Chuyển đổi số: Doanh nghiệp chờ sự đáp ứng của chính sách

SONG ANH| 02/11/2018 06:00

Từ góc độ số hóa trong doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, sự thay đổi của nền kinh tế Việt Nam đã không nhanh như kỳ vọng, thậm chí gần đây bị chững lại.

Chuyển đổi số: Doanh nghiệp chờ sự đáp ứng của chính sách

* Ông bình luận thế nào về phiên tòa xét xử vụ tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) kiện Công ty TNHH Grab (Grab) đòi bồi thường 41,2 tỷ đồng?

- Đây là vấn đề phức tạp nên cần hết sức bình tĩnh. Về chính sách, nước ta khuyến khích phát triển công nghệ, đấy là yếu tố số 1. Qua vụ kiện này phải thấy có vấn đề bảo hộ hay không bảo hộ doanh nghiệp trong nước, vấn đề về chi phí điều chỉnh, vấn đề cạnh tranh thế nào là lành mạnh và công bằng.

Ai cũng thống nhất là phải cạnh tranh lành mạnh, phải ủng hộ cái mới. Nói dễ nhưng thực tế không dễ chút nào. Cá nhân tôi không muốn nhìn vào quyết định xử phạt trong vụ kiện này mà qua đó để thấy sự cần thiết phải cải thiện hệ thống pháp luật. 

* Từ lĩnh vực vận tải hành khách, ông đánh giá về năng lực cạnh tranh của doanh nghiêp Việt Nam?

- Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), năm nay năng lực cạnh tranh của Việt Nam giảm ba bậc. Việt Nam xếp thứ 77/140 nước và vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng cạnh tranh toàn cầu năm 2018 (năm 2017 ở vị trí 74). Sự sụt giảm này có yếu tố kỹ thuật, bởi WEF đánh giá năng lực cạnh tranh dựa trên ba trụ cột. Thứ nhất, những nền tảng cơ bản, như thể chế, kết cấu hạ tầng. Thứ hai, vấn đề hiệu quả thị trường liên quan đến thị trường lao động, thị trường tín dụng và hệ thống giáo dục, đào tạo. Thứ ba, vấn đề về đổi mới sáng tạo.

Với những nước có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, thường gắn liền trụ cột thứ nhất và thứ hai, bởi Việt Nam đang là nền kinh tế chuyển đổi, chưa phải là nền kinh tế phát triển. Thế nhưng, đến nay WEF đã đặt ba trụ cột này là như nhau, nên điểm số của Việt Nam đã thay đổi theo cách tính toán này.

Một điều tôi muốn nói hơn, cách nhìn và đánh giá của WEF đã thay đổi so với hai năm trước. Tốc độ cải cách nền kinh tế và thay đổi của Việt Nam đã không nhanh như kỳ vọng, thậm chí gần đây bị chững lại. Chính vì vậy, xét một cách tương đối và so với các nước khác, Việt Nam đã giảm bậc năng lực cạnh tranh, dù có một phần lý do từ thay đổi cách tính toán. Điều này, cũng phù hợp với thực tế của Việt Nam khi đang nỗ lực thay đổi mô hình đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

* Như ông nói, những nỗ lực thay đổi của doanh nghiệp là chưa đủ để có năng lực cạnh tranh cao hơn?

- Việt Nam nói rất nhiều về cuộc cách mạng lần thứ tư cũng như về tính thiết thực của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp, với sản phẩm và dịch vụ mới, đối với quy trình sản xuất, kinh doanh, cũng như những thay đổi trong cách quản trị, kỹ năng quản lý và lao động. Dù vậy, trong nhiều trường hợp, nhiều vị lãnh đạo chưa nhận thức đầy đủ và quan tâm đúng mức đến chuyển đổi số.

Kinh nghiệm thế giới và trong nước đều cho thấy, thông qua chuyển đổi số, các doanh nghiệp và tổ chức sẽ đạt được 5 lợi ích lớn là tăng tỷ suất lợi nhuận, tăng năng suất, giảm chi phí, tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ mới và tăng doanh thu từ các sản phẩm, dịch vụ cũ cũng như tăng sự trung thành của khách hàng.

Cuối những năm 1970 đầu 1980, chúng tôi là thế hệ đầu tiên của Việt Nam được tiếp cận số hóa, nhưng đến nay đã lạc hậu. Bây giờ, hạt nhân của công nghiệp 4.0 là chuyển đổi số, dựa trên những đột phá về công nghệ thông tin, thuật toán và sự tích hợp với các công nghệ khác để tạo ra tiền cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, các tác nhân trong nền kinh tế số ở Việt Nam bao gồm người làm chính sách, nhà sáng tạo, doanh nghiệp và cá nhân. Nó cho thấy, những đòi hỏi và thôi thúc chuyển đổi số từ dưới lên. Vấn đề bây giờ là bên trên sẽ đáp ứng, giải quyết những vấn đề số hóa của doanh nghiệp như thế nào.

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyển đổi số: Doanh nghiệp chờ sự đáp ứng của chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO