Cơ chế nào cho Thành phố Hồ Chí Minh?

HUỲNH BỬU SƠN/DNSGCT| 06/06/2016 06:29

Một vấn đề đang được dư luận chú ý là việc lãnh đạo TP.HCM bộc lộ quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của thành phố, với mục tiêu trở thành trung tâm thương mại, tài chính hàng đầu của khu vực.

Cơ chế nào cho Thành phố Hồ Chí Minh?

Trong những ngày gần đây, một vấn đề đang được dư luận chú ý là việc lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) bộc lộ quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội của thành phố, với mục tiêu trở thành một trung tâm thương mại, tài chính hàng đầu của khu vực, lấy lại danh tiếng lẫy lừng một thời của Sài Gòn – Hòn Ngọc Viễn Đông.

Đọc E-paper

Để thực hiện mục tiêu tham vọng này, nhiều người đã nghĩ đến việc đề xuất chính phủ trung ương cấp cho TP.HCM một cơ chế chính sách rộng rãi hơn, mềm dẻo hơn, để thành phố có thể phát huy hết những thế mạnh của mình trong một nỗ lực kép nhằm đưa thành phố nhanh chóng tiến lên vị trí hàng đầu của vùng Đông Á, đồng thời đảm nhận tốt vai trò đầu tàu kinh tế phía Nam, kéo theo nó sự phát triển mạnh mẽ của các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ.

Cho đến lúc này, câu chuyện vẫn chỉ dừng ở mức đề xuất, chưa có quyết định chính thức nhưng câu hỏi đặt ra là liệu TP.HCM có cần xin một cơ chế đặc biệt để phát triển?

Cơ chế đặc biệt dành riêng cho một địa phương nhằm tạo điều kiện cho nó phát triển khác hơn những vùng miền khác trên cả nước hầu như là một chính sách đặc thù chỉ có ở các nước xã hội chủ nghĩa như Việt Nam, Trung Quốc, trong giai đoạn vừa phải xây dựng một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, vừa phải hình thành một khu vực – như một cửa sổ thông gió – để có thể giao lưu kinh tế, thương mại, tài chính với các nước công nghiệp phát triển theo kinh tế thị trường nhằm tiếp nhận công nghệ, đồng vốn, kỹ năng quản trị của họ, những nguồn ngoại lực cần thiết cho phát triển kinh tế…

Có thể xem những đặc khu kinh tế là nơi thực tập quan hệ kinh tế theo kiểu thị trường trong một giai đoạn khó khăn nhất định, khi nền kinh tế còn đang do dự trước ngã ba đường kinh tế kế hoạch hay kinh tế thị trường.

Hiện nay, nước ta đã thực sự hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đang là thành viên của các khu vực mậu dịch tự do lớn trên toàn hành tinh và trên thực tế, cả nước đang nỗ lực trở thành một nền kinh tế theo cơ chế tự do thị trường hoàn chỉnh trong đó mọi địa phương, mọi doanh nghiệp đều được hưởng quyền lợi và trách nhiệm ngang nhau trong một môi trường cạnh tranh ngày càng công bằng hơn và lành mạnh hơn.

Trong tình hình đó, việc xin một cơ chế riêng cho TP.HCM trở thành một đặc khu hành chính và kinh tế theo kiểu Thâm Quyến xem ra không còn hợp thời và cũng không cần thiết.

>>Mặt trái của mô hình đặc khu kinh tế

Xét trên mọi khía cạnh, TP.HCM luôn được xem là đứng đầu cả nước: cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, nguồn tài chính, công nghệ, kỹ năng quản trị, lực lượng doanh nhân và doanh nghiệp, hệ thống giáo dục và đào tạo, hệ thống chăm sóc sức khỏe, năng suất lao động… Tổng sản lượng nội địa của TP.HCM bằng 20% GDP cả nước, thu nhập bình quân đầu người/năm gấp 3 lần thu nhập bình quân cả nước, đóng góp 30% thu ngân sách quốc gia và thu hút 20% nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. TP.HCM không cần một cơ chế đặc biệt để có thể phát triển.

Tuy nhiên, nếu có một cơ chế cần điều chỉnh để mang lại công bằng trong vai trò đầu tàu tăng trưởng phía Nam, đó chính là cơ chế xác định công bằng tỷ lệ nộp ngân sách và tỷ lệ dành lại cho thành phố để đầu tư phát triển.

Trong thời gian 2 thập niên qua, mức chi ngân sách của Thành phố chỉ chiếm 7% GDP trong khi Thành phố tạo ra sản lượng bằng 20% GDP. Ngân sách của Thành phố đang được giữ lại quá ít.

Tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giảm dần qua từng thời kỳ, trước đó giai đoạn 2001-2006 thành phố được hưởng 29%, giai đoạn 2007-2010 được hưởng 26% và sang giai đoạn 2011-2015 giảm còn 23% và giữ nguyên cho đến nay. Điều này có nghĩa là vốn đầu tư từ ngân sách của Thành phố cho người dân Thành phố quá thấp so với đóng góp của người dân và doanh nghiệp hoạt động tại đây. Đây chính là một trong nhiều nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố đang giảm dần.

Điều này cũng cho thấy một chính sách sung dụng tài nguyên quốc gia kém hiệu quả. Nguồn vốn đầu tư công được phân bố trên toàn nền kinh tế lại nặng về mục tiêu chính trị và xã hội hơn là kinh tế, tạo ra lãng phí và làm cho các đầu tàu tăng trưởng chậm, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Như vậy, thay vì thực hiện hóa một cơ chế đặc biệt nào đó, Nhà nước cần xem lại các chính sách tài khóa, tín dụng để mở đường cho không chỉ TP.HCM mà còn nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, đặc biệt đối với những địa phương có vai trò đầu tàu.

Chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào thế giới sau khi gia nhập WTO, Cộng đồng Kinh tế ASEAN và sắp tới là gia nhập TPP, rộng mở cánh cửa phía bên ngoài thì nhất thiết phải thông thoáng cánh cửa bên trong để mỗi địa phương đều được tạo điều kiện phát triển hết tiềm năng, đồng thời tạo được sự hội nhập và liên kết vùng, hình thành những khu vực kinh tế có hiệu ứng dây chuyền phát triển mạnh mẽ.

>>Hội nhập TPP và AEC: Doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận

Song song với những thách thức khách quan về “chiếc áo hẹp” khiến TP.HCM không thể bứt phá trong tăng trưởng, cũng cần nhận diện những thách thức nội sinh của Thành phố. Chưa nói đến việc so sánh với các đô thị lớn, hiện đại ở các nước trong khu vực như Thượng Hải, Singapore, Bangkok, ngay như so sánh với một số tỉnh, thành khác trong nước như Đà Nẵng, Bình Dương,… TP.HCM cũng đã có một số mặt tụt hậu thể hiện rõ qua chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số đo lường hiệu quả hành chính công cấp tỉnh (PAPI) trong những năm gần đây.

Có thể nói, thách thức về cơ chế quan trọng nhất của TP.HCM chính là việc cải cách bộ máy hành chính. Dù từng đi đầu về cải cách thủ tục hành chính với mô hình “một cửa” đình đám một thời nhưng đến nay, người dân và doanh nghiệp hoạt động tại Thành phố vẫn không khỏi nén tiếng thở dài khi có chuyện phải tiếp xúc hay cầu cạnh bộ máy này.

Ngay trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, dù được xem là thành công lớn cũng không hẳn đã tạo được những tín hiệu lạc quan. Trước đây, khi bắt đầu đặt chân vào thị trường nước ta, Samsung chọn TP.HCM là điểm đến thì sau này địa phương họ đầu tư rất lớn lại là hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên chứ không phải thành phố “Hòn Ngọc Viễn Đông”. Có thể có nhiều lý do, nhưng phải là điều đáng suy nghĩ của những người lãnh đạo Thành phố. Thực trạng về “văn hóa bôi trơn” của một số cán bộ viên chức khi thực thi công vụ, thậm chí đúng hay sai đều phải có “phong bì” mới xong việc, khiến cho doanh nghiệp, người dân sống và làm việc tại Thành phố vô cùng bức xúc.

Chúng ta vẫn thấy rằng đã có nhiều nghị quyết cần thiết và đúng, trúng đối với “bệnh” của nền kinh tế đã được ban hành, song việc triển khai nghị quyết ở các cơ quan ban ngành cấp dưới thì vẫn còn rất chậm và chưa đạt hiệu quả. Phần lớn còn mang tính tạm thời, ngắn hạn, chưa nhất quán, thủ tục hành chính còn nhiều ràng buộc nên chưa thể giải quyết rốt ráo khó khăn cho doanh nghiệp cũng như tác dụng hỗ trợ không cao.

TP.HCM, kể từ ngày hôm nay, nên đặt mục tiêu cho mình là trở thành mảnh đất lành số một Việt Nam cho doanh nghiệp và nhà đầu tư và để đạt được điều đó, cải cách bộ máy hành chính phải là ưu tiên số một. Để có được những công chức chuyên nghiệp, những nhà “kỹ trị” xứng đáng, lãnh đạo Thành phố cần cải thiện toàn diện chất lượng đào tạo cán bộ viên chức, trong đó phải đề cao yếu tố phẩm chất đạo đức, sự liêm chính và năng lực chuyên môn của họ.

Đối với người dân và doanh nghiệp, một tỷ lệ cao dành lại cho ngân sách đầu tư của TP.HCM không phải là điều quan tâm số một của họ, điều mọi người muốn biết là số tiền đó sẽ đầu tư ở đâu, cho ai, vào cái gì… và có thực sự vì mục tiêu quốc kế dân sinh, vì mục tiêu phát triển kinh tế và nhất là có tránh được tham nhũng, lãng phí hay không?

Thành phố muốn phát triển trong lâu dài, nhất thiết phải đầu tư cho con người. Từ trước đến nay, việc đầu tư cho con người vẫn nặng về hình thức mà nhẹ về thực chất. Ngoài ra, việc đầu tư cho hệ thống y tế, hạ tầng giao thông, điện, nước, cấp thoát nước, bảo vệ môi trường sống… cũng quan trọng không kém để đảm bảo sức khỏe, một môi trường sống tiện nghi, lành mạnh cho người dân Thành phố, giúp họ làm việc tốt, nâng cao năng suất lao động.

Như vậy, cơ chế mà Thành phố thật sự cần phần lớn nằm trong tầm tay và trách nhiệm của lãnh đạo Thành phố: đó là cải thiện bộ máy hành chính, nới lỏng chiếc “vòng kim cô” đang siết trên đầu người dân và doanh nghiệp, và tập trung đầu tư có chất lượng vào việc xây dựng những công dân tốt, những con người sẽ xây dựng một thành phố lành mạnh, thanh bình ngày hôm nay và giàu đẹp mai sau.

>>Cải cách hành chính: DN lo ngại "đi đêm" với hải quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cơ chế nào cho Thành phố Hồ Chí Minh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO