đi kèm (nếu có) và minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, giảm chi phí không hợp lý. Ví dụ như trong dự án này, chúng ta đang cố gắng đàm phán không chỉ định thầu là nhà thầu Trung Quốc, tất cả phải đấu thầu công khai. Đạt được điều kiện này thì sẽ tăng hiệu quả của dự án.

Vẫn còn những tiếng nói lạc điệu trong việc vay vốn nước ngoài. Chẳng hạn như khi giải trình về các nguồn vốn cho dự án này, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng dự án này khó thu hút các nhà đầu tư tham gia theo hình thức BOT do kinh phí đầu tư lớn. Ngoài ra, đây là khu vực có điều kiện kinh tế khó khăn, cần có cơ chế hỗ trợ đầu tư, đặc biệt thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông không thu phí.

Về đầu tư theo nguồn vốn khác, ngoài Trung Quốc, hiện nay chưa có nhà tài trợ nào khác quan tâm. Do vậy, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, tại thời điểm hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn vay Trung Quốc là hợp lý.

Về quy mô đầu tư dự án, trước đây, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến tổng mức đầu tư lên tới 810 triệu USD. Tuy nhiên, để giảm áp lực vay nợ nước ngoài, Bộ đã điều chỉnh lại, theo đó phân kỳ dự án thành 2 giai đoạn và khoản tín dụng 300 triệu USD của China Eximbank cơ bản đáp ứng được nhu cầu vốn của dự án giai đoạn 1.

Ngoài dự án đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, một dự án khác dường như cũng đang có điều bất ổn. Đó là dự án đường xe lửa cao tốc nối Côn Minh, Lạng Sơn, Lào Cai và Hải Phòng đầu tư 4.000 tỷ đồng (200 triệu USD) do Trung Quốc tài trợ nghiên cứu và tuyên bố sẵn sàng cấp ODA. Lãnh đạo 3 tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai và Hải Phòng đang khẩn thiết đòi hỏi phải xây ngay.

Bí thư Lạng Sơn nói: “Phía Trung Quốc cho rằng đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn hiện dùng cho cả tàu hàng và chở khách nên tốc độ không cao và họ mong muốn có một tuyến với tốc độ cao khoảng 200km/giờ”.

Chủ tịch tỉnh Lào Cai thì nói: “Nếu để lâu thì Trung Quốc cũng lờ qua ngay. Họ cũng chẳng cần nữa và sẽ tìm nước khác. Họ đang kết nối với mấy nước bằng cách đi đường vòng Thái Lan để ra biển”.

Dự án này nằm trong kế hoạch một vành đai 2 con đường của Trung Quốc và được Trung Quốc tài trợ nghiên cứu, cũng như sẵn sàng tài trợ đầu tư. Dự án này gần như chưa được tranh luận trong giới chuyên môn cũng như Quốc hội mới.

Một điều cần lưu ý là ODA, hình thức vay nợ quốc gia, mà mục đích là phục vụ kinh tế và lợi ích của quốc gia chứ không phải lợi ích của Lạng Sơn hay Trung Quốc. Không biết hiện nay đã có báo cáo đánh giá lợi ích kinh tế như vậy chưa?

>>5 năm, Việt Nam giải ngân hơn 1,8 tỷ USD vốn ODA

Chung quanh các dự án vay vốn ODA lâu nay đã có không ít tiếng nói phản biện.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế – tài chính cho rằng, nguồn vốn vay của Trung Quốc không có sự giám sát tốt và chặt chẽ như WB, IMF… Do đó, nếu gặp các chính quyền tham nhũng, không đủ năng lực giám sát, quản lý sẽ khiến khoản vay không đưa đến đúng công trình. Tại Việt Nam, hầu hết các dự án vốn vay Trung Quốc đều đội vốn công trình và kéo dài thời gian. Chưa xét tới việc lỗi của giám sát Chính phủ, chủ đầu tư hay ban quản lý dự án nhưng thực tế chưa thấy dự án nào vốn vay Trung Quốc, nhà thầu Trung Quốc mà trọn vẹn, hoàn thành đúng tiến độ, hiệu quả cả. 

Thêm vào đó, hầu hết các khoản vay Trung Quốc đều kèm theo các điều kiện thi công, nhà thầu của Trung Quốc. Điều này cũng hết sức quan ngại vì chúng ta đã có thực tiễn về việc sử dụng công nghệ, thi công của Trung Quốc rồi.

Minh họa cho thực tế này là nhận định của bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế có uy tín. Theo bà, vay vốn của Trung Quốc phải đi kèm nhiều điều kiện sử dụng công nghệ, thầu phụ, lao động, vật tư… của họ. Trung Quốc cho vay để bán hàng của họ, tạo việc làm cho họ, trong khi thời gian tiến độ và chất lượng chúng ta không kiểm soát được.

Chúng ta đã có nhiều bài học. Ngoài hạ tầng thì rất nhiều dự án liên quan đến Trung Quốc như dự án Nhà máy thép Thái Nguyên, các dự án xi măng, thủy – nhiệt điện… cũng đều đầy rẫy vấn đề.

Hiện nay Trung Quốc đang trong quá trình chuyển đổi tăng trưởng, đi kèm là các công nghệ cũ được thay bằng công nghệ mới, vật liệu cũ bằng vật liệu mới. Thế là các công nghệ, kỹ thuật cũ sẽ được xuất khẩu sang các nước khác qua ODA, qua vốn vay.

Bài học ấy chính bản thân các nước châu Phi đã nhận ra rồi, đi kèm vốn rẻ của Trung Quốc là nhiều rủi ro về tài nguyên, ô nhiễm môi trường.

Điều này càng củng cố thêm suy nghĩ của chúng ta là không nên vay vốn đầu tư từ Trung Quốc bằng mọi giá.

>>Venezuela vay Trung Quốc 5 tỷ USD để tăng sản lượng dầu thô

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Có nên vay vốn đầu tư bằng mọi giá?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO