Chuyện chưa kể về một chiến khu

HẢI DƯƠNG - HÀ ANH| 08/05/2012 03:05

Gần 70 năm đã trôi qua với bao biến động của một ngôi làng miền Kinh Bắc. Quãng thời gian ấy cũng dài gần một đời người, đủ để xóa đi những dòng lịch sử hào hùng, oanh liệt nếu ta vô tình hay cố ý làm điều ấy.

Chuyện chưa kể về một chiến khu

Gần 70 năm đã trôi qua với bao biến động của một ngôi làng miền Kinh Bắc. Quãng thời gian ấy cũng dài gần một đời người, đủ để xóa đi những dòng lịch sử hào hùng, oanh liệt nếu ta vô tình hay cố ý làm điều ấy. Chúng tôi đã cất công về làng Bừng (xã Tân Thanh, Lạng Giang, Bắc Giang) để ghi lại câu chuyện hào hùng thời tiền khởi nghĩa đã và đang bị xóa nhòa. Chúng tôi nghĩ việc làm ấy chỉ có thể là bây giờ hay không bao giờ, bởi thế hệ chiến sĩ cách mạng năm xưa phần nhiều đã khuất núi hoặc ở độ tuổi 90.

Đọc E-paper

Đình làng Bừng nơi nhiều chiến sĩ, cán bộ đã ẩn nấu để hoạt động cách mạng

“Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân số 2”



Làng Bừng xưa kia có tên Chuyên Mỹ thuộc tổng Mỹ Thái, Bắc Giang. Tiếp chúng tôi trong căn nhà cổ của tổ tiên, ông giáo Nguyễn Khắc Nhượng, năm nay đã 87 tuổi, cho biết:

“Khi phong trào cách mạng trong cả nước thời ấy đang sục sôi, một số già làng tin tưởng đi theo cách mạng đã quyết định đổi tên Chuyên Mỹ thành làng Bừng, với hàm ý bừng cháy, thắp sáng lên niềm tin, ngọn lửa cách mạng”.

Những năm 1936 -1939, đã có một số chiến sĩ cách mạng về Bừng hoạt động bí mật. Trong tiềm thức của ông Nhượng thì họ cũng ăn mặc như những nông dân, có khác là họ hay cưỡi ngựa và đeo súng hoặc kiếm ngắn bên mình.

Họ đến khu rừng phía sâu trong làng họp hành, hội đàm, rồi tối được bố trí ăn ngủ ở nhà một người dân nào đó. Nhưng chính người chủ nhà ấy cũng không được phép hỏi tên tuổi của những chiến sĩ cách mạng bí mật này.

Sau này khi Cách mạng Tháng Tám thành công, việc công bố tên tuổi các đồng chí cán bộ đã từng về Bừng hoạt động được tiến hành thì người ta mới biết: năm 1937, Ban Cán sự Đảng tỉnh Bắc Giang đã cử đồng chí Ngô Sĩ Tiếp và Nguyễn Trọng Tuất về Bừng gây cơ sở cách mạng.

Cũng trong thời gian này, ở làng Bừng đã có một số người giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng như làm liên lạc viên, do thám, in và phân phát sách, báo. Trong số này có thể kể đến ông Hoàng Hoa Phẩm và Giáp Văn Oanh.

Ông Nguyễn Khắc Nhượng mô tả cách cán bộ cách mạng hướng dẫn tự vệ làng Bừng bằng súng kíp

Chính ngôi nhà của họ ở Bừng là nơi đón tiếp, che chở của các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Lương Bằng, Lê Thanh Nghị...

Trong chuyến tìm về dấu ấn lịch sử của làng Bừng năm xưa, chúng tôi đã rất may mắn được gặp và nghe ba người còn lại cuối cùng của đội quân du kích 44 người năm xưa. Ông Hà Văn Cứ năm nay đã 91 tuổi, vẫn còn nhớ được nhiều chuyện ngày xưa để kể lại cho chúng tôi nghe.

Ông Hà Văn Cứ trầm ngâm một lúc rồi kể lại:

“Cụ Hoàng Văn Thụ, Ngô Gia Chinh, Nguyễn Thanh Bình, Lê Văn Lương và Lê Thanh Nghị về Bừng hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng. Nhưng đầu năm 1945, nhận thấy tình hình cách mạng đã có những chuyển biến tích cực, thì các cán bộ cách mạng đã quyết định thành lập ở Bừng một đội tự vệ vũ trang. Để biến những người nông dân thành chiến sĩ thực thụ, họ đã cử đồng chí Lư Giang, người con của vùng đất Lục Ngạn - Bắc Giang về chỉ đạo, huấn luyện võ thuật, súng, gươm cho đội tự vệ”.

Đội tự vệ vũ trang 44 người của làng Bừng đã từng được ví như đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân số 2 được lập sau đội ở Cao Bằng. Căn cứ cách mạng làng Bừng cũng là địa điểm giam giữ và hành quyết hàng chục tên phát xít, Việt gian tàn ác, khét tiếng bắt được ở các nơi. Các cấp lãnh đạo đều tin tưởng Bừng chính là căn cứ địa bí mật, an toàn để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng đó.

Nỗi buồn chứng nhân sống

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, năm 1976, một số lão thành cách mạng đã có chủ kiến lập hồ sơ để báo cáo với cấp trên công nhân Bừng là làng cách mạng, làng có công với nước.

Nòng khẩu súng kíp, vật chứng hiếm hoi của thời tiền khởi nghĩa còn sót lại

Suốt từ năm 1976 đến 1978, ông Hà Văn Trung (nguyên là Bí thư Đảng ủy huyện Lạng Giang) và ông Hoàn Văn Sử (công an huyện) phối hợp một cựu chiến sĩ tự vệ làng Bừng là ông Hoàng Hoa Phẩm đã cất công tìm kiếm những tư liệu về làng Bừng để lập thành hồ sơ.

Sau khi hồ sơ đã hoàn thiện các ông đã không quản đường xá nhiều lần đạp xe từ Lạng Giang xuống Thị xã Bắc Giang để giao nộp cho Ty Văn Hóa Hà Bắc (Khi đó Bắc Giang -Bắc Ninh được gộp chung là tỉnh Hà Bắc) hồ sơ yêu cầu công nhận Bừng là làng có công với nước.

Sau nhiều lần đạp xe đi đi lại lại từ Lạng Giang xuống thị xã Bắc Giang mà vẫn không có kết quả, hai ông Trung và Sử đã quyết định mang hồ sơ ra Hà Nội để nộp cho cơ quan trung ương.

Hai ông đã phải tìm gặp rất nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước đã từng hoạt động cách mạng ở Bừng khi đó như: Bà Hà Thị Quế, ông Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thanh Bình, Hoàng Quốc Thịnh... để xin xác nhận hồ sơ. Cuối cùng sau bao nhiêu gian khó một tấm bằng ghi nhận công lao của làng Bừng cũng đã ra đời.

Tấm bằng danh giá và trang trọng là vậy, nhưng thật buồn khi chúng tôi được biết rằng 33 năm nay nó phải đi ở nhờ trong các nhà dân.

Ông Giáp Văn Hiếu, người trông đình Bừng cho biết:

“Khi tấm bằng về đến làng do không có chỗ treo nên đã được để ở nhà ông Sâm. Sau một thơi gian, ông trưởng thôn Thuận (1 trong 4 thôn ở Bừng) đã đưa tấm bằng khen về nhà mình.

Sau đó tấm bằng khen lại tiếp tục được chuyển sang nhà ông Nguyễn Văn Lành (thôn Thuận). Năm 2007, khi chúng tôi về làng Bừng đã được chứng kiến cảnh tấm bằng khen của cả làng vùi trong đống quần áo nhà ông Lành...”.

Ông Hà Văn Cừ, một chứng nhân hiếm hoi còn nhớ những người đã về Bừng hoạt động cách mạng

Một số người không hiểu được ý nghĩa thực của nó nên cứ muốn đưa về nhà mình để cho oai. Hậu quả sau hơn 30 năm không có chỗ treo phải đi ở nhà đó là tấm bằng đã bị mất cuống gốc. Giờ đây mỗi năm một lần, tấm bằng ấy lại được vác ra đình Bừng một lần chớp nhoáng và cũng chẳng ai kể lại, nói lại lịch sử của làng quê mình ngày xưa.

Năm 1995, cơ quan chức năng của Bắc Giang đã có ý định hỗ trợ làng Bừng 18 triệu đồng để xây dựng nhà lưu niệm. Nhưng khi ấy chính quyền thôn, xã coi nhẹ việc này và không có 2 triệu đồng tiền đối ứng, nên kết quả đến bây giờ tấm bằng khen vẫn chưa có nơi trú ngụ.

Chúng tôi cùng ông Giáp Văn Hiếu đi lùng sục khắp làng để xem có nhà ai còn giữ được những vật chứng lịch sử không? Phải tìm mãi chúng tôi mới biết được ở nhà ông Giáp Văn Sâm (năm nay đã 88 tuổi) còn nòng 1 khẩu súng kíp. Đây là khẩu súng kíp đã được đội tự vệ làng Bừng sử dụng trước cách mạng Tháng Tám.

Ông Sâm cho biết: “Những năm 1963 - 1964, có phong trào tát ao Hợp tác xã, nên đã phát hiện vài khẩu súng kíp cũ của các chiến sĩ năm xưa. Bọn trẻ khi đó nhặt lên để vào xó bếp, thỉnh thoảng mang ra chơi đùa. Do để lâu, lại bị ngâm dưới bùn nên những khẩu súng đã bị han rỉ, rời từng bộ phận. Khoảng chục năm trước, bọn trẻ con không biết là cái gì đã mang đi đổi kẹo kéo hết”.

Một vài em học sinh cấp 2 ở Bừng chúng tôi bắt gặp trên và hỏi về những đồng chí cách mạng cũng như lịch sử làng. Nghe thấy có người hỏi vậy thì bọn chúng cười ầm lên, ngơ ngác nhìn chúng tôi như từ trên trời rơi xuống.

Tấm bằng khen có công trong Các mạng Tháng tám của làng Bừng đã đi ở nhờ suốt 33 năm nay

“Ông em kể làng mình có cái đình cháy thôi, hình như bị quân Pháp đốt còn cách mạng gì đó bọn em không biết đâu”, một cô bé vừa nói với chúng tôi vừa đạp xe đuổi theo lũ bạn học của mình.

Ba chứng nhân cuối cùng, cũng là những người đã trực tiếp tham gia cách mạng và đội tự vệ 44 người ở làng Bừng năm xưa là ông Hà Văn Cứ, Nguyễn Khắc Nhượng và bà Nguyễn Thị Cộng đã bước vào cái tuổi gần đất xa trời.

Bà Nguyễn Thị Cộng người đã từng hoạt động bên bà Hà Thị Quế rầu rĩ nói: “Em (cách xưng hô của người phụ nữ ở nông thôn) ngày xưa các anh, các chị bảo làm gì cũng làm, có quản khó khăn, mệt nhọc đâu. Nhưng sau khi đất nước được thống nhất, chúng em chẳng được bất kỳ một cái gì, dù chỉ là một cái chứng nhận”.

Còn ông Hà Văn Cứ đã từng chiến đấu trong đội tự vệ làng Bừng trước cách mạng và cả khi đánh Pháp thì chỉ vì một lần đổ tường nhà mất hết giấy tờ cũng thành ra chả được ai công nhận là cái gì.

Người con gái của ông cứ xuýt xoa: “Đến khổ cho cha tôi, mất hết giấy tờ rồi chả còn được cái gì nữa. Những người 80-90 tuổi còn sống ở Bừng ai mà chả biết bố tôi đã tham gia vào đội quân chiến đấu ở Bừng, đi giải phóng dưới Bắc Giang. Họ hoàn toàn toàn có thể chứng nhận điều ấy, nhưng chẳng hiểu sao đến bây giờ bố tôi vẫn là người vô danh nghĩa với cách mạng Tháng Tám”.

Tôi tin chắc rằng ba chứng nhân sống cho cách mạng ở làng Bừng nói lên nỗi buồn của mình không phải vì đồng tiền. Ở cái tuổi ấy, họ còn sống được bao lâu nữa, còn có thể ăn chơi hưởng lạc gì nữa mà cần tiền. Nhưng họ cần một sự ghi nhận, bởi lịch sử không thể bị vùi chôn như thế!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chuyện chưa kể về một chiến khu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO