Chưa thể buông lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh - Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Ngân hàng| 27/11/2012 04:42

Trong năm 2012, các chính sách kinh tế vĩ mô được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều thách thức, lạm phát biến động phức tạp sau thời gian dài ở mức cao (từ 2007), tăng trưởng kinh tế chậm lại, các dòng vốn đầu tư không ổn định...

Chưa thể buông lỏng  chính sách tiền tệ và tài khóa

Trong năm 2012, các chính sách kinh tế vĩ mô được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều thách thức, lạm phát biến động phức tạp sau thời gian dài ở mức cao (từ 2007), tăng trưởng kinh tế chậm lại, các dòng vốn đầu tư không ổn định...

Đọc E-paper

Trong năm 2012, các chính sách kinh tế vĩ mô được triển khai trong bối cảnh nền kinh tế đối diện nhiều thách thức, lạm phát biến động phức tạp sau thời gian dài ở mức cao (từ 2007), tăng trưởng kinh tế chậm lại, các dòng vốn đầu tư không ổn định...

Song, tăng trưởng GDP quý III tăng 5,35%, cao hơn mức tăng của quý I (4%) và quý II (4,66%). Lạm phát 9 tháng đầu năm so với cùng kỳ 6,48%, bước đầu cho thấy việc thực thi chính sách kinh tế vĩ mô năm 2012 cơ bản là đúng hướng, từng bước tạo ra những yếu tố cơ bản cho sự ổn định nền kinh tế.

Theo đánh giá của HSBC, sản xuất của Việt Nam có dấu hiệu phục hồi, chỉ số việc làm và số lượng hàng mua đã tăng dần. Thêm vào đó, việc xuất khẩu tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái là một tín hiệu tích cực. Tất cả những dấu hiệu trên chứng tỏ đầu tư phục hồi sẽ là tín hiệu gia tăng tổng cầu nền kinh tế những tháng cuối năm.

Phân tích diễn biến các chỉ số PMI cũng như các chỉ số hàm lượng cho thấy, đầu tư có xu hướng phục hồi, mức sản lượng dần được cải thiện. Tuy nhiên, sự phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô trong năm 2012 đôi lúc còn thiếu đồng bộ.

Việc thực hiện các giải pháp đẩy mạnh đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) từ chính sách tài khóa còn chậm so với các chính sách tiền tệ. Chẳng hạn, chính sách quản lý xăng dầu thực hiện thiếu nhất quán, cho tăng mạnh giá xăng dầu vào thời điểm tháng 8, tháng 9 đã gây ra cú sốc tâm lý không tốt cho kỳ vọng giảm lạm phát, trong khi chúng ta đang cần củng cố lòng tin của người dân vào thị trướng ổn định.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong báo cáo mới nhất về triển vọng kinh tế toàn cầu, công bố ngày 9/10 tại Nhật Bản dự báo, kinh tế thế giới từ nay đến cuối năm và sang năm sau được dự đoán sẽ chìm trong bầu không khí ảm đạm.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 3,3% cho năm 2012 và 3,6% cho năm 2013, đều giảm so với bản báo cáo cập nhật cách đây 3 tháng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do những khó khăn từ tất cả các nền kinh tế đầu tàu thế giới là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và các nền kinh tế đang nổi.

Năm 2013, một số tổ chức kinh tế cũng dự báo, lạm phát có khả năng quay trở lại. Nhiều yếu tố có thể tác động làm gia tăng lạm phát nhưng mức độ không lớn. Giá hàng hóa, đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm vẫn có xu hướng gia tăng.

Điều đó có nghĩa, trong năm 2013, không thể trông chờ vào sự bình phục của kinh tế thế giới mà mỗi quốc gia phải chủ động hơn trong việc tìm ra con đường của mình trên cơ sở xác định các mục tiêu phát triển phù hợp, các chính sách điều tiết hướng tới sự ổn định, giải quyết được các vấn đề của nền kinh tế.

Kinh tế của Việt Nam được các tổ chức quốc tế dự báo trong năm 2013 sẽ tốt hơn. Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 của Chính phủ xác định: Mục tiêu tổng quát của năm là tăng trưởng kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012.

Đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với phúc lợi xã hội, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%, tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%... Với bối cảnh quốc tế và trong nước như vậy, chúng ta phải xác định, để đạt được sự ổn định cần thiết cần có thời gian.

Hơn nữa, năm 2012 mới chỉ là năm khởi đầu của quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, thời gian tới, công tác điều hành sẽ tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Những thách thức đó có thể phát sinh từ thực tế, cũng có thể được tích tụ qua cả một quá trình phát triển.

Để vượt qua được, cần thiết phải có những giải pháp triệt để, tập trung giải quyết gốc rễ của những tồn tại, hướng tới các mục tiêu phát triển lấy chất lượng và bền vững làm trọng tâm. Trước mắt, phải xem 2013 là năm bản lề cho những năm tiếp theo nên cần thiết tập trung duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giữ tăng trưởng ổn định, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng DN.

Kết quả chạy mô hình của Viện Chiến lược Phát triển Ngân hàng cho thấy, lạm phát sẽ hơi tăng nhẹ trong hai quý cuối năm 2012, giảm nhẹ trong hai quý đầu năm 2013 và sẽ bắt đầu tăng trở lại từ quý III/2013. Nguyên nhân sâu xa của lạm phát tại Việt Nam là lạm phát cơ cấu, nên chính sách tiền tệ và tài khóa thời gian tới vẫn chưa thể buông lỏng.

Diễn biến lạm phát hiện tại được xem là một thuận lợi để có thể hoàn thiện hơn công tác phòng, chống, kiểm soát lạm phát. Vì thế, từ nay tới năm 2013, các quyết sách, điều hành cần thiết phải bảo đảm thận trọng, linh hoạt và tăng cường sự phối hợp chặt chẽ.

TRÌNH TIÊU ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chưa thể buông lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO